1% khác biệt trong tư duy của người giàu
TS. Bradley Klontz cùng cộng sự đã có được một bảng danh sách liệt kê 5 cách suy nghĩ và hành động “không giống ai” của những người đang sở hữu một nền tảng tài chính vững mạnh.
Mới đây, dựa vào kết quả một cuộc khảo sát được tiến hành trên 1.096 người sống ở Mỹ và đang sở hữu một nền tảng tài chính vững mạnh (có thu nhập hằng năm trên 370.000 USD – hơn 8,2 tỷ đồng, hoặc có giá trị tài sản ít nhất là 2,5 triệu USD – khoảng 55,7 tỷ đồng), tiến sĩ tâm lý học tài chính Bradley Klontz nhận thấy, những người này chỉ có 1% hành động và suy nghĩ khác với người bình thường - những người không có được sự tự do về tài chính như họ.
Phân tích chi tiết hơn về 1% khác biệt này, TS. Bradley Klontz cùng cộng sự đã có được một bảng danh sách liệt kê 5 cách suy nghĩ và hành động “không giống ai” của họ dưới đây:
1. Đối xử với tiền bạc
Những người sở hữu nền tảng tài chính vững mạnh không bao giờ đổ lỗi cho tiền bạc. Họ không tin rằng tiền là một thứ tạo ra những ảnh hưởng hư hỏng lên con người.
Họ không cho rằng người giàu có là những người tham lam, thường làm giàu bằng cách lợi dụng người khác, làm việc phi pháp hoặc tham ô hối lộ. Họ cũng không tin rằng con người sẽ sống đức hạnh hơn khi có ít tiền hơn.
Họ hiểu vai trò và giá trị của tiền bạc, thứ có thể vừa là “mặt gương” thăm dò nhân cách con người, để thấy được sự ti tiện của một nhân cách, đồng thời cũng vừa giúp họ thấy được mặt cao thượng của người đó. Với họ, sức mạnh của tiền bạc chỉ đứng ngay sau tôn giáo trong đức tin.
2. Niềm tin
Những người giàu có không bao giờ cảm thấy bất lực với việc đối phó những thách thức trong cuộc sống. Họ tin rằng luôn có giải pháp cho mọi vấn đề và giải pháp đó luôn luôn nằm trong tay họ. Vì thế họ có xu hướng kiểm soát mọi thứ xung quanh mình, ghét sự bất ngờ đồng thời luôn đứng ra nhận lãnh mọi trách nhiệm liên quan đến cá nhân họ trong cuộc sống.
Những người giàu có cũng tỏ ra rất tự tin vào khả năng đầu tư của mình. Họ luôn cho rằng sự nhạy bén, kiên trì và nhẫn nại của bản thân trước sau gì cũng đạt được “quả ngọt”, dù theo kết quả khảo sát của tiến sĩ Bradley Klontz, những người này đều ít nhất một lần phải đón nhận các thất bại “kinh hoàng” trong sự nghiệp.
3. Động lực
Tiền bạc và niềm đam mê là 2 thứ tạo ra động lực lớn nhất cho những người giàu có. Nếu đam mê không thể nuôi sống được họ thì có nghĩa là đam mê đó chưa đủ lớn. Còn nếu họ không làm việc vì đam mê của mình thì họ đang giống như những con robot, mất đi niềm hứng thú trong cuộc sống.
Vì thế, những người giàu có trong khảo sát của Bradley Klontz luôn lựa chọn hay đưa ra những quyết định giúp bản thân vừa có thể “chạy” theo đam mê, vừa có thể tạo ra sự giàu có cho chính họ.
4. Giá trị bản thân
Những người sở hữu nền tảng tài chính bền vững luôn có một niềm tin mãnh liệt, rằng giá trị của con người được xây dựng và khẳng định bằng giá trị tài sản, bằng số tiền mà anh ta đang sở hữu.
Không phải là bằng cấp, kiến thức hay học vị thể hiện trên những tờ giấy và những tấm bằng khen. Theo tiến sĩ Bradley Klontz, kiến thức nếu không thể tạo ra tiền bạc, với họ chỉ là kiến thức của loài vẹt, nhai đi nhai lại những thứ vô nghĩa.
Có một câu chuyện tiêu biểu cho suy nghĩ này, đó là về Henry Ford. Năm 1916, tờ báo Chicago Tribune đã đăng tải một số bài viết bôi bác người sáng lập nên tập đoàn xe Ford, rằng ông thực ra chỉ là một kẻ “vô chính phủ ngu dốt”. Henry Ford ngay sau đó đã kiện Chicago Tribune ra tòa vì sự phỉ báng này.
Trước tòa, luật sư của Chicago Tribune đã minh chứng sự ngu dốt về kiến thức lịch sử nước Mỹ của Henry Ford bằng một số câu hỏi về kiến thức cơ bản kiểu như ai là tổng thống trẻ nhất nước Mỹ, tổng thống đầu tiên của nước Mỹ là ai…
Henry Ford đã không trả lời chính xác được những câu hỏi này. “Điểm số” từ “bài kiểm tra” trên khiến Ford bị nhiều tờ báo ở Mỹ lúc bấy giờ gọi là “một trò cười”.
Về phần mình, Ford chứng tỏ kiến thức, kỹ năng, giá trị của mình thông qua những thương vụ kinh doanh trị giá hàng tỷ USD cùng sự lớn mạnh, sự phát triển không ngừng của hãng xe Ford bên cạnh sự tác động của nó đến kinh tế Mỹ. Ngoài ra, còn cả khối tài sản khổng lồ của ông lúc bấy giờ.
Cuối cùng, sau 10 giờ nghị án, hội đồng xét xử đã quyết định người giành phần thắng là Henry Ford.
5. Bảo vệ thành quả
Những người giàu có ít khi làm “sứt mẻ” tiền bạc của mình. Họ trân trọng tiền bạc cũng như trân trọng giá trị bản thân. Họ sẽ không cho phép những hành động tiêu xài quá mức, chi tiêu bốc đồng gây hao tổn công sức ấy.
Họ cũng rất thận trọng mỗi khi đưa ra quyết định liên quan đến tiền bạc. Họ thường suy nghĩ rất lâu trước khi đưa ra các quyết định đầu tư quan trọng. Họ vì vậy thường bị đánh đồng là những kẻ bủn xỉn, ki bo và keo kiệt ở một mức độ khác người thường.