Những thủ đoạn và phương thức rửa tiền chủ yếu

Trịnh Thanh Huyền, Nguyễn Thị Mai - Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Tài chính

(Tài chính)Mục đích của hoạt động rửa tiền là làm cho đồng tiền “bẩn” trở nên sạch hơn hay nói cách khác là tạo ra một khoảng cách xa nhất giữa tài sản bất hợp pháp và chủ sở hữu những tài sản đó. Hình thức biểu hiện lợi nhuận có được ban đầu thông thường là “tiền”, nhưng sau các giai đoạn chuyển đổi để hợp pháp hoá đã có các hình thức biểu hiện khác như: ngân phiếu, thẻ tín dụng, bất động sản...

Những đồng tiền “bẩn” thường có được từ: (1) Nguồn tiền từ những lao động bất hợp pháp: buôn lậu ma túy, vũ khí, mại dâm và các loại hàng hoá bị cấm mua bán, trao đổi; Tiền của các tổ chức tội phạm có được do làm tiền giả, tống tiền, tổ chức đánh bạc; (2) Nguồn tiền tham nhũng: do tham nhũng, nhận hối lộ, tham ô của các viên chức nhà nước hoặc do lợi dụng chức vụ, địa vị trong bộ máy nhà nước mà có như lợi dụng việc biết trước các thông tin về chủ trương, chính sách, quy hoạch v.v... để trục lợi; (3) Nguồn tiền trốn thuế: Tiền có được do trốn thuế dù thu nhập là hợp pháp.

Những thủ đoạn và phương thức rửa tiền chủ yếu - Ảnh 1

Song, vì “bẩn” nên nó không thể trực tiếp đưa vào lưu thông, không thể sử dụng ngay được mà nó phải được rửa sạch thông qua rất nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau. Về cơ bản, chúng thường được rửa qua các hình thức sau:

Những thủ đoạn và phương thức rửa tiền chủ yếu - Ảnh 2

Các thủ đoạn rửa tiền rất phong phú đa dạng, song đều có đặc điểm chung là tận dụng những khe hở trong hệ thống pháp luật mỗi nước, nhất là pháp luật hình sự, tài chính, ngân hàng... Đó cũng là lý do vì sao các nước đang phát triển lại được coi là “mảnh đất màu mỡ của các loại tội phạm tài chính.

Các phương thức, thủ đoạn chủ yếu thường được sử dụng là:

- Rửa tiền qua các giao dịch đổi tiền mặt: Đây là phương thức rửa tiền truyền thống và chủ yếu của bọn tội phạm. Chúng thực hiện bằng cách đổi từ đồng tiền nước này sang đồng tiền của nước khác. Ví dụ như chuyển từ đồng USD sang đồng Bảng Anh…

- Rửa tiền thông qua việc mua kim loại quý như vàng, bạc, kim cương... là những tài sản gọn nhẹ, có giá trị cao, có thể mua đi bán lại ở mọi nơi, mọi thời điểm trên thế giới.

Đây là hai phương thức được bọn tội phạm sử dụng nhiều nhất do cách thức đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên các phương thức này lại dễ bị cơ quan điều tra phát hiện.

- Rửa tiền thông qua đầu tư vào gửi tiết kiệm, mua tín phiếu, trái phiếu: tiền sẽ gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc mua tín phiếu, trái phiếu... làm cho đồng tiền nằm im trong một thời gian phù hợp với quy định với mỗi nước. Sau đó, người gửi tiền có thể rút ra toàn bộ gốc và lãi hoặc rút một phần, biến số tiền đó thành tiền hợp pháp.

- Rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng “ngầm”: ở một số nước mà hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, thường tồn tại hệ thống ngân hàng không chính thức gọi là ngân hàng “ngầm”. Hệ thống ngân hàng “ngầm” này hoạt động và luân chuyển tài chính như các ngân hàng chính thức nhưng với chi phí dịch vụ rẻ hơn, bí mật hơn các ngân hàng hợp pháp. Các ngân hàng ngầm có đại diện ở nhiều nước khác nhau để thực hiện dịch vụ chuyển tiền từ nước này sang nước khác hoặc từ thành phố này sang thành phố khác trong cùng một quốc gia. Sự hoạt động của ngân hàng này chủ yếu dựa trên niềm tin giữa ngân hàng và bạn hàng nên thủ tục giấy tờ gọn nhẹ. Bọn tội phạm lợi dụng nguyên tắc giữ bí mật của những ngân hàng này đã đem tiền đến gửi và yêu cầu nhận lại ở một thành phố khác. Những địa chỉ cần nhận tiền tẩy rửa thông thường là những quốc gia khao khát đầu tư tài chính nhưng ít quan tâm đến nguồn gốc đồng tiền, việc thanh toán qua ngân hàng chưa phải là yêu cầu bắt buộc và phổ biến, hệ thống pháp luật về phòng chống rửa tiền chưa nghiêm...

Nhìn thấy những thủ đoạn rửa tiền đã khó nhưng để có những giải pháp phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn còn khó hơn rất nhiều bởi nó đòi hỏi phải có sự phối hợp không chỉ trong phạm vi quốc gia mà phải trên phạm vi quốc tế./.