10 sai lầm tiền bạc bạn đang mắc phải
Mua sắm tùy hứng, thích đánh bài, ăn cơm hàng và không bơm căng lốp xe sẽ khiến bạn lãng phí rất nhiều tiền.
Hiện tại đã là quý cuối năm 2015. Và cũng như mọi cuộc chơi khác, sai lầm tại thời điểm chốt hạ có thể khiến bạn phải hứng chịu kết quả đau đớn gấp nhiều lần. Thi thoảng, bạn mắc lỗi trong việc đầu tư. Lúc khác, bạn lại gặp vấn đề về thói quen mua sắm, đặc biệt khi dịp nghỉ lễ cuối năm đang cận kề.
Dưới đây là những sai lầm tiền bạc mà bạn đang mắc phải, theoGObankingrates.
1. Dùng thẻ tín dụng vô tội vạ
Đây là thói quen của những người nghiện mua sắm, do việc thanh toán quá dễ dàng, nhất là khi họ thiếu tiền mặt. Tuy nhiên, thẻ tín dụng có thể khiến bạn rơi vào vòng xoáy nợ nần nếu không trả đúng hạn.
Tại Mỹ, một số hãng bán lẻ cũng phát hành thẻ tín dụng, nhưng với lãi suất khá cao. Kohl’s ra thẻ tính lãi 23,99% một năm. Còn Sears MasterCard thậm chí có lãi tới 25,24%.
2. Cố đoán điểm rơi trên thị trường chứng khoán
Khi chứng khoán tăng điểm, bạn có xu hướng cho rằng mình đủ thông minh để biết khi nào nên tham gia và khi nào nên rút. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, bạn gần như không thể lúc nào cũng làm việc này đúng thời điểm được.
"Bạn sẽ phải chọn đúng tới 2 lần - một lần ra, và một lần quay lại", Ken Weber - Chủ tịch hãng quản lý tài sản Weber Asset Management cho biết. Ông cũng là tác giả cuốn sách "Nhà đầu tư thân mến, anh đang làm cái quái gì thế?".
3. Bỏ qua đồ bị trả về hãng sản xuất
Rất nhiều hàng hóa bị trả lại vì lỗi của nhà sản xuất. Nhưng sự thật là, cũng có rất nhiều đồ bị trả vì những lý do ngớ ngẩn, như "Tôi không thích màu này", và chúng sau đó vẫn được nhà sản xuất kiểm tra lại kỹ càng.
Kyle Wiens - chuyên gia đồ điện tử tại iFixit.com luôn dành lời khen cho những đồ dùng như thế. Anh cho biết giá cả của chúng thường rẻ hơn ít nhất 15% so với hàng mới.
4. Trả đủ giá cho mọi thứ
Với sự xuất hiện của hàng loạt website mua hàng theo nhóm, và các phiếu ưu đãi của nhiều cửa hàng, chẳng có lý do gì để bạn phải mua đồ với 100% giá niêm yết cả. Hãy tận dụng những phiếu mua này để tiết kiệm tiền bất kỳ lúc nào có thể.
5. Không mua sẵn đồ cho năm 2016
Thời điểm tệ nhất để mua đồ chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm là một tháng trước đó. Và thời điểm tệ nhất để mua đồ mùa đông là vào đúng mùa đông. Vì vậy, sao bạn không mua quần áo cho hè năm tới vào năm nay đi, khi chúng đã "hết mùa" và các cửa hàng đang đồng loạt hạ giá để xả. Hãy mua đồ trước kỳ cao điểm, bạn sẽ nhận được giá hời đấy.
6. Mua tùy hứng
Bạn rất khó cưỡng lại được cảm giác muốn mua đồ khi nhìn thấy thứ ưng ý. Nhưng hãy nghĩ đến việc chúng có thực sự cần thiết hay không và nên lập kế hoạch trước khi đi mua sắm.
Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể mua nếu cơ hội xuất hiện, nhưng hãy chia đồ ra thành nhiều nhóm và phân ngân sách cho từng nhóm. Ví dụ, bánh gato nên được để vào nhóm "không quá cần thiết".
7. Chi nhiều tiền cho việc ăn ngoài
Dĩ nhiên, có rất nhiều món bạn không biết làm, hoặc bạn chẳng hề thích nấu nướng. Tuy vậy, hãy cân nhắc, vì việc đi ăn ngoài sẽ rút cạn túi tiền của bạn đấy. Ví dụ, mỗi tuần bạn đi ăn 5 lần, mỗi lần 15 USD. Tính cả năm, bạn sẽ chi 3.900 USD cho việc ăn hàng. Nhưng nếu chỉ ăn 2 lần thôi, bạn đã tiết kiệm được 2.340 USD rồi.
8. Không bơm lốp căng
Có rất nhiều sai lầm khi đi xe sẽ khiến bạn lãng phí tiền. Và đây chỉ là một cách mà thôi. Nghiên cứu FuelEconomy cho biết nếu bơm lốp hợp lý, số xăng tiêu thụ sẽ giảm đi.
9. Không phân biệt được nhu cầu và sự ham muốn
Mấu chốt của việc giảm chi tiêu lãng phí chính là đây. "Tôi rất ngạc nhiên khi nghe nhiều người nói rằng họ nghĩ làm móng, thuê thợ chăm vườn và giúp việc là điều cần thiết", Michael Chadwick - CEO Chadwick Financial cho biết.
10. Đánh bạc
Đánh bạc luôn là hoạt động hấp dẫn với nhiều người trên thế giới. Và nếu thắng, bạn sẽ có cả đống tiền. Nhưng hãy nghĩ xem, các casino ngày càng mọc lên nhiều đâu phải vì người thắng nhiều hơn người thua. Vì vậy, mỗi lần bước chân vào những nơi đó, hãy cân nhắc kỹ túi tiền của bạn.