Vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải được quản lý, sử dụng kịp thời, linh hoạt

Đức Mạnh

Theo Bộ Tài chính, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải được quản lý, sử dụng kịp thời, linh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có vốn nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt, mở đường cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phát triển.

Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu vốn giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu vốn giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp có vốn nhà nước cơ bản đã được tái cơ cấu toàn diện

Tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), Bộ Tài chính cho biết, Luật số 69/2014/QH13 và hệ thống các văn bản pháp luật đã góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Nhờ đó, trong những năm vừa qua, doanh nghiệp có vốn nhà nước cơ bản đã được tái cơ cấu toàn diện. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu vốn giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô doanh nghiệp và có đóng góp số thu cho ngân sách nhà nước.

Đến nay, phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp được thu hẹp, không còn dàn trải và được sắp xếp theo hướng tập trung đầu tư vào 4 lĩnh vực bao gồm: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu xã hội; Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; và Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Tuy nhiên, đánh giá về những hạn chế của Luật này, dự thảo báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn chịu sự can thiệp hành chính của các cơ quan nhà nước; chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII đã đặt ra...

Cũng theo Bộ Tài chính, việc quy định sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp chưa đảm bảo đầy đủ nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, công bằng, thị trường… Nhà nước là một trong những chủ sở hữu của doanh nghiệp, có quyền và trách nhiệm theo tỷ lệ vốn góp như các chủ sở hữu khác. Bên cạnh đó, Luật số 69/2014/QH13 thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận trong công tác quản lý, trong khi thực tế các doanh nghiệp có thể đầu tư mua cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác.

Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước

Để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, tại dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi), Bộ Tài chính nêu quan điểm, chính sách quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch.

Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.
Quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”.

Vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đi đôi với quyền kiểm soát, phải được quản lý, sử dụng kịp thời, linh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có vốn nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt mở đường cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phát triển.

Đồng thời, cần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo hướng thống nhất một chính sách về đầu tư vốn tiên tiến, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tạo hành lang pháp lý thống nhất, công bằng, thị trường để các doanh nghiệp có vốn nhà nước tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, nhằm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng cần làm rõ Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện sở hữu vốn chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp thuộc phạm vi quản lý; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi và báo cáo tình hình quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Từ đó, Luật sửa đổi phải quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đai diện chủ sở hữu.

Về việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, đánh giá doanh nghiệp thực hiện đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp trên 50% vốn điều lệ và người đại diện chủ sở hữu vốn trên nguyên tắc dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo thận trọng, khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá toàn diện có loại trừ tác động của yếu tố khách quan.

Ngoài ra, về báo cáo, công bố, công khai thông tin doanh nghiệp, Luật sửa đổi phải quy định doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp lập và gửi báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi quản lý thực hiện thẩm tra, phê duyệt Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác Hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo đầy đủ thông tin về tình hình quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp phục vụ quản lý, điều hành và giám sát.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo tính tương thích, khả năng tích hợp, chia sẻ thông tin thông suốt và an toàn giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, báo cáo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Dự thảo tờ trình sửa đổi Luật cũng đề nghị, doanh nghiệp có vốn nhà nước là công ty đại chúng thực hiện công khai, công bố thông tin theo quy định của pháp luật chứng khoán; đồng thời phải gửi cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Các doanh nghiệp còn lại, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chỉ đạo người đại diện sở hữu vốn đề nghị doanh nghiệp thực hiện báo cáo, công bố thông tin theo pháp luật của doanh nghiệp áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước.