
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư vào đổi mới sáng tạo tại châu Á. Nhưng để hiện thực hóa khát vọng đó, cần nhiều hơn những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, đó phải là một hệ sinh thái nơi vốn có thể chảy nhanh, minh bạch và hiệu quả. Khi hành lang pháp lý được tháo gỡ, thủ tục được tinh giản và thị trường vốn trở nên năng động hơn, Việt Nam sẽ không chỉ thu hút được các quỹ đầu tư lớn, mà còn khơi dậy làn sóng doanh nghiệp công nghệ vươn tầm khu vực và toàn cầu.
Trong hơn 2 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, Mekong Capital đã khẳng định vị thế là một trong những quỹ đầu tư tư nhân tiên phong, góp phần định hình nên diện mạo mới cho lĩnh vực kinh doanh và khởi nghiệp ở nước ta. Không chỉ đơn thuần là nhà đầu tư, Mekong Capital được biết đến như một “người ươm mầm” cho hàng loạt thương hiệu tỷ đô từ Thế Giới Di Động, PNJ, đến Masan và FPT - những cái tên đã trở thành biểu tượng thành công trong nền kinh tế thị trường mới nổi của Việt Nam.
Chính từ những kinh nghiệm và thành tựu đó, Mekong Capital đang trở thành hình mẫu cho các dòng vốn đầu tư tư nhân hướng tới các lĩnh vực đổi mới và sáng tạo. Điều này càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đổi mới sáng tạo không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành một ưu tiên chiến lược quốc gia, được thúc đẩy mạnh mẽ từ chính sách đến thực tiễn. Trong bức tranh đó, dòng vốn đầu tư vào các startup và doanh nghiệp công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Việc tạo điều kiện để những doanh nghiệp non trẻ nhưng giàu tiềm năng tiếp cận được nguồn lực tài chính không chỉ giúp họ phát triển, mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho toàn nền kinh tế. Sự chuyển hướng quan tâm của các quỹ đầu tư từ các mô hình kinh doanh truyền thống sang các doanh nghiệp dựa trên công nghệ, đổi mới sáng tạo là minh chứng rõ ràng cho một chu kỳ tăng trưởng mới đang hình thành tại Việt Nam.
Phóng viên Tạp chí Kinh tế - Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Chad Ovel - Tổng Giám đốc Mekong Capital, để hiểu rõ hơn về kinh nghiệm đầu tư của quỹ, những "nút thắt" trong hệ sinh thái khởi nghiệp hiện tại và giải pháp để khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Phóng viên: Thưa ông Chad Ovel, ông có thể chia sẻ khái quát về hoạt động của Mekong Capital tại Việt Nam và những lĩnh vực trọng tâm của quỹ hiện nay?
Ông Chad Ovel: Trong 25 năm hoạt động, Mekong Capital đã đầu tư vào hơn 45 công ty tư nhân tại Việt Nam, tức là các doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Đặc biệt, chúng tôi đã thực hiện thành công 30 khoản thoái vốn - một phần cốt lõi trong mô hình đầu tư của chúng tôi, vốn được thiết kế để tạo ra giá trị trong khoảng thời gian đầu tư khoảng 10 năm.
Điểm nổi bật là chúng tôi đã có cơ hội đầu tư sớm vào nhiều thương hiệu lớn như Thế Giới Di Động, PNJ, Masan hay FPT. Trong vài năm trở lại đây, Mekong Capital chuyển hướng nhiều hơn sang các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và công nghệ, bao gồm cả công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao - những lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.

Phóng viên: Khi đầu tư vào Masan hay FPT, họ đều chưa phải là những tập đoàn như bây giờ. Theo ông, đâu là yếu tố đã giúp những công ty này phát triển vượt bậc? Và các startup Việt Nam hiện nay cần học gì từ đó?
Ông Chad Ovel: Điểm chung nổi bật nhất giữa các công ty thành công là họ rất chú trọng xây dựng đội ngũ quản trị mạnh. Họ tuyển những người giỏi nhất mà họ có thể tìm được, trả lương xứng đáng, và quan trọng là tạo dựng một văn hóa doanh nghiệp hướng đến kết quả thực chất, thay vì chỉ nói về tầm nhìn.
Họ cũng cực kỳ nghiêm túc về trải nghiệm khách hàng, luôn hỏi: "Làm sao để phục vụ khách hàng tốt hơn, nhanh hơn, chính xác hơn?". Và một điểm không thể thiếu là tính minh bạch: minh bạch trong kế toán, công bố thông tin, kiểm toán và quản trị doanh nghiệp. Không có nhà đầu tư nào thích sự mập mờ.
Cuối cùng, một hội đồng quản trị chuyên nghiệp, không chỉ bao gồm bạn bè hay người thân của nhà sáng lập, mà có các chuyên gia độc lập, có tiếng nói và kinh nghiệm trong ngành, chính là “bệ phóng” chiến lược cho các công ty muốn phát triển bền vững.

Phóng viên: Đánh giá của ông về môi trường kinh doanh hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là đối với lĩnh vực đổi mới sáng tạo?
Ông Chad Ovel: Tôi cho rằng, môi trường kinh doanh hiện tại tại Việt Nam là tích cực, nhất là với những công ty phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Trong khi một số lĩnh vực xuất khẩu đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa vẫn đang tăng trưởng ổn định.
Về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tôi thực sự ấn tượng với chất lượng nhân lực công nghệ tại Việt Nam. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đang trở thành điểm đến của các tập đoàn toàn cầu. Một ngân hàng lớn ở Úc hiện có toàn bộ bộ phận IT đặt tại đây, và một quỹ đầu cơ ở New York cũng vậy. Điều đó cho thấy năng lực kỹ thuật và tiềm năng của nhân sự Việt đang được quốc tế công nhận.

Phóng viên: Vậy theo ông, đâu là những rào cản lớn nhất khiến dòng vốn cho doanh nghiệp sáng tạo chưa được khai thông đúng mức?
Ông Chad Ovel: Rào cản lớn nhất hiện nay là thiếu một sân chơi tài chính phù hợp cho startup. Ở các thị trường như London hay Singapore, startup có thể niêm yết ngay cả khi chưa có lãi, nếu họ có mô hình tăng trưởng rõ ràng. Nhưng tại Việt Nam, các quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp phải có lợi nhuận mới được niêm yết, điều đó vô hình trung loại startup ra khỏi thị trường vốn chính thống.
Ngoài ra, quy trình đầu tư vào startup Việt từ nước ngoài còn rất phức tạp. Chỉ cần gọi một khoản vốn nhỏ cũng phải làm nhiều thủ tục pháp lý rườm rà, mất nhiều thời gian và chi phí. Thực tế, không ít startup Việt chọn đăng ký công ty tại Singapore hoặc Indonesia để dễ gọi vốn vì ở đó, toàn bộ quá trình có thể hoàn tất trong vòng 10 ngày, rất minh bạch và thuận tiện cho cả hai bên.

Phóng viên: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút thêm các quỹ đầu tư như Mekong Capital trong tương lai?
Ông Chad Ovel: Đầu tiên là tiếp tục đầu tư mạnh cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thứ hai là tôn vinh những câu chuyện thành công của doanh nghiệp Việt, để truyền cảm hứng và tạo dựng lòng tin với nhà đầu tư quốc tế.
Nhưng điểm quan trọng tôi muốn nhấn mạnh là: Việt Nam cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra quốc tế. Hiện rất ít công ty Việt có hoạt động quốc tế hoá mạnh mẽ. FPT Software là một ví dụ điển hình, nhưng họ làm được phần lớn là nhờ nội lực.
Một số công ty trong danh mục của chúng tôi như Gimo hay Zinmed đang từng bước ra nước ngoài, nhưng không có một khuôn khổ hỗ trợ nào từ phía Nhà nước. Chúng tôi cần những cơ chế khuyến khích cụ thể cho các doanh nghiệp đi ra thế giới.

Phóng viên: Trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, ông và Mekong Capital có từng gặp khó khăn gì từ hệ thống pháp lý hoặc cơ chế chính sách không?
Ông Chad Ovel: Nhìn chung, chúng tôi không gặp nhiều vấn đề lớn về chính sách hay pháp luật. Tuy nhiên, quy trình đăng ký công ty đại chúng và niêm yết vẫn còn quá phức tạp và tốn thời gian. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho những doanh nghiệp trẻ, sáng tạo và có mô hình linh hoạt.
Tôi tin rằng, nếu Việt Nam có thể đơn giản hóa quy trình niêm yết, điều đó sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán sôi động hơn; đồng thời mở ra cánh cửa mới cho các doanh nghiệp công nghệ tiếp cận thị trường vốn trong nước, thay vì phải đăng ký tại Singapore.

Phóng viên: TP. Hồ Chí Minh đang được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Theo ông, cần làm gì để hiện thực hóa mục tiêu đó?
Ông Chad Ovel: TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều lợi thế như môi trường sống hấp dẫn, chi phí thấp, văn hóa thân thiện và nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để trở thành trung tâm tài chính thực sự, Thành phố cần xây dựng mô hình thử nghiệm (sandbox) - nơi các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực fintech, blockchain, y tế công nghệ có thể thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới mà không bị vướng quá nhiều quy định ngay từ đầu.
Sandbox không phải là bỏ qua luật pháp, mà là một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, giúp các ý tưởng sáng tạo có cơ hội phát triển. Đây là cách mà Singapore, Anh Quốc hay UAE đã làm để thu hút dòng vốn đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
16:45 16/07/2025