VN-Index “bốc hơi” gần 14 điểm trong phiên chiều

Minh Lâm

Trong vòng 2 giờ giao dịch chiều 25/3, áp lực bán gia tăng và lan rộng đã khiến VN-Index đảo chiều giảm gần 14 điểm, rơi xuống dưới vùng 1.270 điểm.

Thị trường mở cửa phiên đầu tuần giảm điểm nhẹ do điều chỉnh diện rộng. Các nhóm ngành như Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán chủ yếu chìm trong sắc đỏ, nhưng tình hình nhanh chóng được cải thiện khi thanh khoản mua chủ động gia tăng.

VN-Index được tiếp sức vượt qua tham chiếu, và sắc xanh dần quay trở lại với thị trường chung. Trong suốt phiên sáng, dù động lực khá yếu khi chỉ số chung chỉ tăng hơn 5 điểm là mức cao nhất so với mốc tham chiếu. 

Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán chủ động gia tăng khiến đà tăng ở các mã thu hẹp dần và độ rộng nghiêng về phía cổ phiếu giảm điểm.

Bị "đạp" cuối phiên, VN-Index bay ngay gần 14 điểm.
Bị "đạp" cuối phiên, VN-Index bay ngay gần 14 điểm.

Chưa hết 30 phút giao dịch phiên chiều nhưng nhóm Ngân hàng, Bất động sản và Chứng khoán có nhiều mã lần lượt quay về tham chiếu và giảm điểm. Trong đó, MSN (-3,82%), GVR (-4,06%), CTG (-2,8%), VCB (-0,73%), BID (-2,21%) là các mã gây áp lực lớn nhất lên VN-Index trong phiên chiều. Càng về gần cuối phiên, chỉ số chung càng có diến biến trượt điểm nhiều hơn với mã giảm.

Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn gây sức ép lên thị trường, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại có nhiều điểm sáng, trong đó, NVL (+3,51%), VIC (+0,54%), VPB (+0,53%) và TPB (+1,33%) là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với gần 0,9 điểm tăng. Tuy nhiên, mức tăng của nhóm này vẫn khá “le lói”, không đủ sức đổi màu cho bảng điện ngày hôm nay.  

May mắn là, lực cầu bắt đáy xuất hiện về cuối phiên giúp chỉ số chung không đóng cửa ở mốc thấp nhất ngày và thị trường cũng không xảy ra hiện tượng bán tháo. Thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao với hơn 1,24 tỷ đơn vị cổ phiếu được giao dịch, tương đương giá trị hơn 29.258 tỷ đồng.

Kết phiên, VN-Index dừng chân ở mốc 1.267,86 điểm, mất 13,94 điểm, tương đương giảm 1,09% so với phiên trước đó. VN30-Index giảm 14,14 điểm (1,1%) còn 1.270 điểm.

Xét về nhóm ngành, áp lực bán gia tăng và lan rộng khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu đều mất điểm. Trong đó, nhóm Sản xuất nhựa – hóa chất giảm sâu nhất khi để mất tới 2,87%; tiếp theo là nhóm Chế biến thủy sản và sản xuất hàng gia dụng giảm trên dưới 1,9%.

Tuy nhiên, nhóm tác động mạnh tới thị trường là Ngân hàng (-1,19%) khi chỉ có 3 mã xanh là EIB (+0,27%), VPB, TPB, NVB và BAB đi ngang; còn lại đều nới rộng biên độ giảm tạo gánh nặng cho thị trường.

Ở nhóm Chứng khoán (-1,25%), hầu hết các mã đóng cửa trong sắc đỏ. VCI giảm mạnh nhất với tỷ lệ 3,2%, VND giảm 1,4% trong ngày Chứng khoán VNDirect gặp sự cố. Tuy nhiên, VND hôm nay khớp lệnh đột biến hơn 86 triệu đơn vị, gấp đôi phiên giao dịch trước và cũng là mức cao thứ hai trong lịch sử giao dịch của cổ phiếu VND, chỉ sau phiên giao dịch ngày 06/07/2023 (gần 105.9 triệu CP).

Trên thị trường, chỉ còn 2 nhóm là Bảo hiểm và Khai khoáng thoát khỏi xu hướng điều chỉnh, nhưng mức tăng khá khiêm tốn chưa tới 0,5%.

Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại duy trì đà bán ròng với tổng giá trị ròng đạt 540.58 tỷ đồng, tập trung bán VND (-86,97 tỷ đồng). Ngược lại, khối này mua ròng mạnh nhất cổ phiếu NVL với khối lượng 13,3 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt 237,3 tỷ đồng.