EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 1

Trong bối cảnh cả nước thúc đẩy phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đặc biệt là triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong lĩnh lực quản lý, góp phần “kiến tạo” hành lang pháp lý rõ ràng và thông suốt cho chính quyền địa phương 2 cấp. Việc phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính sẽ giúp các địa phương phát huy thẩm quyền, tăng tính chủ động trong quản lý tài chính công.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 2

 

Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc, đánh dấu một bước ngoặt mang tính lịch sử trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia. Không chỉ đơn thuần là một cuộc cải cách hành chính, đây là cuộc chuyển mình toàn diện nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và đặc biệt là tạo ra một động lực phát triển mới – nơi chính quyền địa phương được trao quyền, được tin tưởng và có đủ năng lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Cuộc cách mạng thể chế này đang khơi dậy nguồn sinh lực mới trong toàn xã hội, mở ra kỳ vọng về một nền hành chính hiệu quả, gần dân và vì dân hơn.

Trước đó, để triển khai chủ trương lớn này, tại Kết luận số 155-KL/TW ngày 17/5/2025 về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã yêu cầu “rà soát, thực hiện phân cấp, phân quyền giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đảm bảo đồng bộ, tổng thể, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ”.

Triển khai chỉ đạo này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, bao gồm đầu tư công, đấu thầu, thống kê tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý giá, quản lý và sử dụng tài sản công.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 3

Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát và nghiên cứu sửa đổi các quy định trong hệ thống pháp luật do Bộ quản lý. Việc này bao gồm việc điều chỉnh các luật, nghị định, thông tư liên quan nhằm bảo đảm phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền cho các bộ, ngành và địa phương theo đúng phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Mục tiêu xuyên suốt của quá trình này là thể chế hóa các chủ trương của Đảng, đồng thời kiến tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân. Đặc biệt, việc phân định rõ chức năng và thẩm quyền giữa các cấp chính quyền sẽ giúp nâng cao tính chủ động của địa phương, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng vùng, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa bộ máy hành chính.

Với thời gian rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật rất ngắn, rất gấp, trong khi khối lượng công việc lớn, Bộ Tài chính đã rất nỗ lực, cố gắng trong thời gian cho phép của Chính phủ để xây dựng các dự thảo và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 4

Tại hội nghị Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến về các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, thực tế mỗi nơi, mỗi địa phương có các đặc thù, điều kiện khác nhau.

Do đó, cần bám vào nguyên tắc “phân cấp triệt để xuống địa phương”, “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”. Cùng với đó, gắn với tiêu chí nơi nào thực hiện dễ và hiệu quả hơn thì nơi đó sẽ thực hiện, “tỉnh làm tốt hơn thì để ở tỉnh, xã làm tốt hơn thì chuyển về xã”.

Trên cơ sở đó để hoàn thiện chính sách và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hiệu quả công tác phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tài chính.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 5

 

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 6

Trong tổng số nhiệm vụ nêu trên, có 13 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 03 nhiệm vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân quyền cho chính quyền địa phương.

92 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ hoặc Chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/xã). 25 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân cấp cho Chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/xã.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 7

Bên cạnh đó, có 02 nhiệm vụ thuộc Hội đồng nhân dân phân cấp cho Ủy ban nhân dân; 03 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền phân cấp cho chủ đầu tư; 03 nhiệm vụ Bộ trưởng phân cấp cho Thủ trưởng cơ quan thống kê quốc gia; 06 nhiệm vụ trước đây phải báo cáo đại diện chủ sở hữu phê duyệt/cho ý kiến đã được giao cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty. 187 nhiệm vụ chính quyền địa phương cấp huyện chuyển xuống cho chính quyền địa phương cấp xã; 20 nhiệm vụ chính quyền địa phương cấp huyện chuyển lên chính quyền địa phương cấp tỉnh. 

Triển khai các nhiệm vụ này, Bộ đã trình Chính phủ trình Quốc hội sửa 13 luật tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), gồm: Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Quy hoạch; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời xây dựng các văn bản quy định chi tiết các Luật này.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 8

Bộ cũng trình Chính phủ ban hành 05 nghị định: Nghị định quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực thống kê; Nghị định về phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; Nghị định quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý thuế; Nghị định quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực dự trữ quốc gia; Nghị định quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực tài sản công. Cùng với đó, ban hành theo thẩm quyền 07 thông tư để thực hiện phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính.

Tại Hội nghị toàn quốc Tập huấn về Tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị ở cấp xã mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã giới thiệu chuyên đề liên quan đến việc phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính – một nội dung then chốt trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền hai cấp hiệu quả.

Bộ trưởng cho biết, đối với các luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện phân cấp mạnh mẽ từ Trung ương xuống địa phương. “Phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương không chỉ là mệnh lệnh hành chính, mà còn là định hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 9

 

Để phân định thực chất thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương. Theo đó, đã xác định 207 nhiệm vụ, thẩm quyền hiện đang do cấp huyện thực hiện cần phân định thẩm quyền.

Trong đó, có 20 nhiệm vụ, thẩm quyền sẽ chuyển tiếp từ cấp huyện lên cấp tỉnh đảm bảo thống nhất trong việc ban hành cơ chế, chính sách thuộc các lĩnh vực đầu tư phát triển; đấu thầu; trưng mua, trưng dụng tài sản; tài chính đất đai; quản lý sử dụng tài sản công; quản lý thuế, phí; quản lý giá; kinh doanh bảo hiểm; quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; phát triển doanh nghiệp nhà nước; tín dụng chính sách xã hội.

187 nhiệm vụ, thẩm quyền chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã phù hợp với yêu cầu cấp xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp trung ương và cấp tỉnh ban hành, đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã, cấp trực tiếp phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 10

Trong lĩnh vực trưng mua, trưng dụng tài sản; tài chính đất đai; quản lý sử dụng tài sản công gồm 101 nhiệm vụ phân định thẩm quyền, trong đó gồm 08 nhiệm vụ chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh; 93 nhiệm vụ chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã. Các nhiệm vụ cấp xã đảm nhiệm có thể kể đến như: cưỡng chế thi hành quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản; quyết định sử dụng đất có thời hạn; xác định số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, kiểm tra hiện trạng nhà, đất; quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác…

Đối với lĩnh vực đấu thầu, 8 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền từ cấp huyện xuống cấp xã, gồm: Tổ chức lập hồ sơ đề xuất dự án đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư; trường hợp phải tổ chức đấu thầu; tổ chức lập hồ sơ đề xuất dự án đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; xác định khu đất, quỹ đất, thửa đất tham chiếu để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sử dụng đất; phê duyệt hồ sơ mời thầu thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu; Tổ chức kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà đầu tư; phê duyệt hồ sơ mời thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Trong lĩnh vực quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gồm 18 nhiệm vụ phân định thẩm quyền, có 15 nhiệm vụ chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã liên quan đến quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương; bố trí vốn ngân sách của địa phương; điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia; thẩm quyền đề xuất giá hàng hóa, dịch vụ; phê duyệt danh sách đối tượng chính sách...

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 11

 

Với lĩnh vực quản lý thuế, 13 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền từ cấp huyện xuống cấp xã gồm: Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; phân hạng đất tính thuế; xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã đối với các trường hợp đã được xóa nợ; quyết định cưỡng chế thuế đối với các quyết định hành chính về quản lý thuế; thành lập Hội đồng định giá tài sản; quyết định miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc giao quyền cho cấp xã thực hiện các nhiệm vụ như quản lý thuế, tài sản công, đất đai, đầu tư công hay điều hành chương trình mục tiêu quốc gia… đã mở ra một giai đoạn mới trong quản lý nhà nước tại cơ sở. Từ nay, chính quyền cấp xã có thể chủ động thực hiện các công việc trước đây từng phải qua nhiều cấp trung gian.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 12

Có thể nói, với những nỗ lực đồng bộ từ trung ương đến địa phương, mô hình chính quyền hai cấp không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn mở ra cơ hội cải thiện toàn diện năng lực quản trị tài chính công. Mỗi địa phương, với quyền tự chủ lớn hơn, sẽ có điều kiện đưa ra các chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của Đất nước, bảo đảm công bằng xã hội và thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.

“Bộ Tài chính cam kết tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách, góp phần hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực – hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đây chính là nền móng để xây dựng một nền hành chính tiên tiến, phục vụ hiệu quả cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.

EMAGAZINE: Bộ Tài chính “kiến tạo” hành lang pháp lý cho vận hành hiệu quả chính quyền 2 cấp - Ảnh 13

07:31 01/07/2025