Việt Nam thúc đẩy các thành viên WTO củng cố vai trò hệ thống thương mại đa phương

Trần Huyền

Ngày 4/3/2024, Công điện của Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam, bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva cho biết, khoảng 1h sáng ngày 2/3/2024, Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) tổ chức tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đã bế mạc, đạt nhiều kết quả.

Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 đã bế mạc, kết thúc một tuần làm việc hiệu quả.
Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 đã bế mạc, kết thúc một tuần làm việc hiệu quả.

Nhờ nỗ lực quyết tâm đàm phán của tất cả các thành viên, sự thúc đẩy của nhiều thành viên tích cực, trong đó có Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu, MC13 đã đạt được sự thống nhất với nhiều nội dung chính quan trọng.

Theo Tuyên bố chung của Hội nghị, cùng với việc tái khẳng định các nguyên tắc của WTO, Tuyên bố ghi nhận kết quả đã đạt được trong tiến trình cải cách WTO trên thực tế; khẳng định sự đồng thuận của tất cả các thành viên về việc định hướng WTO cởi mở, hướng tới tương lai nhằm đối phó với các thách thức, biến động toàn cầu, tận dụng các cơ hội mới trong sự phát triển năng động của thế giới; tiếp tục lấy phát triển làm trung tâm trong hoạt động của WTO.

Trong khuôn khổ Hội nghị, WTO đã tổ chức lễ kết nạp 2 thành viên mới là Comoros và Timor Leste, đưa tổng số thành viên WTO lên 166. Tuyên bố ghi nhận sự kiện với ý nghĩa khẳng định WTO luôn phát triển, mở rộng và tái cam kết sẽ hỗ trợ các thành viên mới trong giai đoạn hậu hội nhập.

Ngoài ra, Tuyên bố thể hiện sự coi trọng các khía cạnh phát triển cụ thể, bao gồm việc khuyến khích thảo luận về chủ đề thương mại và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đàm phán về thương mại dịch vụ mang lại lợi ích cho các thành viên là các nước đang và kém phát triển, thúc đẩy thảo luận về doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME), việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ; việc “tốt nghiệp” của các thành viên Kém phát triển (LDC), việc hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các thành viên nhỏ và dễ tổn thương (SVE), các thành viên không có biển (Landlocked), các Thành viên gặp khủng hoảng thiên tai...

MC13 đã thống nhất ra Quyết định của các bộ trưởng về Cải cách giải quyết tranh chấp. Theo đó, Quyết định tái khẳng định cam kết về nội dung cải cách này, ghi nhận các tiến triển đã đạt được và chỉ đạo định hướng tiếp tục thúc đẩy thảo luận nhằm đạt được kết quả trong năm nay.

Quyết định của các Bộ trưởng về việc hỗ trợ các thành viên “tốt nghiệp” LDC trong giai đoạn chuyển đổi. Ngoài ghi nhận quyết định của Đại hội đồng WTO vào tháng 10/2023 về việc khuyến khích các thành viên tự nguyện tiếp tục xem xét kéo dài thời gian ưu đãi cho các thành viên “tốt nghiệp” LDC theo các Chương trình đơn phương (như Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập - GSP), các Bộ trưởng đồng ý cho phép các Thành viên sau khi “tốt nghiệp” LDC tiếp tục được hưởng quy định ưu đãi dành cho LDC theo Thỏa thuận Giải quyết tranh chấp (DSU) và Cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo của WTO trong thời gian 3 thời gian 3 năm, đồng thời chỉ đạo WTO tiếp tục xem xét kéo dài một số ưu đãi khác.

Hội nghị cũng thông qua Quyết định của các Bộ trưởng về việc duy trì Thông lệ không đánh thuế hải quan đối với truyền tải điện tử (Ecom Moratorium). Với Quyết định này, các bộ trưởng đồng ý duy trì thông lệ này (đồng thời với Chương trình làm việc về Thương mại điện tử) cho tới Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 14 (MC14) hoặc ngày 31/3/2026.

Các bộ trưởng cũng thông qua Quyết định về việc đồng thuận tiếp tục không khởi xướng các khiếu nại mang tính tình huống và không vi phạm Hiệp định TRIPS của WTO (TRIPS Moratorium). Các bộ trưởng nhất trí duy trì thông lệ này tới MC14.

Hội nghị còn thông qua Quyết định của các bộ trưởng về quyết tâm thực hiện hiệu quả các quy định đối xử đặc biệt và khác biệt trong các Hiệp định SPS và TBT của WTO; Quyết định của các bộ trưởng về Chương trình làm việc về các Nền kinh tế nhỏ.

Tại Hội nghị MC13, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên thay mặt Chính phủ Việt Nam đã phát biểu và vận động mạnh bên lề với nhiều bộ trưởng đối tác khác để thúc đẩy, ủng hộ việc WTO đạt được sự đồng thuận về các văn kiện này, đóng góp vững chắc cho việc duy trì, củng cố vai trò của hệ thống thương mại đa phương trong thương mại quốc tế.

Bên cạnh việc trực tiếp tham gia các phiên đàm phán toàn thể, chỉ đạo sát sao thành viên Đoàn họp các nhóm nhỏ trong quá trình diễn ra MC13, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã dự Hội nghị Bộ trưởng Nhóm Cairns lần thứ 43; tham vấn với Chủ tịch Hội nghị MC13 - Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE; trao đổi với Tổng Giám đốc WTO - Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala.

Bộ trưởng cũng tiếp xúc song phương bên lề với nhiều thành viên quan trọng như: Đoàn Trung Quốc do Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào dẫn đầu; Đoàn Cộng hòa Séc do Bộ trưởng Công Thương Jozef Síkela dẫn đầu; Đoàn Kazakhstan do Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Arman Shakkaliyev dẫn đầu; Đoàn Costa Rica do Bộ trưởng Ngoại thương Manuel Tovar Rivera dẫn đầu; Đoàn Israel do Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Nir Barkat dẫn đầu; Đoàn Canada do Bộ trưởng Xúc tiến xuất khẩu, Thương mại quốc tế và Phát triển kinh tế Mary Ng dẫn đầu; Đoàn Malaysia do Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Tengku Zafrul Aziz dẫn đầu; gặp Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ do Chủ tịch Hiệp hội Jhon Neuffer dẫn đầu...