10 yếu tố nổi bật ảnh hưởng của dịch nCoV đến nền kinh tế toàn cầu
Trước tình hình dịch bệnh do chủng vi rút corona mới (2019-nCoV) đang ngày càng lây lan nhanh chóng và có thể đạt đỉnh vào tháng 2/2020, nhiều chuyên gia nhận định, hậu quả về địa chính trị cũng như kinh tế của đại dịch sẽ vô cùng lớn. Hậu quả của dịch 2019-nCoV gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của nền kinh tế thế giới, trong đó bao gồm các hoạt động của ngành du lịch biển, sản xuất ô tô cũng như ngành hàng không thế giới…
1. Số ca nhiễm mới trên thế giới tăng
Tính đến ngày 14h00 ngày 8/2, số ca nhiễm mới lại tăng, thế giới đã ghi nhận 34.909 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của và 724 trường hợp tử vong, trong đó có 1 công dân Mỹ tại Trung Quốc.
2. Dự báo nền kinh tế nhiều nước sẽ chịu tác động
Tờ Financial Times dẫn dự báo của Goldman Sachs cho rằng GDP toàn cầu sẽ giảm mức tăng trưởng ít nhất 0,1 - 0,2% trong năm 2020 nếu mức độ lây lan chậm lại đáng kể trong tháng 2 và tháng 3 nhờ các biện pháp quyết liệt của Trung Quốc.
Theo đó, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 3,25% trong năm nay so với 3,1% trong năm ngoái. Kịch bản nghiêm trọng hơn, dựa trên khả năng dịch bệnh chưa đạt đỉnh trong quý 1, dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 0,3% so với mức tăng dự kiến. Goldman Sachs dự báo thiệt hại chủ yếu xảy ra trong quý 1, ảnh hưởng đến 2% trong tăng trưởng toàn cầu trong đó 1% từ nền kinh tế Trung Quốc.
Dự báo nền kinh tế nhiều nước sẽ chịu tác động do Trung Quốc giảm nhu cầu tiêu thụ và mức chi của du khách Trung Quốc ở nhiều nơi cũng giảm, đáng chú ý nhất là tại Hồng Kông và Thái Lan.
3. GDP Trung Quốc giảm từ 0,5-1%
Economist Intelligence Unit (EIU) – cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist ước tính, vi rút 2019-nCoV có thể làm GDP Trung Quốc giảm từ 0,5 đến 1%.
4. Hàng không trên thế giới tê liệt
Hiện có khoảng hơn 20 hãng hàng không trên thế giới đã hoãn hoặc thậm chí đình chỉ các chuyến bay tới Trung Quốc và một số các quốc gia khác.
Hãng hàng không Cathay Pacific, Hồng Kông (Trung Quốc) đã yêu cầu 27.000 nhân viên nghỉ không lương 3 tuần. Hãng này cũng cho biết tình hình hiện nay đang nghiêm trọng tương tự giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009.
Bên cạnh đó, cũng lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút 2019-nCoV, hai hãng hàng không American Airlines và United Airlines của Mỹ ngày 4/1 thông báo sẽ dừng mọi chuyến bay đến và đi từ Hồng Kông (Trung Quốc) cho đến ngày 20/2 tới.
5. Ảnh hưởng đến du lịch, thiệt hại nhất là hàng xa xỉ
Với việc Bắc Kinh đình chỉ toàn bộ các hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài, kể từ ngày Chủ Nhật 28/01/2020, tác động đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch Trung Quốc là rất rõ ràng. Trước hết là các nước láng giềng châu Á, như Thái Lan (10,5 triệu du khách năm 2018), Nhật Bản (8,4 triệu), Hàn Quốc (5 triệu), Việt Nam (5 triệu), Singapore (3,4 triệu), Malaysia (2,9 triệu)… không kể Hồng Kông (49 triệu). Chi phí của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài hàng năm ước tính khoảng 130 tỉ đô
6. Doanh nghiệp toàn cầu chống đỡ
Với sức mạnh và vị trí kinh tế của Trung Quốc trong mối quan hệ của chuỗi cung ứng toàn cầu, 2019-nCoV đang gây ra những tác động nhất định đến các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này buộc các doanh nghiệp phải có các biện pháp ứng phó kịp thời trong bối cảnh Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến ít nhất ngày 10/2 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác trên thế giới cũng đang phải chịu những tác động từ dịch bệnh do 2019-nCoV như Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus, hãng sản xuất đồ thể thao Nike, Adidas.
7. Cổ phiếu châu Á lao đao khi dịch 2019-nCoV diễn biến phức tạp.
Chứng khoán châu Á lao dốc trong ngày 7/2 do nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh viêm phổi diễn biến phức tạp khi số ca tử vong do dịch 2019-nCoV vượt con số 600.
Cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc đi ngang sau khi giảm mạnh ở phiên giao dịch sáng, trong đó chỉ số tổng hợp Thượng Hải nhíchh nhẹ 0,33%, đóng cửa ở mức 2.875,96. Chỉ số thành phần Thâm Quyến tăng nhẹ lên 10.611,55 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp Thâm Quyến cộng 0,49% lên 1.735,63 điểm.
Các chỉ số chính của chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, trước khi phục hồi chậm trong các phiên tiếp theo. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng giảm 0,5% trong phiên giao dịch chiều 7/2.
Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, Nikkei 225 đã quay đầu hạ 0,19% xuống 23.827,98 điểm, trong khi đó chỉ số Topix giảm 0,28% xuống 1.732,14 điểm.
Chỉ số KOSPI của chứng khoán Hàn Quốc cũng mất 1,02%.
8. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới các nhà sản xuất máy bay, tiêu biểu là Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus. Ngày 5/2, hãng này thông báo đóng cửa nhà máy tại Thiên Tân, Trung Quốc do lo ngại nguy cơ lây lan chủng mới virus corona. Hiện Airbus không thông báo thời gian nhà máy này sẽ hoạt động trở lại. Nhà máy ở Thiên Tân vốn là cơ sở sản xuất đầu tiên của Airbus ở ngoài châu Âu.
Nhiều hãng sản xuất ôtô toàn cầu cũng đã tạm ngừng sản xuất tại Trung Quốc, danh sách này bao gồm Ford, Tesla, PSA Group, Honda và Nissan.
Hãng Apple mới đây cho biết sẽ đóng cửa các cửa hàng và văn phòng tại Trung Quốc. Theo đó, đến ngày 9/2, ảnh hưởng đến khoảng 10.000 nhân viên tại nước này. Hãng Levi Strauss & Co. (Mỹ) hồi tháng 10.2019 mở cửa hàng lớn nhất Trung Quốc tại Vũ Hán, và là một trong nhiều thương hiệu lớn phải tạm dừng hoạt động hàng ngàn cửa hàng tại nước này, trong đó có McDonald và Starbucks.
9. Trung Quốc bơm hàng tỉ USD vào hệ thống tài chính
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm hàng tỉ USD vào hệ thống tài chính nhằm phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư. Theo các nguồn tin, giới chức Trung Quốc có thể tiếp tục tăng thêm khoản chi này, giảm thuế và trợ cấp các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như bán lẻ, giao nhận, giao thông và du lịch.
10. Dầu mỏ sụt giá mạnh
Dầu mỏ là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ nhất của dịch virus corona mới. Giá dầu trên thị trường thế giới hôm 27/01 xuống đến mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2019. Kể từ khi dịch virus corona có thể lây từ người sang người được chính thức công bố, ngày 22/01/2020, giá dầu trung bình giảm từ 65 đô la/baril xuống còn 59 đô la, tức mất gần 10%, chỉ trong vào 8 ngày.
Nhu cầu dầu thô giảm kéo theo giá giảm 16% kể từ khi Trung Quốc công bố dịch 2019-nCoV khiến Ả Rập Xê Út triệu tập cuộc họp khẩn cấp của nhóm OPEC và cân nhắc giảm sản lượng.