

Khu vực kinh tế tư nhân được Đảng khẳng định là “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia, đóng góp khoảng 51% GDP và hơn 30% ngân sách nhà nước, song vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Để kinh tế tư nhân thực sự “cất cánh”, cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng và tháo gỡ các điểm nghẽn…

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã thẳng thắn nhìn nhận: Kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản, kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Hầu hết doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Việt Nam hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm 96,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn rất thấp, chưa có doanh nghiệp lọt vào Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới nhưng sau đó rút lui khỏi thị trường rất cao.
Sản xuất của doanh nghiệp tư nhân chủ yếu tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng thấp; chưa có nhiều doanh nghiệp dẫn dắt trong các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa không đáng kể; chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa xây dựng được hệ sinh thái doanh nghiệp mạnh mẽ...

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Thái Thanh Quý cũng chỉ rõ, lực lượng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế tư nhân rất hùng hậu nhưng lại “không muốn lớn”, “không chịu lớn lên”, chuyển đổi thành doanh nghiệp bởi những lo ngại phải chịu ràng buộc trong “rừng” quy định, thủ tục.
Trong khi các nhà quản lý dự tính, chỉ cần 10% số hộ kinh doanh cá thể “chịu lớn” lên thành doanh nghiệp thì cả nước đã có thêm 500.000 doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn hiện thực hóa được mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp và năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp như Nghị quyết số 10-NQ/TW khoá XII đã đề ra.

Tại hội thảo “Tháo gỡ bất cập chính sách để phát huy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ phân tích, đóng góp trong GDP của kinh tế tư nhân vẫn chỉ xoay quanh 50% trong gần 20 năm qua.
Từ năm 2005 đến nay, do khu vực kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn nên không thể lớn và cũng do tư duy của nhiều doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các hộ kinh doanh, không chịu lớn… Điều này có nguyên nhân từ ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột, cạnh tranh thương mại - công nghệ dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng.
Cùng với đó là những khó khăn đến từ sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp bên ngoài; các quy định, tiêu chuẩn khắt khe hơn về xanh hóa, bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ…

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân không đạt được như kỳ vọng bởi các doanh nghiệp tư nhân đều đi lên từ quy mô gia đình, phương thức quản trị lạc hậu, khả năng huy động vốn hạn chế, không đủ kiến thức, nguồn nhân lực để nắm bắt, tiếp thu công nghệ mới…
Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân chưa chủ động, sáng tạo, chưa dám nghĩ lớn, làm lớn, dám đương đầu với thử thách, bứt phá vươn lên…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, và Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng đã chỉ rõ, do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ.
Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả và khó tiếp cận; chi phí kinh doanh còn cao.

Còn theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, trong suốt những năm qua, nguyên nhân lớn nhất khiến kinh tế tư nhân vẫn chưa bứt phá được như kỳ vọng là bởi thể chế chưa theo kịp so với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, làm cản trở sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp phải hoạt động trong môi trường vẫn còn nhiều điểm nghẽn, rào cản.
Đơn cử, về vấn đề tiếp cận đất đai - được đánh giá là rào cản lớn nhất đối với khu vực kinh tế tư nhân. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 cho thấy, gần 74% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai. Tỷ lệ này năm 2023 là gần 73%, tăng đáng kể so với 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021.
Ngoài thủ tục hành chính phiền hà, phức tạp, kéo dài, còn có nguyên nhân do chi phí tiếp cận đất đai quá cao, vượt khả năng chi trả của đa số doanh nghiệp. Đáng chú ý, cả nước có gần 450 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 93.000 ha nhưng các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có ít cơ hội tiếp cận do giá thuê đất còn cao.

Khi không tiếp cận được đất đai thì vấn đề vốn của khu vực kinh tế tư nhân càng trở nên nan giải. Có tới 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp hoặc quy trình xét duyệt phức tạp.
Tính đến cuối năm 2024, hệ thống các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ vốn cho khu vực kinh tế tư nhân với dư nợ gần 7 triệu tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng dư nợ tín dụng, nhưng chủ yếu vẫn dành cho các doanh nghiệp lớn, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ hơn 2,7 triệu tỷ đồng.
Chưa kể, khảo sát tháng 6 - 7/2024 của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) còn cho thấy, có đến 44,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính khiến cho việc đáp ứng quy định pháp luật trở thành 1 trong 3 thách thức lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp, chỉ sau vấn đề đơn hàng và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước chịu ảnh hưởng nặng nề khi chiếm đến 84,6% tổng số phản ánh về khó khăn trong thủ tục hành chính và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là đối tượng gặp trở ngại nhiều nhất.

09:00 27/05/2025