10 lời khuyên tài chính vô giá từ Warren Buffett
Warren Buffet, nhà đầu tư huyền thoại của thế kỷ 20, đưa ra 10 lời khuyên tài chính hữu ích dành cho những ai mong muốn tiết kiệm hoặc đầu tư một cách hiệu quả hơn.
1. Tiêu tiền một cách khôn ngoan
Khi nói đến tiền bạc, bạn luôn cần phải chi tiêu khôn ngoan. Mọi người đều có thói quen tốn tiền vào chỗ này, chỗ kia và tìm cớ cho sự lãng phí đó. Bạn mua những thứ không thực sự cần thiết, lấy lý do kỷ niệm sinh nhật bản thân hoặc tự thưởng cho mình sau khi đạt thành tích nào đó. Nếu tiếp tục mua những thứ không cần thiết, tài chính của bạn sẽ tự gặp khó khăn, có thể phải bán chính món đồ mà bạn vừa bỏ tiền ra mua.
2. Tiết kiệm cho những sự kiện bất ngờ
Bạn nên dành riêng cho mình một khoản tiền tiết kiệm phòng trường hợp bất ngờ xảy ra. Hầu hết mọi người không tiết kiệm được nhiều tiền như họ tưởng. Do đó, họ dễ dàng bị những tình huống bất ngờ trong tương lai hạ gục. Để chuẩn bị cho quỹ khẩn cấp, ngay sau khi nhận tiền lương hàng tháng, bạn hãy ưu tiên trích riêng một khoản nhỏ tùy theo khả năng chuyển vào tài khoản riêng biệt.
3. Suy nghĩ lâu dài
Warren Buffett đã tuyên bố điều này trong nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau: "Tiền không phát triển chỉ trong một đêm". Mọi người thường đánh giá quá cao hoặc quá thấp về một giao dịch, khoản đầu tư hay tiết kiệm nào đó. Họ thường bỏ qua hoặc cảnh giác không cần thiết với những khả năng có thể xảy ra trong dài hạn và chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt. Trên thực tế, mục tiêu dài hạn rất quan trọng. Hãy suy nghĩ cho tương lai lâu dài của mình nếu bạn không muốn gặp rắc rối trong 10 năm, thậm chí là 30 năm sau.
4. Hạn chế những khoản vay mượn
Có những lúc cần thiết phải vay mượn nhưng bạn sẽ có một khoảng thời gian khó khăn hơn để tiết kiệm và độc lập về tài chính. Quá phụ thuộc vào thẻ tín dụng hoặc nợ làm tổn hại đến tài chính của bạn. Nếu bạn có nợ, hãy cố gắng thanh toán nó nhanh nhất có thể và tự tìm cho mình một hướng đi không vay mượn.
5. Không bao giờ đầu tư vào những gì không hiểu
Buffett còn khuyến cáo bạn không bao giờ nên đầu tư tiền bạc vào một doanh nghiệp hay ý tưởng mà chưa hiểu rõ. Điều này chỉ mang rắc rối tới bạn. Trong khi đó, sự hiểu biết đầy đủ có thể giúp bạn xác định rõ những rủi ro, hiệu quả tài chính trong tương lai mà phương án đó mang lại.
6. Nắm vững các vấn đề cơ bản
Bạn nên nắm rõ những điều cơ bản của đầu tư, kế toán để có hiểu biết về nơi chuẩn bị dấn thân vào. Hiểu biết cơ bản về tài chính sẽ giúp bạn tăng cường chắc chắn cho các quyết định đầu tư của bạn.
7. Chọn mua cổ phiếu không chỉ dựa trên yếu tố giá
Nếu bạn đang muốn đầu tư một khoản vào thị trường chứng khoán, điều quan trọng nhất là phải biết loại chứng khoán muốn mua. Buffett đã nhiều lần nói rằng: "Mua chứng khoán của một công ty tuyệt vời với giá hợp lý tốt hơn nhiều so với mua của công ty hợp lý với mức giá tuyệt vời". Nó có nghĩa là bạn nên mua một cái gì đó đáng giá trị của đồng tiền thay vì lựa chọn rẻ nhất.
8. Giá bán và giá trị là khác nhau
Có những thứ rất rẻ và chất lượng rất kém. Nhưng cũng có những thứ giá tiền bình thường lại mang giá trị sử dụng lớn. Giá bán chỉ là số tiền bạn phải trả cho món hàng trong khi giá trị thực sự nằm ở bên trong sản phẩm đó. Bỏ thêm chút tiền cho những sản phẩm bền lâu hơn hoàn toàn xứng đáng. Do đó, trước khi bạn mua bất kỳ thứ gì, hãy cân nhắc kỹ giữa giá bán và giá trị của nó.
9. Giữ một lối sống tiết kiệm, đơn giản
Buffett cũng đề nghị nên thực hiện lối sống đơn giản nếu bạn đang cố gắng để tiết kiệm tiền. Chi tiêu dựa trên một ngân quỹ được lên kế hoạch từ trước sẽ giúp bạn hạn chế lãng phí. Rất nhiều người muốn sống xa hoa, vượt quá khả năng tài chính của họ. Để bảo vệ chính mình, đừng tiêu quá khả năng tài chính bạn đang có.
10. Tránh ham muốn mua sắm
Trong thời đại hiện nay, nhiều người có xu hướng mua một vài món đồ nào đó chỉ vì họ thích, cảm thấy cần phải mua nó hoặc chỉ đơn giản là đang có khuyến mại, giảm giá. Ham muốn này có thể dẫn đến chồng chất nợ trong thẻ tín dụng, lãng phí cả tiền tiết kiệm của bạn. Do đó, trước khi đi ra ngoài mua sắm, bạn nên tự tạo một danh sách những món đồ cần mua, sau đó loại bỏ yếu tố ham muốn ra. Đó là một cách tốt để đánh giá lại thói quen mua hàng của bạn.