15 quyết định tài chính sáng suốt của các triệu phú
Ai cũng biết triệu phú có những thói quen, phẩm chất và cách nghĩ khác người bình thường, đặc biệt là trong cách quản lý tiền bạc. Dưới đây là 15 yếu tố giúp họ luôn sáng suốt trong các quyết định tài chính.
Không bốc đồng
Hầu hết mọi người đều có những quyết định nóng vội khi mua hàng. Ngược lại, triệu phú luôn biết cách kiềm chế cám dỗ và trì hoãn lại sự thỏa mãn từ việc mua sắm.
Vào những năm 1960, tiến sĩ Walter Mischel đã thực hiện một nghiên cứu về vấn đề này. Ông đưa một nhóm trẻ mẫu giáo mỗi đứa một chiếc kẹo dẻo và cho phép chúng ăn bất cứ khi nào chúng muốn. Nhưng nếu chúng có thể đợi tới khi người lớn về mới ăn thì sẽ được thêm 2 chiếc nữa. Nhiều năm sau, kết quả là những đứa trẻ nhịn được không ăn kẹo có cơ thể khỏe mạnh hơn, tỷ lệ nghiện và ly hôn thấp hơn cũng như điểm SAT cao hơn.
Phân biệt được muốn và cần
Chúng ta đều có những lúc muốn mua nhà, xe hay giày mới. Nhưng liệu chúng có cần thiết? Có xe mới thì cũng oách thật đấy, nhưng bạn có thật sự cần nó như vậy không? Thay vì tiêu tiền vào những thứ không thực tế, triệu phú thường dành chúng cho những nhu cầu thiết yếu có thể giúp họ tích lũy tài sản.
Tập trung vào mục tiêu dài hạn
Triệu phú Timon Sykes từng nói: “Mục tiêu dài hạn là động lực mạnh mẽ giúp ta nhìn xa trông rộng và hiểu được cần dành thời gian hiện tại vào việc gì. Những gì bạn đang làm cần phục vụ cho mục tiêu dài hạn, nếu không thì đã đến lúc bạn phải thay đổi. Hãy chắc chắn bạn đang những việc có thể giúp ích cho mình trong tương lai".
Có nhiều nguồn thu nhập
Sau khi đã tạo được nguồn tài chính ổn định, triệu phú luôn tìm thêm những cách khác để kiếm tiền, bởi họ hiểu rằng nguồn thu nhập chính rất có thể sẽ cạn kiệt. Để tránh điều đó xảy ra, họ luôn đảm bảo mình có thêm những nguồn thu dự phòng.
Đầu tư tự động
Có nhiều cách đầu tư đơn giản, như tự động khấu trừ tiền lương hàng tháng để chuyển vào tài khoản lương hưu. Triệu phú đầu tư thường xuyên tới mức nó đã trở thành một thói quen, họ biết khi nào và làm thế nào để tận dụng mọi cơ hội.
Chi tiêu theo ngân sách
Nắm rõ tình hình ngân sách giúp triệu phú kiểm soát được lượng tiền ra vào, từ đó đặt ra kế hoạch chi tiêu đúng đắn và loại bỏ những khoản phí không cần thiết.
Dự phòng
Triệu phú luôn ý thức được rằng sẽ luôn có những thời kỳ khó khăn, như chẳng may mất việc hay người thân qua đời. Thay vì phải đi vay mượn, họ luôn có sẵn một khoản để xoay xở cho tới khi mọi chuyện ổn thỏa.
Chỉ đầu tư vào những gì mình hiểu rõ
Đây là lời khuyên từ Warren Buffett và nhà đầu tư chứng khoán huyền thoại Peter Lynch. Các triệu phú luôn nắm rõ cách tạo doanh thu và khả năng sinh lời, cơ hội và rủi ro của đối tượng mình nhắm vào.
Theo dõi chi tiêu
Hãy bắt đầu quan tâm tới chi tiêu hàng ngày, hàng tháng hay thậm chí là hàng năm của mình, rồi bạn sẽ nhận ra mình đang phung phí cho những thứ không cần thiết hoặc đáng ra có thể mua với giá tốt hơn.
Chi tiêu dưới mức cho phép
Warren Buffett vẫn sống tại ngôi nhà giá 31.500 USD mua từ năm 1958, dù hoàn toàn có khả năng tậu một chiếc biệt thự, nhưng ông chọn cách tiết kiệm tiền cho những thứ cần thiết thay vì đồ xa xỉ.
Sẵn sàng hy sinh
Triệu phú sẵn sàng hy sinh những thứ vui hiện tại để phục vụ cho tương lai. Với họ việc lái một chiếc Hyundai Sonata đời 2006 trong khi có hàng triệu USD cũng chả vấn để gì cả.
Không nợ nần
Triệu phú không vay mượn và luôn tránh xài thẻ tín dụng nếu không có đủ tiền trong tài khoản, trừ khi là để đầu tư hay khởi nghiệp. Nói cách khác, họ chấp nhận không tiêu nếu không có.
Tìm kiếm lời khuyên
Triệu phú biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình. Thay vì tiêu tốn thời gain tiền bạc để cố gắng khắc phục điểm yếu, họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, nhất là trong vấn đề quản lý tài chính. Kế toán viên hoặc cố vấn tài chính là nơi họ nhờ đến khi cần một lời khuyên.
Tự học
Giáo dục chính quy không phải là tất cả. Bill Gates, Mark Zuckerberg và Amancio Ortega đều thành công dù không có bằng đại học. Người thành công luôn biết cách tự học để trau dồi kiến thức chuyên môn.
Tính toán trước khi quyết định
Hãy luôn “cân đong đo đếm” trước bất kỳ một quyết định tài chính nào. Chẳng hạn như khi cần sửa xe, triệu phú luôn so sánh chi phí sửa chữa với chi phí mua xe mới, và chọn cái nào hiệu quả hơn.