Chiều tối 26/8, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng TN&MT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Theo đó, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố các quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các ông Nguyễn Hòa Bình, Bùi Thanh Sơn, Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ TN&MT đối với ông Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với ông Nguyễn Hải Ninh.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời chúc mừng năm cán bộ vừa nhận quyết định bổ nhiệm; khẳng định đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với những đóng góp, cống hiến của các cán bộ trên các lĩnh vực công tác được giao phụ trách.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng với truyền thống đoàn kết, thống nhất, với sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, địa phương cùng toàn dân và toàn quân ta, các ông Nguyễn Hòa Bình, Bùi Thanh Sơn, Hồ Đức Phớc, Đỗ Đức Duy, Nguyễn Hải Ninh sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao.
Trước đó, vào chiều cùng ngày, tại kỳ họp bất thường lần thứ tám, với 100% đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về việc phê chuẩn bổ nhiệm ba Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp với các nhân sự nêu trên.
Sau khi được phê chuẩn chức vụ Phó Thủ tướng, ông Hồ Đức Phớc tiếp tục kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Bùi Thanh Sơn tiếp tục kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Sau khi kiện toàn các chức danh Phó Thủ tướng, đến nay lãnh đạo Chính phủ có Thủ tướng Phạm Minh Chính và năm phó thủ tướng gồm các ông: Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn.
Tại kỳ họp, Quốc hội cũng đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Lưu Quang. Ông Trần Lưu Quang đã được Bộ Chính trị điều động, phân công, bổ nhiệm giữ chức trưởng Ban Kinh tế Trung ương hôm 21/8.
Quốc hội cũng phê chuẩn miễn nhiệm một phó thủ tướng và bộ trưởng Bộ TN&MT nghỉ công tác là ông Lê Minh Khái và ông Đặng Quốc Khánh.
Ngoài ra, Quốc hội còn bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Thanh Vân thuộc Đoàn đại biểu Quóc hội tỉnh Cà Mau.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình
Tân Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, 66 tuổi, quê Quảng Ngãi. Ông có trình độ PGS.TS Luật, Đại học An ninh; cao cấp lý luận chính trị. Ông là ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII, XIII; ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII; bí thư Trung ương Đảng khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV, XV.
Tháng 4/2008, khi đang là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát kiêm cục trưởng Cục CSĐT án tham nhũng; Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an, ông được điều động, luân chuyển về Quảng Ngãi làm phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Hơn ba năm sau, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và giữ cương vị này trong hơn một năm.
Đến tháng 7/2011, ông được Quốc hội bầu làm Viện trưởng VKSND Tối cao. Từ tháng 4/2016, ông được Quốc hội bầu làm Chánh án TAND Tối cao và giữ cương vị này cho đến khi được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng vào hôm qua 26/8.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc
Tân Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, 61 tuổi, quê Nghệ An; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ kinh tế; cao cấp lý luận chính trị. Ông là ủy viên Trung ương khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XV.
Ông có 27 năm công tác tại Nghệ An và trải qua nhiều vị trí công tác như Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò; Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND rồi chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An; Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An.
Tháng 4/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ông được bầu giữ chức tổng Kiểm toán Nhà nước. Đến tháng 4/2021, ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức bộ trưởng Bộ Tài chính. Hôm qua (26/8/2024), ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, tiếp tục kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn
Tân Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, 62 tuổi, quê TP. Hà Nội; trình độ là thạc sĩ quan hệ quốc tế. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh (từ tháng 4/2021); đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Ông Bùi Thanh Sơn vào ngành Ngoại giao từ tháng 2/1985.
Từ tháng 3/2000, ông làm tham tán công sứ, người thứ hai, Bí thư Chi bộ, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, phó Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao); trợ lý Bộ trưởng kiêm vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại. Tháng 11/2009, ông giữ chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao, sau đó được phân công làm thứ trưởng thường trực.
Tháng 4/2021, ông Bùi Thanh Sơn được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Hôm qua (26/8/2024), ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng đồng thời tiếp tục làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy
Tân Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy, 54 tuổi, quê Thái Bình. Ông là thạc sĩ xây dựng; ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; đại biểu Quốc hội khóa XV, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.
Tháng 4/2002, ông công tác biệt phái tại Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) và lần lượt trải qua các vị trí chuyên viên, phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Sau đó, ông có gần ba năm là Chánh văn phòng trước khi giữ chức Thứ trưởng Bộ này vào tháng 8/2015.
Tháng 2/2017, ông Đỗ Đức Duy được điều động, phân công giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Từ tháng 9/2020, ông là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho đến khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ TN&MT vào hôm 26/8/2024.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh
Tân Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, 48 tuổi, quê Hưng Yên. Ông là tiến sĩ luật, cử nhân hành chính; ủy viên Trung ương Đảng khóa XII (dự khuyết), XIII.
Tháng 11/2014, ông Nguyễn Hải Ninh được luân chuyển tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk. Một tháng sau đó, ông giữ cương vị Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk. Tháng 3/2019, ông là phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Đến tháng 4/2021, ông được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, giữ chức bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho đến khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp vào hôm qua 26/8.
Quốc hội bầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao
Cũng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chánh án TAND Tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 bằng hệ thống điện tử.
Vinh dự to lớn, trách nhiệm lớn lao
Theo đó, với 438/438 đại biểu Quốc hội (91,06% tổng số đại biểu Quốc hội) có mặt đã bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chánh án TAND Tối cao đối với ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao.
Ngay sau khi được bầu, tân Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chánh án TAND Tối cao tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Trong phát biểu nhậm chức, ông Lê Minh Trí cám ơn sự quan tâm của Đảng, của Quốc hội đã phân công và bầu ông giữ chức Chánh án TAND Tối cao. “Đây là một vinh dự to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao, nặng nề đối với cá nhân tôi trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Hôm nay tôi vui vì nhận nhiệm vụ mới nhưng cũng có nhiều trăn trở, suy nghĩ, vì tôi nhận thức đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách phía trước”, ông Lê Minh Trí nói.
Tân Chánh án TAND Tối cao chia sẻ câu hỏi đầu tiên đối với ông là phải làm sao giữ được những thành quả của các bậc tiền bối, tiền nhiệm đã gầy dựng. Đồng thời trước yêu cầu kỷ luật, kỷ cương của Đảng hiện nay, trước yêu cầu của pháp luật ngày càng cao và sự mong đợi, đòi hỏi của nhân dân thì ngành Tòa án làm gì và làm như thế nào để được đa số nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
“Đó là nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ sự công bằng, lẽ phải, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân, để góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền tư pháp liêm chính theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước hiện nay”, Tân Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.
Ông Trí khẳng định trong thực hiện nhiệm vụ sẽ tuân thủ nghiêm túc theo sự lãnh đạo của Đảng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, các nguyên tắc tư pháp và nỗ lực cao nhất thực hiện lời tuyên thệ.
Nói ít nhưng nỗ lực làm nhiều
Tân Chánh án TAND Tối cao cũng nhấn mạnh việc coi trọng sự đoàn kết, thống nhất, phát huy trách nhiệm và tính nêu gương của người đứng đầu. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhất là lời dạy của Bác là “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
“Quan trọng hơn cả là phải xây dựng và củng cố được lòng tin của đại đa số nhân dân vào nền tư pháp của nước nhà. Cố gắng thực hiện phương châm “Nói ít nhưng nỗ lực làm nhiều” để được dân tin, tăng cường lắng nghe góp ý và chấp hành nghiêm túc sự giám sát của Nhân dân, của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội đối với hoạt động của tòa án các cấp”, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Ông Lê Minh Trí bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương để ngành Tòa án phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND Tối cao đối với ông Lê Minh Trí.
Ông Lê Minh Trí 64 tuổi, quê TP. Hồ Chí Minh. Ông có trình độ chuyên môn Đại học An ninh, cử nhân luật. Ông là ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Từng công tác tại Công an TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Trí giữ chức phó trưởng Phòng Tham mưu an ninh, rồi phó trưởng Phòng A12b, thư ký thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
Từ tháng 1/2003, ông Lê Minh Trí làm chủ tịch UBND quận 11; đến tháng 8/2005 ông làm Chủ tịch UBND quận 1. Giai đoạn từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2013, ông Lê Minh Trí làm Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Trong ba năm tiếp theo, ông làm phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Tháng 4/2016, ông Lê Minh Trí được bầu làm Viện trưởng VKSND Tối cao và giữ cương vị này từ đó đến ngày 26/8/2024,khi được Quốc hội bầu làm Chánh án TAND Tối cao. Tại Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/8, Trung ương Đảng đã quyết định bầu bổ sung ông Lê Minh Trí vào Ban Bí thư.
Ông Nguyễn Huy Tiến làm Viện trưởng VKSND Tối cao
Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bầu ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng thường trực VKSND Tối cao, làm Viện trưởng VKSND Tối cao, nhiệm kỳ 2021-2026, với 439/439 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 91,27% tổng số đại biểu Quốc hội).
Ông Nguyễn Huy Tiến 56 tuổi, quê xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Ông là tiến sĩ luật.
Gắn bó với ngành Kiểm sát từ năm 1988, ông Nguyễn Huy Tiến có hai năm là cán bộ VKSND huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Từ năm 1990 đến 2001, ông công tác ở Thái Bình và lần lượt trải qua các vị trí: Kiểm sát viên sơ cấp, VKSND thị xã Thái Bình; kiểm sát viên sơ cấp, VKSND tỉnh Thái Bình và kiểm sát viên trung cấp, phó trưởng phòng VKSND tỉnh Thái Bình.
Từ năm 2001, ông Nguyễn Huy Tiến trở thành kiểm sát viên trung cấp, sau đó là kiểm sát viên VKSND Tối cao, Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội (Viện Phúc thẩm 1), VKSND Tối cao.
Tháng 10/2007, ông Tiến giữ chức phó viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội, VKSND Tối cao và hơn ba năm sau trở thành viện trưởng.
Tháng 6/2013, ông Nguyễn Huy Tiến là viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình.
Hai năm sau, ông là kiểm sát viên cao cấp (chuyển xếp theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014), Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội.
Tháng 5/2017, ông Nguyễn Huy Tiến là vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) VKSND Tối cao.
Một năm sau, ông trở thành Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, sau đó là Phó Viện trưởng thường trực VKSND Tối cao.
Theo plo.vn
09:23 27/08/2024