10 "tuyệt chiêu" giúp tiết kiệm điện ngày hè nắng nóng


Để giảm bớt gánh nặng về hóa đơn tiền điện tăng cao, bạn có thể tham khảo thêm những cách tiết kiệm điện dưới đây.

1. Điều hòa nhiệt độ

Đối với máy điều hoà nhiệt độ, điều đầu tiên là phải chọn loại máy phù hợp với cỡ phòng và số lượng người trong phòng. Nên mua loại máy điều hoà nhiệt độ có bộ điều chỉnh tự động bằng điện tử sẽ tiết kiệm cho bạn khoảng 30% điện năng.

Không nên đặt điều hoà ở nhiệt độ quá thấp. Nên đặt ở nhiệt độ khoảng 25oC. Không nên đặt điều hoà ở vị trí có ánh nắng chiếu. 

Bật điều hoà cùng với bật quạt. Điều này tưởng chừng như vô lí nhưng lại giúp chúng ta tiết kiệm từ 10 – 15% năng lượng tiêu thụ. Nguyên ngân do khi quạt chạy, không khí chuyển động, hệ số tản nhiệt lớn nên dù đặt nhiệt độ của máy điều hoà ở chế độ cao hơn, mọi người vẫn cảm thấy mát.

Không nên đặt máy ở gần tường, như vậy sẽ tiêu phí từ 20 - 25% điện năng. Nếu bạn vắng nhà trong khoảng 1h đồng hồ thì tốt nhất là nên tắt máy điều hòa đi.

Muốn không bị tốn điện, phải định kỳ làm vệ sinh lọc gió, bảo dưỡng máy không bị bụi. Thường xuyên lau chùi bộ phận lọc thì sẽ tiết kiệm được từ 5 - 7% điện năng.

2. Bịt kín ngôi nhà

Không khí lạnh thoát ra qua những lỗ hổng dù là rất nhỏ, vì thế, hạn chế những chỗ hở có thể giúp bạn tiết kiệm tiền điện. Hãy kiểm tra các cửa ra vào và cửa sổ khi bạn sử dụng điều hòa nhiệt độ để đảm bảo rằng không khí lạnh không bị thoát ra ngoài một cách lãng phí.

Bạn có thể lấp các lỗ hổng, các rãnh hở trên cửa bằng những miếng cao su dẻo có bán ở các cửa hàng đồ điện gia dụng. Hoặc sử dụng miếng đệm cao su để tránh không khí lạnh bị thoát ra ngoài.

Trồng cây trước các cửa sổ chắc chắn bạn sẽ mất vài năm để chờ cây lớn nhưng nó sẽ tạo bóng mát cho ngôi nhà và giúp giảm tiền điện.

3. Rút nguồn các thiết bị điện tử khi không sử dụng

Theo thống kê, rất nhiều thiết bị điện tử như máy tính, TV, dàn âm thanh,... vẫn sử dụng điện năng ngay cả khi đã tắt. Tuy con số này là không cao, nhưng hãy tính đến việc chúng tiêu tốn của bạn 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần trong suốt một thời gian dài.

Tại Mỹ, người ta ước tính các thiết bị tiêu tốn điện khi không sử dụng có thể chạm tới con số 100 USD tại mỗi hộ gia đình, và lên tới 19 tỉ USD mỗi năm trên toàn nước Mỹ theo thống kê vào năm 2016.

Để hạn chế điều này, hãy rút nguồn tất cả các thiết bị mà bạn không còn sử dụng, bao gồm cả những đồ vật mà chúng ta ít để ý tới như laptop, smartphone, iPad, quạt điện tử, lò vi sóng, và những thiết bị có bộ đếm giờ nói chung.

4. Sử dụng đèn LED thay vì đèn Compact để tiết kiệm điện

Đối với các thiết bị chiếu sáng, nên thay thế loại đèn sợi đốt có công suất lớn bằng loại đèn compact tiêu tốn ít điện năng, giúp công suất của mỗi bóng đèn giảm xuống 10-17W, tương đương với lượng điện năng tiêu thụ sẽ giảm 19-33%.

Về giá thì bóng đèn LED đắt hơn hẳn so với bóng đèn Compact do công nghệ đèn LED tiên tiến hiện đại hơn. Đây được coi là một trong các yếu tố khiến người tiêu dùng e ngại trong việc lựa chọn mua sản phẩm.

Tuy nhiên xét về lợi ích kinh tế lâu dài thì bóng đèn LED sẽ tiết kiệm hơn so với bóng đèn Compact bởi sử dụng đèn LED sẽ tiết kiệm năng lượng, giảm đáng kể chi phí tiền điện hàng tháng và các khoản chi phí sửa chữa, thay thế bóng.

5. Tắt bớt bóng đèn điện, hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng

Nếu muốn giảm bớt hóa đơn điện vào những tháng cao điểm, không điều gì hiệu quả hơn chính ý thức của người dân, khi chúng ta nên có trách nhiệm với các thiết bị điện trong nhà. Hãy tắt đồ điện tử khi không sử dụng, tắt bớt đèn khi trời sáng, tắt quạt và điều hòa vào sáng sớm để tận dụng gió mát đầu ngày.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng nên lưu ý việc che chắn cho căn phòng của mình vào những ngày nắng nóng. Có thể lắp mái/trần cách nhiệt, lắp cửa kính phản quang, hoặc dùng các biện pháp khác nhằm ngăn ánh nắng chiếu rọi trực tiếp vào phòng - khiến tăng mạnh nhiệt độ mà dù có bật điều hòa cũng không thể "tải" nổi.

6. Với việc sử dụng quạt điện

Cần chú ý đến diện tích và cấu tạo căn phòng để bố trí số lượng quạt cho hợp lý. Theo nguyên lý, dùng một quạt trần sẽ tiết kiệm điện hơn nhiều so với dùng nhiều quạt nhỏ khác.

Tuy nhiên, với cấu trúc căn nhà không thể dùng duy nhất quạt trần, phải dùng đến quạt bàn. Nếu vậy chúng ta không nên chọn loại quạt có kết cấu động cơ gọn, nhẹ, dùng ít vật liệu thì nóng hơn, hiệu suất sẽ kém hơn, điện năng tiêu hao cũng nhiều hơn.

Nên lau chùi định kỳ, vệ sinh quạt bằng cách cho dầu vào ổ trục và cho mỡ mới vào hộp số quạt (tuốc năng), kiểm tra điện áp định mức của thiết bị xem có phù hợp xem có phù hợp với điện áp lưới điện trong gia đình bạn hay không…

7. Đối với tủ lạnh 

Khi sử dụng tủ lạnh phải luôn kiểm tra gioăng để tủ lạnh không bị hở, vì bị hở không chỉ các đồ trong đó có nguy cơ bị hỏng mà còn tiêu tốn một lượng điện năng, Ngoài ra, cần tuyệt đối không cho đồ ăn nóng vào tủ lạnh, mà phải để nguội hẳn mới cho vào; không nên đóng mở tủ liên tục với thời gian lâu; không đặt tủ lạnh sát tường để nhiệt độ dàn nóng dễ dàng toả ra ngoài, khoảng cách ở cả 3 phía với tường không nên dưới 5-10 cm; không để tủ lạnh gần bếp và lò sưởi, không đặt tủ lạnh ở nơi có ánh sáng chiếu vào, luôn điều chỉnh độ lạnh ở vị trí trung bình.

8. Với máy giặt

Máy giặt là một trong những thiết bị tiêu thụ điện năng khá cao. Trước khi sử dụng phải tìm hiểu một cách kỹ lưỡng cách sử dụng. Đảm bảo lắp đặt và cách sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi giặt, phải thu gom hết đồ cần giặt, phân loại đồ giặt theo mầu sắc, chất liệu vải, mức độ bẩn, lượng quy định với độ giặt cùng loại.

Một lần giặt như vậy sẽ đạt hiệu quả cao, đỡ tốn điện, nước, xà phòng và thời gian. Không tăng trọng lượng đồ giặt quá mức quy định. Đặc biệt, phải lưu ý tắt điện ngay sau khi không sử dụng. Quên tắt điện sẽ dẫn đến hư hỏng thiết bị hoặc tiêu thụ điện một cách vô ích. 

9. Với bàn là điện

Nên sử dụng bàn là có công suất 1kW là tốt nhất. Sử dụng loại bàn là có đặt điều chỉnh nhiệt độ vì sẽ tiện lợi trong sử dụng và tiết kiệm được điện.

Khi sử dụng, nhớ giữ bàn là thật bóng, sạch để đảm bảo dẫn nhiệt nhanh, vừa đỡ tốn điện, vừa hiệu quả tốt hơn.

10. Đối với bình đun nước nóng 

Vật dụng này cũng là một trong những vật dụng tiêu thụ điện năng nhiều nhất đối với hộ gia đình. Bởi thế, luôn điều chỉnh bình đun nước nóng ở nhiệt độ trung bình, máy sẽ sử dụng bền hơn và không nên đóng điện suốt ngày.

Khi tắm, mùa hè chỉ đun trong vòng 5-10 phút và mùa đông từ 15-20 phút là vừa. Cạnh đó, phải lắp đặt bộ tự động để tự động cắt các bình đun nước nóng ra khỏi lưới khi không sử dụng trong một thời gian nào đó, và nhớ lắp thêm vỏ bọc để hạn chế sự thất thoát nhiệt ở hệ thống đun nước nóng.

Hi vọng với bài này sẽ giúp tất cả mọi người chúng ta hiểu rõ hơn về cách sử dụng điện một cách tiết kiệm nhất.