Hơn 1 tháng đã trôi qua nhưng những thiệt hại mà Bão số 3 (Yagi) gây ra vẫn để lại hậu quả dai dẳng và nặng nề. Cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đã gây thiệt hại vô cùng lớn về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP cả năm có thể giảm khoảng 0,15 điểm % do thiệt hại của cơn bão số 3. Ở góc độ kinh tế, khoảng 240.000 căn nhà đã bị sập đổ, hư hại; hơn 300.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng, gãy đổ; gần 3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Có đến 26 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão lũ là khu vực chiếm đến 41% GDP và 40% dân số cả nước. Những thiệt hại do bão đặt ra thách thức rất lớn về tốc độ tăng trưởng từ nay tới cuối năm.
Sau bão lũ, nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trọng điểm phải đối mặt với sự tàn phá lớn. Các khu công nghiệp như VSIP và Nam Cầu Kiền (TP. Hải Phòng) chịu thiệt hại nặng nề khi nhà xưởng bị hư hỏng, mái lật, nước tràn vào kho, và các thiết bị, phương tiện sản xuất bị hư hại. Doanh nghiệp không chỉ mất nguồn thu trong thời gian sản xuất bị gián đoạn mà còn phải gánh chịu những chi phí khắc phục hậu quả sau bão.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Việt Trường ở TP. Hải Phòng có hai trong ba nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc phải tạm dừng hoạt động trong vòng 20 ngày để sửa chữa và đảm bảo an toàn sản xuất. Nguyên liệu nhập khẩu của Công ty đang bị lưu giữ tại cảng, chịu thêm chi phí lưu kho, làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp điển hình trong số các doanh nghiệp đang vật lộn với các thiệt hại và cần các chính sách hỗ trợ để tái khởi động. Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đã bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3, nhất là ở Quảng Ninh, TP. Hải Phòng. Nhiều hàng hóa hư hại, nhà xưởng, kho... bị đổ, sập, máy móc ngập nước không thể hoạt động. Có nhà máy ở TP. Hải Phòng gần biển, cả tầng hầm lẫn tầng 1 đều ngập nước, doanh nghiệp dự kiến phải mất vài tháng để khắc phục, đặt hàng và nhập lại máy móc để vận hành.
Không chỉ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mà cả doanh nghiệp ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành Thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng và ngành Chăn nuôi thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng. Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này đang đứng trước thách thức không chỉ về việc khôi phục sản xuất mà còn về việc duy trì chuỗi cung ứng, đặc biệt khi nhu cầu xuất khẩu đang ở mức cao.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hàng loạt doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão lũ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, ngừng hoặc giảm sản xuất vì các trang thiết bị, nhà xưởng... phục vụ sản xuất đều bị hư hại. Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang trong tình cảnh gắng gượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế, sinh kế của người dân, người lao động.
Để hạn chế hậu quả của cơn bão này gây ra, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng. Không chậm trễ, ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143-NQ/CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, sạt lở đất sau siêu bão số 3.
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã khẩn trương hướng dẫn chính sách giúp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Theo đó, ngày 16/9, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 4062/TCT-CS chỉ đạo Cục Thuế tại 26 tỉnh, thành bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế.
Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, ngay sau khi ban hành Công văn số 4062/TCT-CS, Tổng cục Thuế thực hiện theo dõi, đánh giá sát sao quá trình triển khai của các cục thuế. Có thể thấy rằng, mặc dù có những cục thuế cũng bị ảnh hưởng do thiên tai nhưng vẫn vượt khó kịp thời triển khai các chính sách này và bước đầu đã có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Nhìn chung, những giải pháp này đã được cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh ghi nhận, đánh giá cao.
Tại tỉnh Yên Bái – địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người và của do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão với ước tính thiệt hại trên 5.738 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn Tỉnh, hầu hết doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục hậu quả của thiên tai, phục hồi sản xuất, song công suất vẫn chưa đạt như mong muốn do nhiều máy móc, dây chuyền bị hỏng, thiếu nguyên liệu, đứt gãy chuỗi sản xuất...
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, ngày 26/9, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã chịu ảnh hưởng bởi bão số 3. Có mặt tại Hội nghị này, đại diện Cục Thuế Yên Bái đã chia sẻ trước những tổn thất nặng nề mà các doanh nghiệp đã phải hứng chịu trong cơn bão vừa qua, đồng thời cũng trao đổi và thông tin tới các doanh nghiệp những nội dung về chính sách gia hạn, miễn giảm tiền thuế đối với trường hợp bị tổn thất, thiệt hại về vật chất do thiên tai bão lũ gây ra.
Không chỉ tại Cục Thuế Yên Bái, các chi cục thuế trực thuộc cũng rốt ráo thực hiện gặp gỡ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tại Chi cục Thuế huyện Yên Bình, ngày 30/9, đơn vị đã tổ chức Hội nghị triển khai các chính sách hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bão số 3 nhằm tuyên truyền, hướng dẫn chính sách thuế, hỗ trợ cơ sở kinh doanh thụ hưởng kịp thời, đầy đủ chính sách pháp luật của Nhà nước, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Đình Lục - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế cho biết, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ về gia hạn, miễn, giảm thuế. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ lưu giữ tại cơ quan thuế liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại khi có yêu cầu và đề nghị của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại.
Cán bộ thuế cũng hướng dẫn người nộp thuế kịp thời; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại khôi phục hồ sơ thuế (hồ sơ khai thuế, hồ sơ miễn, giảm thuế, hồ sơ hoàn thuế, hồ sơ gia hạn nộp thuế…) và các tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị thiệt hại của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.
Hay như tại tỉnh Thái Nguyên, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến Tỉnh bị thiêt hại ước tính trên 780 tỷ đồng. Nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, khiến doanh nghiệp vốn khó khăn nay lại càng khó hơn. Theo thống kê sơ bộ ban đầu của Cục Thuế, toàn Tỉnh có 176 người nộp thuế bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ sau bão.
Qua khảo sát sơ bộ thực tế thiệt hại của người nộp thuế, có nhiều kho hàng bị ngập lụt toàn bộ, máy móc thiết bị điện tử bị hư hỏng, thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế cũng như thu nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn. Các phòng, chi cục thuế, bộ phận chuyên môn đang tích cực hỗ trợ, giải quyết hồ sơ đề nghị của người nộp thuế, đảm bảo kịp thời, đúng quy định, góp phần giảm bớt khó khăn, giảm gánh nặng thiệt hại về tài sản, vật chất cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai đề người nộp thuế sớm khôi phục, ổn định sản xuất kinh doanh.
Bà Triệu Thị Kim Yến - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên cho biết, với mục tiêu để người nộp thuế nhanh chóng tiếp cận các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và chính sách thuế cho người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai, Cục Thuế Tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, phổ biển, hướng dẫn chính sách thuế dưới nhiều hình thức. Cụ thể, Cục Thuế đã đăng tải trên website, gửi văn bản hướng dẫn đến các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để phối hợp thực hiện; tổ chức Hội nghị hướng dẫn và giải đáp vướng mắc tại địa bàn có nhiều người nộp thuế bị tổn thất do bão, mưa lũ...
Đồng thời, Cục Thuế đã chỉ đạo các phòng, chi cục thuế phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ lưu giữ tại cơ quan thuế liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại khi có đề nghị của người nộp thuế để người nộp thuế chuẩn bị hồ sơ gia hạn nộp thuế, hồ sơ miễn tiền chậm nộp gửi cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp giải quyết theo quy định.
Ông Vũ Huy Khuê - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng
Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, Cục Thuế TP. Hải Phòng đã ngay lập tức biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết về chính sách, hồ sơ để người nộp thuế bị thiệt hại do bão số 3 có thể áp dụng gia hạn, giảm thuế hoặc miễn thuế. Các hướng dẫn này đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục và gửi trực tiếp đến từng người nộp thuế qua Email và Zalo. Cục Thuế cũng đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo thành ủy, Sở Thông tin Truyền thông và các cơ quan báo đài để tuyên truyền rộng rãi.
Cục Thuế chỉ đạo các phòng và chi cục thuế hỗ trợ tích cực các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Khi tiếp nhận yêu cầu miễn, giảm, gia hạn tiền nộp thuế của người nộp thuế bị thiệt hại do thiên tai, các đơn vị trực thuộc Cục có trách nhiệm ưu tiên hỗ trợ nhanh nhất cho người nộp thuế để hỗ trợ người nộp thuế sớm khắc phục khó khăn khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cục Thuế cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết kịp thời các vấn đề về thủ tục hành chính, cung cấp hồ sơ thuế và chứng từ liên quan đến việc xác định giá trị thiệt hại theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ khôi phục hồ sơ thuế và các tài liệu cần thiết khác phục vụ cho việc xác định giá trị thiệt hại của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo quy định.
Bà Vương Bích Hằng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Lào Cai
Triển khai chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Lào Cai đã tổ chức khẩn trương công tác phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn Tỉnh để rà soát kỹ những tổn thất từ phía doah nghiệp và các hộ kinh doanh. Đã có một số doanh nghiệp có văn bản hỏi về thủ tục thực hiện gia hạn, miễn, giảm thuế, Cục Thuế Lào Cai ngay sau khi tiếp nhận đã có Văn bản số 6888/CT-QLN ngày 0/10/2024 trả lời người nộp thuế cũng như hướng dẫn cụ thể thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Thống kê sơ bộ đến ngày 2/10, Cục Thuế Lào Cai đã tiếp nhận 510 hồ sơ đề nghị miễn giảm, gia hạn. Qua rà soát sơ bộ, trong 12 hồ sơ của doanh nghiệp mà Cục Thuế đã tiếp nhận có 1 hồ sơ xin gia hạn với số tiền hơn 300 triệu đồng đã có đầy đủ chứng từ và hiện đang được Cục Thuế tiếp nhận giải quyết trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, có 1 hồ sơ xin miễn thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, số tiền hơn 200 triệu đồng hiện đang thiếu hồ sơ xác nhận của các cơ quan liên quan. Đối với trường hợp này, Cục Thuế đã chỉ đạo công chức phụ trách trực tiếp hướng dẫn người nộp thuế hoàn thiện hồ sơ để sớm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Đối với 10 hồ sơ còn lại, các doanh nghiệp đã có báo cáo bằng văn bản tới cơ quan thuế để nhận được sự hỗ trợ về hồ sơ khi đề nghị xem xét miễn, giảm, gia hạn theo chính sách của Chính phủ nhưng chưa lập hồ sơ bằng văn bản tới cơ quan thuế.
Tuy nhiên, tại tỉnh Lào Cai, ngoài cơ quan tài chính thì chưa có cơ quan giám định độc lập để xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản, mà cơ quan tài chính chỉ xem xét đánh giá mức độ thiệt hại về tài sản Nhà nước. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho người nộp thuế khi lập hồ sơ đề nghị xem xét miễn, giảm, gia hạn theo chính sách của Chính phủ.
Dù đã rốt ráo thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ, người nộp thuế gặp một số khó khăn, vướng mắc trong khâu chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ thống kê thiệt hại, xác định giá trị thiệt hại của người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai. Hồ sơ thống kê thiệt hại, xác định giá trị thiệt hại của người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai phải có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền như: UBND xã, phường, Công an xã, phường; cơ quan tài chính, cơ quan giám định độc lập,... để người nộp thuế có đủ hồ sơ lưu trữ cũng như gửi cho cơ quan thuế giải quyết theo quy định.
Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và chính sách thuế đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão số 3 và mưa lũ sau bão, cơ quan thuế đề nghị các cơ quan liên quan với tinh thần khẩn trương nhất, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tích cực hỗ trợ, giải quyết kịp thời các văn bản đề nghị của người nộp thuế bị ảnh hưởng do gặp thiên tai để sớm hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan thuế; xác định chính xác đối tượng bị thiệt hại, giá trị thiệt hại theo văn bản đề nghị của người nộp thuế, tránh tình trạng xác nhận không đúng đối tượng hoặc xác định không đúng giá trị thiệt hại về tài sản, vật chất, tạo nên cố tình lợi dụng chính sách để trục lợi, ảnh hưởng đến số thu nộp ngân sách nhà nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, việc triển khai như thế nào là điều cần quan tâm. Trong đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và chính quyền các địa phương là vô cùng quan trọng.
07:58 10/10/2024