Xây dựng, hoàn thiện pháp luật hải quan trong bối cảnh mới

TS. Kim Long Biên - Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan)

Trong bối cảnh hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam gia tăng nhanh, hệ thống văn bản pháp luật hải quan được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, bảo đảm nguồn thu ngân sách, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại. Bài viết này đánh giá kết quả đã đạt được về hoàn thiện pháp luật hải quan thời gian qua, cũng như một số định hướng, yêu cầu đặt ra thời gian tới.

Ngành Hải quan chủ động cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Ngành Hải quan chủ động cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Kết quả hoàn thiện pháp luật hải quan

Từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Hải quan đã chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 01 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 06 nghị định của Chính phủ; 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 16 thông tư của Bộ Tài chính. Trong đó: 07 văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung; 17 văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới; 02 văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ.

Các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đều được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với yêu cầu mục tiêu chung về cải cách nền hành chính quốc gia; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời đảm bảo vừa tạo thuận lợi hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu (XNK), xuất cảnh, nhập cảnh, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan chặt chẽ đúng pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của doanh nghiệp (DN).

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Tổng cục Hải quan đã kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động XNK, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ kịp thời vướng mắc về chính sách do tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong việc thực hiện thủ tục hải quan.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 10/2021/UBTVQH15 ngày 08/12/2021 cho phép hàng hoá lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, hàng hoá giữ kho ngoại quan đã hết thời hạn lưu giữ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 được tiếp tục lưu giữ tại kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế. Nghị quyết được ban hành đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh cửa hàng miễn thuế, DN kinh doanh kho ngoại quan có hàng hoá tồn đọng; Trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC ngày 27/5/2020 quy định về thời điểm nộp và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hoá NK áp dụng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2021 theo đó hàng hoá tại cảng biển đang xảy ra tình trạng ùn tắc sẽ được chuyển cửa khẩu về các cảng cạn (Thông tư ban hành đã tháo gỡ tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái); Trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 121/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định cho phép sử dụng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh, nợ các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan (giấy phép nhập khẩu, giấy thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành, tờ khai xác nhận viện trợ) trong 30 ngày.

Tựu chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan luôn hướng tới mục tiêu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện các phương thức quản lý hiện đại, không ngừng phát triển để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế. Có thể khái quát các kết quả đạt được trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan thời gian qua như sau:

Thứ nhất, kịp thời thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; các quy định không phù hợp với thực tiễn của hoạt động XNK, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quản lý hải quan đã được kịp thời sửa đổi.

Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan đã bao quát các mảng nghiệp vụ hải quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động quản lý hải quan; xử lý, giải quyết kịp thời những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất giữa văn bản trong lĩnh vực hải quan với luật, nghị định trong các lĩnh vực chuyên ngành khác có liên quan; bổ sung, nội luật hóa những quy định mới cho phù hợp với thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại đã thể hiện rõ nét trong nội dung văn bản được ban hành; hồ sơ hải quan đã được đơn giản hơn; kịp thời sửa đổi, bãi bỏ những quy định về thủ tục hành chính, không còn cần thiết hoặc còn tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí cho DN, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư.

Thứ tư, chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan, văn bản được ban hành đã bảo đảm về kỹ thuật soạn thảo, sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, nội dung minh bạch, hạn chế tình trạng văn bản vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Thứ năm, quá trình xây dựng văn bản đã tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tạo điều kiện cho DN tham gia vào quá trình soạn thảo để văn bản được ban hành có tính khả thi cao.

Những kết quả trên có được là do cơ quan hải quan đã thực hiện tốt các nội dung sau trong quá trình xây dựng khung thể chế pháp luật:

- Thực hiện tốt công tác hoạch định chính sách: Hoạch định chính sách pháp luật là hoạt động có vai trò rất quan trọng, thể hiện đường lối, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của Nhân dân, của các đối tượng thi hành đối với vấn đề mà dự án văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Khi một chính sách được đề ra thì cần xem xét, đánh giá sự cần thiết, mức độ tác động về các mặt kinh tế - xã hội, tính khả thi, điều kiện bảo đảm thực hiện của chính sách đó.

- Công tác lập đề nghị chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được Tổng cục Hải quan thực hiện nghiêm túc bảo đảm xác định đúng các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng và kiểm soát chặt chẽ tiến độ xây dựng khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

- Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan luôn coi trọng hoạt động đánh giá tác động chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật. Đây là công cụ phân tích và lựa chọn chính sách dựa trên thông tin của cơ quan soạn thảo và là luận cứ để cơ quan thẩm định, thẩm tra chính sách và giải pháp trong đề xuất, dự thảo văn bản, qua đó giảm bớt một phần rủi ro, các lỗi về chính sách trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Tổng cục Hải quan đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đến các đối tượng có liên quan dưới nhiều hình thức khác nhau, chú trọng việc lấy ý kiến của hải quan địa phương và các sở, ban, ngành chuyên môn, lấy ý kiến các chuyên gia. Các hình thức, phương pháp lấy ý kiến góp ý dự thảo văn bản rất đa dạng. Các văn bản được Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo lấy ý kiến nhiều lần DN. Sự tham gia xây dựng, góp ý và phản biện của DN vào quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được Tổng cục Hải quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉnh lý văn bản.

- Quá trình soạn thảo văn bản, để phát huy trí tuệ tập thể, Tổng cục Hải quan thành lập Nhóm làm việc chuyên trách xây dựng văn bản với thành viên là các cán bộ, công chức có chuyên môn nghiệp vụ sâu của các đơn vị.

- Để bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1945/QĐ-TCHQ ngày 31/8/2022 ban hành Quy chế xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hải quan; xây dựng, ban hành và rà soát quy chế, quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực hải quan. Trong đó, quy định trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo trong việc chỉ đạo trực tiếp công tác xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy trình nghiệp vụ; chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng văn bản; thành lập hội đồng tư vấn pháp lý, hội đồng thẩm định; trách nhiệm của thành viên tham gia hội đồng tư vấn pháp lý. Đồng thời, Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan để kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật qua cơ chế thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa, giám sát, kiểm tra thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính.

Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã không ngừng nâng cao chất lượng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan. Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan trong thời gian qua đã được cộng đồng DN đánh giá cao. Đa số DN tham gia khảo sát đánh giá sự chuyển biến của các chính sách pháp luật hải quan là tích cực và thể hiện sự lạc quan về những thay đổi của chính sách pháp luật về hải quan.

Định hướng xây dựng, hoàn thiện pháp luật hải quan thời gian tới

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan là một trong những mục tiêu chủ yếu về thể chế được đề cập tại Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022.

Theo đó, hệ thống pháp luật hải quan được xây dựng, hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế; trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan năm 2014, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh, biên giới thông minh, hải quan xanh; áp dụng đồng bộ phương pháp quản lý theo chuỗi, theo định danh; áp dụng cơ chế quản lý hải quan phù hợp với từng đối tượng quản lý, khuyến khích người khai hải quan tuân thủ pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng trong nước trong hoạt động kiểm soát hải quan; ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về hải quan.

Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa hóa thủ tục hải quan, các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của Hải quan thế giới, tạo nền tảng để tái thiết kế các quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Như vậy, từ nay đến năm 2030, trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan mới thay thế Luật Hải quan năm 2014. Đồng thời, xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hải quan mới với các yêu cầu nội dung cụ thể như: Xây dựng pháp luật Hải quan theo hướng hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trên nền tảng ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0.

Để đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng đáp ứng yêu cầu tình hình mới, việc xây dựng thể chế pháp luật hải quan, theo đó, pháp luật hải quan sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng:

Thứ nhất, về thủ tục hải quan.

- Tạo cơ sở pháp lý triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại Khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO); quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về Hải quan đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của DN.

- Đảm bảo cơ sở pháp lý để từng bước triển khai thực hiện bảo hiểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình Hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, Hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao.

Thứ hai, về quản lý thuế.

- Đảm bảo cơ sở pháp lý để áp dụng đồng bộ chính sách thuế, chú trọng việc áp dụng chính sách quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa tại khâu nhập khẩu thống nhất với hàng hóa tại khâu nội địa; thúc đẩy cải cách hệ thống thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với tình hình đất nước và cam kết quốc tế.

- Tái thiết kế quy trình thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản hóa, đồng bộ với quy trình thủ tục hải quan làm cơ sở để số hóa các quy trình quản lý thuế từ khâu thu thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động quản lý thuế trong triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh với mức độ tự động hóa cao.

Thứ ba, về đại lý hải quan.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển đại lý làm thủ tục hải quan chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, toàn diện và đa dạng hơn; hướng tới thực hiện áp dụng công nhận chế độ ưu tiên cho đại lý làm thủ tục hải quan. Từng bước thực hiện tự động hóa quản lý hoạt động khai hải quan của các đại lý làm thủ tục hải quan, nhân viên được cấp thẻ thông qua việc kiểm soát việc làm thủ tục hải quan.

Thứ tư, về kiểm tra sau thông quan.

- Tạo cơ sở pháp lý để áp dụng sâu rộng phương pháp kiểm toán sau thông quan; từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác kiểm tra sau thông quan.

- Đảm bảo cơ sở pháp lý để áp dụng mô hình tự động phân tích, đánh giá rủi ro, phân tích số liệu thống kê, các bài toán nghiệp vụ, các dấu hiệu khác thường trên hệ thống công nghệ thông tin của mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

- Tiếp tục hoàn thiện các quy định về DN ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của WCO về: Các điều kiện áp dụng, các chế độ được ưu tiên, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan hải quan và DN, công tác quản lý hải quan đối với các DN ưu tiên, xây dựng và thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.

Thứ năm, về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Xây dựng hoàn thiện các quy định về kiểm soát hải quan theo phương thức hiện đại, phù hợp với cam kết quốc tế nhằm đồng thời đạt được các mục tiêu về tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh, an toàn kinh tế quốc gia; ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, chất nổ, vũ khí, chất thải, sản phẩm và mẫu động, thực vật hoang dã qua biên giới.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý và triển khai kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước trao đổi thông tin liên quan đến quản lý Nhà nước về Hải quan để làm cơ sở phân tích, đánh giá, theo dõi, giám sát, tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát hải quan.

Thứ sáu, về tổ chức bộ máy.

- Đảm bảo cơ sở pháp lý để tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng Hải quan Vùng. Việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan theo hướng tập trung theo phương thức điện tử. Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, theo dõi quản lý hoạt động nhập khẩu hàng hóa cơ bản được giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan quản lý địa bàn nơi DN có cơ sở sản xuất thực hiện.

- Hoàn thiện cơ sở pháp lý trong đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt); đơn vị phân loại hàng hóa; đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan.

Thứ bảy, về hợp tác, hội nhập quốc tế về Hải quan.

- Đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước, trong đó chú trọng đến các cam kết trong khuôn khổ ASEAN, WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), các hiệp định đối tác, hợp tác kinh tế mà Việt Nam đã ký kết, đảm bảo tuân thủ lộ trình thực hiện, đáp ứng đầy đủ nội dung và mức độ đã cam kết.

- Tranh thủ sự hợp tác, khai thác các nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác, tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm quản lý hải quan tiên tiến để đóng góp cho tiến trình cải cách, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp và công tác thực thi pháp luật hải quan, đồng thời phát triển nguồn nhân lực của Hải quan Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới.

Chính sách, thủ tục hải quan tiếp tục được cải cách mạnh mẽ, bảo đảm quản lý nhà nước về hải quan, ngăn chặn và phòng ngừa gian lận thương mại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật hải quan đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030;
  3. Tổng cục Hải quan (2020), Báo cáo đánh giá, tổng kết thực hiện chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023