
Với những thành quả tăng trưởng ấn tượng qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để nâng tầm phát triển, là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng và chủ yếu cho nền kinh tế.


Từ phiên giao dịch đầu tiên chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết, đến nay, TTCK Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản, chất lượng. Nếu như trong những ngày đầu, thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết, 4 công ty chứng khoán, vốn hóa chỉ 0,28% GDP, thì đến cuối tháng 6/2025: thị trường đã có tới 1.600 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu đạt gần 100% GDP; thanh khoản bình quân thị trường cổ phiếu 6 tháng đầu năm 2025 đạt trên 21.000 tỷ đồng/phiên; 82 công ty chứng khoán và 43 công ty quản lý quỹ; và trên 10 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán… TTCK Việt Nam là một trong những thị trường sôi động, với quy mô vốn hóa và thanh khoản thuộc top đầu khu vực ASEAN.
TTCK Việt Nam đã cho thấy vai trò, đóng góp hiệu quả trong từng chặng đường phát triển của kinh tế đất nước; từ đó đã khẳng định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế và doanh nghiệp; hình ảnh, vị thế trên thị trường quốc tế tiếp tục được rộng mở.
Những thành quả đó là minh chứng rõ nét của chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó có sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ban, ngành và địa phương, các tổ chức trong nước, quốc tế… cùng nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, người lao động ngành Chứng khoán và thành viên trường thị trường.



PV:Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, với khát vọng mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, vai trò huy động nguồn lực vốn trung và dài hạn thông qua thị trường vốn, TTCK là rất quan trọng. Đó chính là động lực rất lớn để đưa TTCK Việt Nam nâng tầm phát triển trong chặng đường sắp tới. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về điều này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Đất nước đang chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 và 2 con số trong giai đoạn tới, TTCK sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực vốn trung, dài hạn từ trong nước và quốc tế cho phát triển kinh tế đất nước. Tôi cho rằng, đây là thách thức không hề nhỏ, nhưng cũng là động lực rất lớn để TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xây giá trị bền vững và nâng tầm vị thế trong nền kinh tế, cũng như trên trường quốc tế.


Về các yếu tố nội tại của thị trường, trong thời gian đây, TTCK Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Chỉ số VN-Index tăng trưởng, thanh khoản tăng mạnh nhờ dòng tiền nhập cuộc tích cực; tâm lý, niềm tin nhà đầu tư được cải thiện nhờ các yếu tố vĩ mô trong nước hỗ trợ và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan.

Cùng với đó, sự nỗ lực của các cơ quan quản lý và sự đồng thuận, đồng hành của nhiều tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước, các thành viên thị trường, công tác nâng hạng TTCK Việt Nam đã có nhiều tiến triển đáng ghi nhận. Mặc dù kết quả xếp hạng phụ thuộc vào đánh giá của các tổ chức xếp hạng, dựa trên trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư, tuy nhiên, qua các cuộc làm việc, trao đổi, hầu hết các tổ chức, chuyên gia đều đánh giá những bước tiến rất tích cực của Việt Nam và bày tỏ kỳ vọng khả quan về việc TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin của thị trường liên tục được cải thiện tích cực. Hệ thống công nghệ thông tin mới vận hành từ ngày 5/5/2025 vừa qua và hôm nay chính thức ra mắt. Qua 3 tháng hoạt động, Hệ thống vận hành ổn định, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng rất tốt kỳ vọng của thị trường. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi chỉ đạo các đơn vị tiếp tục có giải pháp để gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật thị trường; phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.


PV: Vậy đâu là các giải pháp cụ thể hơn mà Bộ Tài chính sẽ triển khai để TTCK Việt Nam phát triển mạnh mẽ, minh bạch và bền vững, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Để đạt được các mục tiêu to lớn, toàn diện mà Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra, trọng trách và nhiệm vụ của ngành Tài chính nói chung và ngành Chứng khoán nói riêng trong thời gian tới là rất lớn, nhưng chúng tôi quyết tâm biến thách thức thành động lực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước… tiếp tục phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn, TTCK mạnh mẽ và bền vững hơn. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ như sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Thứ hai, tổ chức vận hành thị trường một cách an toàn, ổn định, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm nâng cao tính minh bạch và kỷ cương thị trường.
Thứ ba, tiếp tục tái cơ cấu các trụ cột của thị trường hiệu quả, tăng cường nhà đầu tư tổ chức, nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên TTCK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nhà đầu tư.
Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, vừa phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới.
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư; thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện, có chiều sâu, nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam, đặc biệt là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của nhiều bộ, ban, ngành…, nền tảng thành quả của 25 năm qua và đặc biệt là sự quyết tâm và đồng lòng, sáng tạo, đổi mới của toàn ngành Tài chính - Chứng khoán, TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững và hội nhập.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Song hành cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán, trải qua hành trình 25 năm, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã trưởng thành cùng với những bước chuyển mình ngày càng lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam và không ngừng tạo dựng những nền tảng giá trị, đem lại niềm tin bền vững cho ngành chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Ngày 28/7/2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh - tiền thân của HOSE - chính thức khai trương phiên giao dịch đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam. Với chỉ 2 mã cổ phiếu niêm yết ban đầu, quy mô, thanh khoản còn khiêm tốn, nhưng sự kiện này đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển kinh tế - tài chính của đất nước.


Nhìn lại những ngày đầu, từ chỉ có 6 công ty chứng khoán thành viên, đến nay, tổng số công ty chứng khoán thành viên kết nối giao dịch đến HOSE là 78 công ty. Cùng với đó, năng lực tài chính của các công ty chứng khoán liên tục được nâng cao. Từ vốn điều lệ chỉ có vài tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng mỗi công ty, thì đến nay, nhiều công ty chứng khoán đã có vốn điều lệ vượt trên nghìn tỷ đồng. Theo số liệu tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của các công ty chứng khoán thành viên, có 45 công ty chứng khoán có mức vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, chiếm 57,7% tổng số công ty chứng khoán.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, ban đầu chỉ có 2 doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch (REE và SAM), thì đến cuối tháng 4/2025 có 391 mã cổ phiếu, 21 mã chứng chỉ quỹ (trong đó có 17 mã chứng chỉ quỹ ETF) và 201 mã chứng quyền có bảo đảm, tương ứng với 178,4 tỷ chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên HOSE. Các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE rất đa dạng về ngành nghề và quy mô, tập trung các doanh nghiệp lớn, đầu ngành với hoạt động kinh doanh ổn định.
Nhìn lại hành trình 25 năm hình thành và phát triển, một thị trường chứng khoán giao dịch tập trung tiên phong ra đời tại HOSE đã trở thành thị trường chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn nhất cả nước. Thanh khoản của thị trường đã gia tăng mạnh mẽ, từ khối lượng giao dịch bình quân/ngày trong năm 2000 chỉ có 55.497 chứng khoán tương ứng với giá trị giao dịch bình quân/ngày là 1,4 tỷ đồng, thì đến nay, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch bình quân/ngày lần lượt là 846 triệu chứng khoán và 18.936 tỷ đồng. Những phiên giao dịch trong tháng 7 này, giá trị giao dịch nhiều phiên đã vượt con số 30.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản tại HOSE - thuộc nhóm cao trong khu vực ASEAN.
Với việc Việt Nam có khả năng lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới, hứa hẹn sẽ mở rộng các kênh huy động vốn và thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy giá trị vốn hóa và thanh khoản trên thị trường.

16:14 28/07/2025