Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 1
Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 2

3 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, những ảnh hưởng mà nó đem lại cho nền kinh tế - xã hội thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng vẫn là rất lớn. Trước hàng loạt khó khăn bủa vây người dân và doanh nghiệp, những chính sách tài chính hỗ trợ trong suốt thời gian qua đã được ví như “phao cứu sinh” kịp thời để tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Nhìn lại giai đoạn 2020-2022, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính. Đặc biệt, phải kể đến các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất…

Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 3

Theo đánh giá, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 4

Kết quả thu ngân sách nhà nước không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân mà còn vượt so với dự toán, qua đó đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 5

Bước sang năm 2023, dù dư địa chính sách tài khóa trong năm đứng trước nhiều khó khăn nhưng ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã “bắt tay” thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nhờ việc tham mưu, đề xuất của Bộ Tài chính mà hàng loạt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã được ban hành.

Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 6

Có thể thấy, chưa bao giờ số tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp lớn như những năm gần đây. Điều này thể hiện rõ quan điểm mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã từng khẳng định khi nói về các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp suốt thời gian qua là “không hứa suông và đã nói là làm”, nhất là trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm nhưng vẫn phải bảo đảm nhu cầu chi, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh...

Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp. Thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.

Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 7
Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 8

Ngay khi các chính sách tài chính hỗ trợ về thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp được ban hành, Tổng cục Thuế đã ngay lập tức "vào cuộc", có các công điện, công văn gửi các Cục Thuế trên cả nước yêu cầu tập trung thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng trên tinh thần “không để trường hợp người nộp thuế không được thụ hưởng do không có thông tin”.

Bằng hành động cụ thể, ngành Thuế đã thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp và trực tuyến để tư vấn, giải thích, hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Các ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội cũng được ngành Thuế phát huy tối đa, qua đó giúp người nộp thuế hiểu rõ và thực hiện nhanh, đúng quy định.

Theo chia sẻ từ một số cục thuế, nhiều chính sách có thời hạn thực hiện ngắn, trong khi phạm vi, đối tượng được hỗ trợ rộng, nên cán bộ thuế không thể chờ đợi "người nộp thuế hỏi rồi mới trả lời" mà đã chủ động phân tích, dự lường các khó khăn, vướng mắc khi các chính sách được áp dụng, đặc biệt là những điểm mới, đáng lưu ý…, từ đó đã nhanh chóng truyền tải thông tin đến doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh.

 
  • Bà Vũ Thị Sen - Kế toán trưởng Công ty Kohsei Multipack Việt Nam (Vĩnh Phúc) cho biết, việc giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 đã giúp doanh nghiệp có thêm dư địa về tài chính, giảm áp lực từ vốn vay ngân hàng để có thể ổn định sản xuất và duy trì việc làm cho hơn 600 lao động. Số vốn có được nhờ việc giảm thuế giá trị gia tăng đã giúp tái tạo sản xuất hoạt động kinh doanh, đầu tư kinh doanh cho công ty.
  • Tổng công ty cổ phần may Đáp Cầu (Bắc Ninh) là doanh nghiệp thuộc ngành thâm dụng lao động nên cần có mặt bằng rộng để lắp đặt, bố trí các dây chuyền sản xuất, kho bãi chính. Chính vì vậy, tiền thuê đất phải chi trả hằng năm là một khoản kinh phí không nhỏ. Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty Lương Văn Tư, đối với một doanh nghiệp sản xuất may mặc, số tiền có được từ chính sách giảm tiền thuê đất là rất quý. Số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ cho phục hồi sản xuất, hỗ trợ người lao động mất việc gặp lúc khó khăn do dịch bệnh.

Có thể nói, trong bối cảnh mọi chi phí đều đang tăng cao, sự hỗ trợ trực tiếp về tài chính đều rất quý giá. Những chính sách này là đòn bẩy quan trọng để người dân, doanh nghiệp có thêm động lực vượt khó, duy trì cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đây không chỉ là biện pháp giúp nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước một cách bền vững mà còn mang một ý nghĩa rất lớn khi truyền tải được một thông điệp đầy nhân văn về sự thấu hiểu và đồng hành của Đảng, Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, với người dân cả nước.

Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 9
Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 10

Với phương châm “các hành động của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn”, trong suốt thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp với sự tham dự của người đứng đầu ngành Tài chính.

Qua nhiều cuộc gặp gỡ như vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc luôn khẳng định, Bộ Tài chính luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để tiếp tục tham mưu với Chính phủ, Quốc hội có những chính sách sát thực tế hơn, hiệu quả hơn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, hàng loạt chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí đã được ban hành với số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Nhờ việc rốt ráo thực hiện, trong 6 tháng đầu năm 2023, số tiền thuế và tiền thuê đất đã được gia hạn, miễn, giảm là 67,1 nghìn tỷ đồng (trong đó số miễn, giảm khoảng 25,1 nghìn tỷ đồng; số gia hạn là khoảng 42 nghìn tỷ đồng).

Trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều rào cản để phát triển như hiện nay thì các chính sách tài chính vẫn tiếp tục là "đòn bẩy" giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Sức mạnh tài chính là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp có thể từng bước vượt qua những khó khăn, phục hồi, sản xuất kinh doanh.

Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 11

Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ về tài chính đã thực sự phát huy được tác dụng. Minh chứng đó chính là sự “trở lại” của doanh nghiệp và bức tranh nền kinh tế với những gam màu tươi sáng. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, số thu ngân sách mà Ngành này thực hiện được trong 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 743 nghìn tỷ đồng. Con số này có sự đóng góp lớn từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại.

Và cũng nhờ đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt 3,72%. Dù đây là mức tăng không cao nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước. Điều này cũng cho thấy các gói hỗ trợ đang được nền kinh tế hấp thụ tốt.

Dù đã có rất nhiều ý kiến chia sẻ với Bộ Tài chính trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, thu ngân sách bị ảnh hưởng do doanh nghiệp gặp khó, kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng Bộ Tài chính luôn giữ quan điểm phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là yếu tố bắt buộc trong quản lý, điều hành nền kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện có các biến động lớn trong, ngoài nước. Và khi các gói hỗ trợ tài khoá được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp tích lũy vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu.

Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 12

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự phối hợp nhịp nhàng các chính sách khi điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã góp phần giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả trong khi vẫn hỗ trợ nền kinh tế.

Khi cần kiểm soát lạm phát, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp về chính sách tiền tệ để giữ lạm phát trong mức mục tiêu. Trong trường hợp để thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế, chúng ta phải dùng chính sách tài khóa mở rộng như giãn, hoãn thuế, giảm nhiều sắc thuế, giảm tiền thuê đất… cho doanh nghiệp và người dân. Chính những điều này đã khiến cho bức tranh kinh tế Việt Nam mang 1 gam màu sáng trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, dự báo tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

 

Song song với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp trong ngắn hạn như: tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản.

Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp...

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong giai đoạn năm 2023-2025, Bộ Tài chính cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được. Chính sách tài khóa cũng cần có sự điều chỉnh theo quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

 

PGS. TS. Nguyễn Anh Phong – Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh):

Về khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023, nguyên nhân cơ bản nhất bao gồm: (i) Đầu ra khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm bởi chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; (ii) Doanh nghiệp gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn, dẫn tới dòng tiền ách tắc, thanh khoản khó khăn, doanh nghiệp rơi vào trạng thái kiệt quệ tài chính rất dễ dẫn đến phá sản. 

Như vậy, nếu đối chiếu từ các nguyên nhân với chính sách đã và đang triển khai thì có thể thấy, vẫn còn đâu đó độ vênh nhất định. Chẳng hạn như việc giãn thuế sẽ chưa có tác dụng nhiều vì doanh nghiệp hiện mất đơn hàng, doanh thu giảm, chi phí tăng và bị lỗ; việc giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ vẫn không đủ tác dụng để doanh nghiệp giải phóng thanh khoản... Do vậy, theo tôi, bên cạnh các giải pháp đã triển khai thời gian qua, tới đây, các các bộ ngành, cả hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ tìm thị trường mới, dễ tính hơn, tiềm năng hơn; chính sách tín dụng cần tập trung mạnh vào vấn đề lãi suất cho vay thấp, hợp lý và dễ dàng tiếp cận vốn, nhất là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 13
Chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp - Ảnh 14

16:00 03/08/2023