10 sự kiện kinh tế thế giới "nóng" nhất năm 2018
Cùng điểm lại 10 sự kiện tiêu biểu được coi là có ảnh hưởng lớn đến quan hệ thương mại giữa các nước trên thế giới, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế khu vực và toàn cầu do Báo Công Thương bình chọn.
1. Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm, mở đường cho sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cuốn các nước vào cuộc chiến trả đũa thuế quan
Ngày 1/3/2018, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh tuyên bố áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu với các mức thuế suất lần lượt là 25% và 10%. Các mức thuế này được áp dụng với hầu hết quốc gia và có hiệu lực thực thi trong 15 ngày sau đó, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia theo Điều 232 của Đạo luật Thương mại Mở rộng năm 1962.
2. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 8/3 tại Chile, chấm dứt sự hoài nghi đối với sự tồn tại của hiệp định sau khi Mỹ rút khỏi TPP
Hiệp định CPTPP hay còn gọi là TPP-11, là hiệp định thương mại giữa 11 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP được hình thành chiếm tới 13,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, xấp xỉ 13,5 nghìn tỷ USD, đưa CPTPP trở thành khu vực thương mại tự do lớn thứ ba trên thế giới về GDP, sau khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu.
3. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với các đợt sóng thuế quan làm chao đảo thị trường thế giới
Cuộc chiến thương mại này đã manh nha từ tháng 8/2017 và đến ngày 6/7/2018, Mỹ chính thức áp thuế suất 25% đối với gói hàng hóa đầu tiên trị giá 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, "châm ngòi" cho cuộc chiến thương mại. Ngày 1/12, tại Argentina, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận "ngừng chiến" trong vòng 90 ngày, mở ra triển vọng giải quyết tranh chấp thương mại.
4. Sự thăng trầm của Brexit và con đường lịch sử của Anh khi rời khỏi Liên minh châu Âu
Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 25/11 đã ký kết Thỏa thuận Brexit với gần 600 trang văn kiện và tuyên bố chính trị 26 trang phác thảo mối quan hệ giữa Anh và EU sau Brexit. Nhưng Quốc hội Anh có phê chuẩn hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ, khi cuộc bỏ phiếu dự kiến tổ chức ngày 11/12 đã được hoãn lại do Thủ tướng Theresa May nhận thấy sự thiếu ủng hộ của các nghị viện Anh đối với thỏa thuận Brexit này.
5. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) "thêm một lần lỗi hẹn" trong năm 2018 và kỳ vọng kết thúc vào năm 2019
Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ hai được tổ chức ngày 14/11 tại Singapore đã ra tuyên bố nhấn mạnh các nước tham gia đàm phán đã có "tiến bộ đáng kể" và gia hạn thời gian hoàn tất hiệp định này vào năm 2019. Cho đến nay, trải qua 6 năm đàm phán, RCEP đã "lỗi hẹn" thêm một lần nữa khi không thể đạt được mục tiêu kết thúc đàm phán như mong muốn của các nước tại các tuyên bố cấp cao.
6. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị Cấp cao APEC không đưa ra được tuyên bố chung kể từ khi thành lập năm 1989
21 nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) đã tham dự Hội nghị Cấp cao ngày 17-19/11 tại Port Moresby ở Papua New Guinea. Tuy nhiên, hội nghị đã kết thúc mà không thể đưa ra được tuyên bố chung. Đây là thất bại lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm kể từ khi APEC được thành lập và làm dấy lên lo ngại về sự sụp đổ của trật tự thương mại đa phương mà APEC cố gắng bảo vệ.
7. Cuộc khủng hoảng của WTO và đòi hỏi tất yếu phải cải cách tổ chức này
Năm 2018 thực sự "bộn bề" với WTO khi phải giải quyết cuộc xung đột thương mại giữa các thành viên, đặc biệt là cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi động. Cơ chế cốt lõi của WTO là Cơ quan Phúc thẩm có vai trò đưa ra các phán quyết pháp lý nhằm giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thành viên, hiện đang đứng trước nguy cơ bị tê liệt khi Mỹ kiên quyết ngăn chặn bổ nhiệm các thẩm phán mới. Để cứu vãn tình thế, WTO thực sự cần phải cải cách vì có lẽ sau hơn 20 năm vận hành, nhiều quy tắc của WTO đã không còn theo kịp với thực tế thương mại thế giới.
8. Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực thực thi, mở đường cho sự trở lại của Mỹ và sự gia nhập của nhiều đối tác mới
Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 sau khi được phê chuẩn bởi ít nhất 50% số nước ký kết (tương đương 6 trên 11 nước), bao gồm Mexico (ngày 28/6), Nhật Bản (ngày 06/7), Singapore (ngày 19/7), New Zealand và Canada (ngày 25/10) và Australia (ngày 31/10). Quốc hội Việt Nam cũng đã phê chuẩn CPTPP ngày 12/11 và hiệp định có hiệu lực thực thi với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức cam kết cao về tự do hóa thương mại sâu sắc, CPTPP là bước tiến lớn mang lại cơ hội tiếp cận thị trường rất lớn cho các nước thành viên.
9. Sự trồi sụt của giá dầu thế giới và khả năng định hình lại cơ cấu quyền lực trên thị trường dầu mỏ
Năm 2018 chứng kiến sự dao động liên tục trên thị trường dầu mỏ thế giới. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ, các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đã có những động thái điều chỉnh sản lượng khi giá dầu đã giảm 22% trong tháng 11/2018, là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 10/2008. Cuộc cách mạng "đá phiến" đã đưa Mỹ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, vượt cả Nga và Ả rập Saudi, gia tăng khối lượng xuất khẩu, không còn phụ thuộc vào nhập khẩu.
10. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đã ký kết và làm mới các hiệp định thương mại tự do cho thấy, tự do hóa thương mại vẫn là xu hướng chủ đạo
Vào cuối tháng 9, Mỹ, Mexico và Canada đã đạt được thỏa thuận hiện đại hóa NAFTA thành một thỏa thuận tiêu chuẩn cao của thế kỷ 21 với việc ký kết Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) vào cuối tháng 11. Trong tháng 12, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã phê chuẩn hiệp định đối tác kinh tế giữa hai bên nhằm thiết lập một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới vào ngày 1/2/2019… Đây là những động thái cho thấy, xu hướng tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường vẫn là chủ đạo trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2018.