E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 1
E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 2

Nhận diện rõ những rào cản kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề là cải cách thể chế. Chưa dừng lại ở đó, chỉ 13 ngày sau, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Sự thần tốc, quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, doanh nghiệp - mỗi người mỗi việc - tất cả đã và đang nỗ lực hành động để khơi thông dòng chảy kinh tế tư nhân nhanh hơn, bứt phá hơn trong tương lai.

E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 3

Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành ngày 4/5 thì đến ngày 7/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ để bàn về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ngay trong Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 4

Trước đó, trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 68-NQ/TW, các đơn vị liên quan đã đồng thời chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ với tinh thần thể chế hóa tối đa những nội dung có thể triển khai ngay.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ngay lập tức vào cuộc. Chiều 12/5, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính họp phiên toàn thể thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. Ngày 15/5, dự thảo Nghị quyết được trình Quốc hội.

Tối 16/5, sau khi kết thúc họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành họp cho ý kiến lần 2 với dự thảo nghị quyết này.

E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 5

Ngày 17/5, Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của nền kinh tế. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết này với số hiệu 198/2025/QH15.

Cùng ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 6

Và sáng 18/5, hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cùng với Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đề xuất sửa nhiều luật, nghị định liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư, cạnh tranh, giảm mạnh thuế, phí (bãi bỏ thuế môn bài, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, miễn thuế 3 năm cho doanh nghiệp mới thành lập...).

Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ cho khu vực tư nhân… Có thể nói, đây là đợt thể chế hóa chính sách nhanh nhất và quy mô nhất từ trước đến nay. Điều này mở ra một tiền lệ quan trọng, thể chế không chỉ đi sau, mà có thể đi song hành, thậm chí dẫn dắt hành động.

E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 7

Với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, Nghị quyết 68-NQ/TW đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi: phấn đấu đạt 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp 55 - 58% GDP và tạo việc làm cho 84 - 85% lực lượng lao động; tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ đạt 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ.

Xa hơn nữa, đến năm 2045, số lượng doanh nghiệp tư nhân phấn đấu có trên 3 triệu, đóng góp trên 60% GDP. Những mục tiêu định lượng rõ ràng này cho thấy quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong xác định kinh tế tư nhân là đòn bẩy đột phá, nhân tố then chốt trong hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng.

E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 8

Ngay khi Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội ban hành, các địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc. Hà Nội đặt mục tiêu đến 2025 có 500.000 doanh nghiệp, triển khai loạt giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp, cải cách thủ tục hành chính. TP. Hồ Chí Minh phấn đấu trên 500.000 doanh nghiệp, cắt giảm 30 - 40% thời gian xử lý hồ sơ và phát huy mô hình Tổ công tác 343 tháo gỡ khó khăn, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp hỗ trợ vốn ưu đãi.

Đáng chú ý, ngay sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, lãnh đạo Đà Nẵng đã đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp nhằm lắng nghe phản ánh về môi trường đầu tư, kinh doanh và yêu cầu các sở, ngành liên quan phải giải quyết dứt điểm từng kiến nghị trong thời hạn một tháng. Thành phố cũng dự kiến miễn 100% phí thủ tục hành chính trong năm đầu cho doanh nghiệp mới thành lập.

Doanh nghiệp ngành gạo có thêm nhiều cơ hội để phát triển!
Doanh nghiệp ngành gạo có thêm nhiều cơ hội để phát triển!

Tại Bắc Ninh, việc áp dụng cơ chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan chức năng theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW đã mang lại hiệu quả rõ nét. Một doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn đã rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xin đất xây dựng nhà xưởng từ gần một năm xuống còn 3 tháng.

Không dừng lại ở đó, Sở Công Thương tỉnh còn chủ động kết nối để doanh nghiệp này tham gia chuỗi cung ứng, trở thành nhà cung ứng cấp 2 cho Tập đoàn Samsung - một bước tiến quan trọng trên hành trình nâng cao giá trị và vị thế của doanh nghiệp nội. Tỉnh cũng thành lập Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa để tư vấn miễn phí và đặt mục tiêu mỗi năm thêm 1.000 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 9

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, việc thực thi mạnh mẽ sẽ quyết định sự thành công của Nghị quyết 68-NQ/TW. Cần nhìn nhận DN như một thực thể pháp lý độc lập. Khi thể chế đã được cởi mở, các doanh nghiệp sẽ không còn mang nỗi lo bị phân biệt đối xử hay gặp khó khăn khi gia nhập thị trường. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp có năng lực thực sự, biết đổi mới và tận dụng cơ hội mới có thể bứt phá và trụ vững trong dài hạn.

Do đó, để Nghị quyết 68-NQ/TW thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự đồng hành và chủ động từ phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và phản biện chính sách, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực quản trị, vận hành và tuân thủ pháp luật.

Trong niềm phấn khởi vì được Đảng và Nhà nước giao trọng trách, tin tưởng và cam kết kiến tạo phát triển, cộng đồng doanh nhân hào hứng biến “lời hiệu triệu” đó thành hiện thực, đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Trong vai trò đầu tàu, nhiều doanh nghiệp như THACO, NovaGroup… đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất, khởi động dự án lớn để vươn ra quốc tế, chung tay hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết số 68-NQ/TW.

E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 10

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cũng nối tiếp tinh thần ấy bằng những hành động cụ thể: đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và mở rộng thị trường. Tinh thần khởi nghiệp, tinh thần dấn thân vì phát triển quốc gia lan tỏa mạnh mẽ trong từng phân khúc doanh nghiệp, từ đô thị đến nông thôn, từ vùng thuận lợi đến vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW được ban hành, nhiều hiệp hội ngành hàng, địa phương đã chủ động tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để phổ biến nội dung, giải mã cơ hội và đề xuất chính sách phù hợp với thực tiễn. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự cộng hưởng giữa tầm nhìn chiến lược của Đảng với khát vọng hành động của cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng giữ vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

E-Magazine: Chuyển hóa các quyết sách thành sức sống của nền kinh tế - Ảnh 11

08:47 28/05/2025