EMAGAZINE: Hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người lao động - Ảnh 1
EMAGAZINE: Hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người lao động - Ảnh 2

Trong câu chuyện của chúng tôi với Giám đốc BHXH Đồng Nai Phạm Minh Thành mới đây, ông nói rằng cảm xúc về ngày 15/7/2025 trong ông thật sự rất đặc biệt. Tròn 30 năm Ngày BHXH tỉnh Đồng Nai thành lập và ông là một trong những cán bộ đầu tiên của BHXH tỉnh.

Từ một Kế toán trưởng thuộc Nhà khách Công đoàn của tỉnh Đồng Nai, năm 1995, ông chuyển sang làm việc tại Phòng Kế hoạch - Tài chính (BHXH Đồng Nai); được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng. Đến năm 2001, được bổ nhiệm Phó Giám đốc và năm 2019, là Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai.

EMAGAZINE: Hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người lao động - Ảnh 3

Giám đốc BHXH Đồng Nai tâm sự: “Tôi từng nói với anh em viên chức đơn vị mình, được là "người BHXH Việt Nam", đã thể hiện cái tâm của mình rồi. Chưa cần phải làm việc gì to lớn mà chỉ cần viên chức BHXH Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ của mình cũng là đang làm việc tốt. Chẳng hạn, khi mình tiếp xúc với người lao động, họ vướng mắc vấn đề chính sách, mình nhiệt tình hướng dẫn cho họ hoàn thiện hồ sơ để được hưởng các chế độ BHXH, thì điều đó cũng thể hiện cái tâm của mình”.

Trong ngày Kỷ niệm 30 năm thành lập BHXH Đồng Nai và cũng trùng hợp là ngày ra mắt BHXH Đồng Nai mới (ngày 15/7/2025), ông Thành nhấn mạnh, phải làm sao để chia sẻ được nỗi niềm với người lao động.

"Phải lấy người lao động, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ và phải làm hết mình để cho họ vui. Mà nhiều người vui có nghĩa là mình vui. Nếu người ta hạnh phúc, mình phải thực sự hạnh phúc, thì mới đúng nghĩa của một viên chức BHXH Việt Nam", ông Thành chia sẻ.

EMAGAZINE: Hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người lao động - Ảnh 4

Chia sẻ thêm rằng trong hành trình ba thập kỷ gắn bó với ngành BHXH Việt Nam có rất nhiều kỷ niệm đọng lại trong ông. Trong đó, cá nhân ông được tham gia vào quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT là niềm vinh dự của bản thân khi được đóng góp xây dựng chính sách.

Xuyên suốt quá trình từ Nghị định 12/CP của Chính phủ ban hành Điều lệ BHXH, cho đến Luật BHXH năm 2004, sau đó sửa dần cho đến Luật BHXH hiện hành, ông may mắn được tham gia vào các hội thảo đóng góp xây dựng Luật BHXH và Luật BHXH sửa đổi.

EMAGAZINE: Hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người lao động - Ảnh 5

Trong quá trình làm việc, ngay từ thời gian đầu ông Thành đã sớm có những cảm nhận tinh tế về chính sách. Khi đó, Điều lệ BHXH và Luật BHXH năm 2004 quy định, lao động chỉ cần là nữ, đóng BHXH 1 tháng, là được nghỉ thai sản. Đây lỗ hổng rất lớn, sẽ có những trường hợp gian lận, nên ông kiến nghị phải đóng BHXH 9 tháng mới giải quyết. Có lẽ có nhiều người chung ý kiến, những người đảm nhận nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã lắng nghe, sau đó quy định được điều chỉnh là 6 tháng. Ông Thành nói rằng việc này đối với ông rất có ý nghĩa và là sự ghi nhận tâm huyết của một người đã gắn bó với BHXH Việt Nam từ những ngày đầu.

Với lĩnh vực BHYT, thủ lĩnh của BHXH Đồng Nai cũng cho rằng Luật BHYT cũng có thay đổi đáng kể, nhiều năm trước đây, quy định ít có bổ sung vào các khoản chi phí, quyền lợi cho người lao động, người dân khám chữa bệnh BHYT, nhất là trong điều kiện nền khoa học, ngành y và thiết bị máy móc phát triển rất mạnh. Vì vậy, việc Nhà nước bổ sung thêm nhiều quyền lợi mới cho người tham gia, hiện nay là “mở toang” các quyền lợi cho người tham gia BHYT, cũng là một dấu ấn. “Sắp tới, theo thông điệp của Tổng Bí thư, mục tiêu từ nay đến 2030, tiến tới miễn phí hoàn toàn chi phí y tế cho người dân thông qua BHYT. Đó là một viễn cảnh đầy tính nhân văn - là một trong những người trực tiếp thực hiện, tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào.” - ông Thành chia sẻ.

Có câu chuyện khác, cũng là ấn tượng không quên trong sự nghiệp của vị thủ lĩnh BHXH Đồng Nai, là câu chuyện về quyết định “mở cửa” cơ quan BHXH để tiếp nhận hồ sơ BHXH trong giai đoạn đầu của dịch bệnh Covid-19 - một quyết định đầy mạo hiểm trong bối cảnh dịch bệnh, vì bản thân ông có thể bị xử lý kỷ luật.

Song tình thế người lao động lúc này không có tiền mua thức ăn, mua thuốc thang... và mong nhận các chế độ BHXH như “nắng hạn gặp mưa rào”, nên ông Thành cùng Ban giám đốc BHXH tỉnh sau khi cân nhắc kỹ đã quyết định thực hiện.

BHXH Đồng Nai khi ấy đã tiếp một số lượng người lao động nộp hồ sơ hạn chế và tuân theo các quy trình phòng dịch; song vẫn có một số ý kiến không đồng tình, đề nghị kiểm điểm.

Sau đó, Giám đốc Thành thay mặt BHXH tỉnh, trình bày cụ thể với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai. Thấu hiểu và chia sẻ, lãnh đạo UBND tỉnh đã cho phép mở thêm việc tiếp nhận hồ sơ ở một số phường để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người lao động.

EMAGAZINE: Hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người lao động - Ảnh 6
EMAGAZINE: Hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người lao động - Ảnh 7

Hiện nay, cả nước thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, vấn đề Giám đốc BHXH Đồng Nai cũng như tập thể BHXH tỉnh đặt mục tiêu là làm sao thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được kỳ vọng thay đổi bộ mặt xã hội, hay nói cách khác là "'sắp xếp lại giang sơn". Mọi hoạt động của Nhà nước, được xuất phát từ cơ sở và thể hiện rất rõ ở vai trò của cấp chính quyền xã, phường. Để giải quyết thủ tục, hồ sơ cho người dân trong tình hình mới, Chính phủ có Nghị định số 118/2025/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo lãnh đạo BHXH Đồng Nai, đối với cơ quan BHXH, thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục theo quy định mới có khó khăn nhất định. Chẳng hạn, cơ quan BHXH cấp huyện trước đây, bây giờ là cấp cơ sở, sẽ quản lý trên địa bàn rất nhiều xã, trung bình khoảng 3-5 xã. Ban đầu biên chế của BHXH cơ sở sẽ chưa đáp ứng đủ mỗi Trung tâm Hành chính công ở 1 xã đều phải bố trí người. Nếu thực hiện đúng mô hình đó, BHXH tỉnh Đồng Nai phải có 95 cán bộ sang làm việc ở 95 Trung tâm Hành chính công, sẽ khó khăn về bố trí nhân lực.

Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương, trong tháng 7/2025, BHXH tỉnh cố gắng bố trí người trực ở Trung tâm Hành chính công đầy đủ để tiếp xúc và tư vấn người dân. Trong những ngày qua, có thuận lợi là được chính quyền địa phương rất ủng hộ. Trường hợp Trung tâm Hành chính công bố trí được quầy, cán bộ cơ quan BHXH ngồi ở quầy trực. Trường hợp không bố trí được quầy, cán bộ cơ quan BHXH chủ động xin bố trí bàn trực để tiếp xúc với người dân. Chỉ cần người dân có nhu cầu, mọi vướng mắc về chế độ, chính sách BHXH, BHYT sẽ được giải đáp; thậm chí, trực tiếp nhận hồ sơ để phục vụ.

Giám đốc Phạm Minh Thành nhận định BHXH Đồng Nai hiện nay khối lượng công việc lớn, lại phải chi phối nhân lực cho Trung tâm Hành chính công nên sẽ gặp khó khăn lớn. Thực hiện chủ trương giảm biên chế, hiện nay BHXH tỉnh đã thiếu người, nếu phải bố trí thêm lực lượng ở Trung tâm Hành chính công thì khó xoay xở.

EMAGAZINE: Hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người lao động - Ảnh 8

Tuy nhiên, theo ông Thành nghiên cứu Điều 10 của Nghị định số 118/2025/NĐ-CP là cho phép thuê đơn vị dịch vụ công ích, dịch vụ bưu chính công ích. Vì vậy, BHXH Đồng Nai xin ý kiến BHXH Việt Nam có một mẫu hợp đồng thống nhất chung trong toàn quốc, có mức phí chi cho thuê mướn dịch vụ. Vừa qua, BHXH tỉnh Đồng Nai đã chủ động mời 100 nhân viên của ngành Bưu điện tập huấn về nghiệp vụ tiếp nhận hồ sơ...

Ở Trung tâm Hành chính công, Bưu điện có quầy sẵn và cơ quan BHXH thuận tiện trong phối hợp. Thời gian đầu trong tháng 7/2025, chuyên viên BHXH tỉnh phối hợp với nhân viên Bưu điện để hỗ trợ các kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ ngay tại quầy của Bưu điện. Nhân viên bưu điện trong giai đoạn này vừa tập sự, vừa tiếp xúc và tiếp cận nghiệp vụ về tiếp nhận của cơ quan BHXH để từ ngày 1/8 tới đây có thể tự đảm nhận được nhiệm vụ này.

EMAGAZINE: Hạnh phúc khi đem lại niềm vui cho người lao động - Ảnh 9

09:53 25/07/2025