2 quy tắc cần chú trọng khi kinh doanh trên mạng
Trong báo cáo mới đây về vấn đề an ninh mạng, được trung tâm nghiên cứu Raconteur thực hiện, hiện nay nền kinh tế internet trên thế giới đang tạo ra 2-3 ngàn tỉ USD mỗi năm.
Đặc biệt, với tốc độ phát triển không ngừng của internet (theo công ty tư vấn PwC, đến năm 2020, thế giới “ảo” sẽ đến gần hơn với thế giới “thực”, khi 52% dân số thế giới có thể kết nối với internet bằng cách sử dụng các công cụ khác nhau như điện thoại thông minh, máy tính bảng…), sự mở rộng của kỷ nguyên máy tính, của điện thoại thông minh, hay sự lên ngôi của mạng xã hội, của thương mại điện tử… thì trong tương lai, việc kinh doanh trên internet, kinh doanh trong thế giới ảo, sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Và trong thế giới internet ấy, tồn tại rất nhiều chuẩn mực, vấn đề, quy tắc… rất khác so với thế giới thực. Dưới đây là 2 trong số nhiều quy tắc đang trở thành xu hướng của kinh doanh qua mạng được trang Harvard Business Review đề cập nhằm giúp thương hiệu có thể phát triển tốt hơn trong thế giới internet rộng lớn:
Quy tắc so sánh, khi thị trường tràn ngập thông tin
Theo Niraj Dawar, giáo sư đang giảng dạy marketing tại Trường Đại học Ivey Business School (London, Anh), cũng là người thường xuyên có những nghiên cứu, đánh giá được đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Marketing Letters, Journal of Consumer Psychology, Harvard Business Review… thì kỷ nguyên internet khiến cho thương hiệu khó xác định thực sự khách hàng đang nghĩ gì trong đầu cũng như khó tác động vào suy nghĩ của họ hơn trước kia.
“Khách hàng ngày nay có hàng triệu thông tin để đọc, so sánh và đắn đo. Nếu ngày trước, thương hiệu chỉ cần chi tiền vào việc thực hiện các mẫu quảng cáo, rồi phát đi phát lại chúng trên các phương tiện truyền thông, thì nay, thương hiệu sẽ cần làm nhiều hơn thế. Thương hiệu cần sản phẩm tốt, dịch vụ tận tình, chương trình ưu đãi hấp dẫn, tránh xa bê bối, tạo được thiện cảm, tránh nhàm chán… Và chính vì thế, việc gầy dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu, trong thế giới internet, đang trở nên ngày càng khó khăn”.
Hãy lấy ví dụ trong ngành thương mại điện tử. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi các giáo sư Bart Bronnenberg (Đại học Tilburg, Hà Lan), Jun Kim (Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, Trung Quốc), Carl Mela (Đại học Duke, Mỹ), từ lịch sử duyệt web và mua sắm của hơn 2 triệu người trong vòng 3 tháng, thì đa số người mua hàng online sẽ mất một tháng chỉ để tìm kiếm các món hàng, xem đi xem lại các chỉ số, đánh giá, nhận xét, so sánh qua lại… rồi mới quyết định mua. Trung bình, một khách hàng sẽ tìm kiếm thông tin của khoảng 3 thương hiệu và 6 mẫu hàng khác nhau.
Cũng theo một kết quả nghiên cứu khác của Công ty BigCommerce, dựa trên việc khảo sát 1.000 người mua hàng qua mạng ở Mỹ, thì giá cả, chi phí vận chuyển, tốc độ vận chuyển, mức độưu đãi giảm giá, giá trị thương hiệu, tính bảo mật, độ tin cậy, chính sách đổi trả sản phẩm, lời khuyên từ bạn bè… là những yếu tố quan trọng hàng đầu để họ cân nhắc trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Đứng cuối cùng trong danh sách so sánh này của những người được khảo sát, mới là thông điệp của chiến dịch quảng cáo cũng như sự lan tỏa của chúng trên các phương tiện truyền thông.
Để “đối phó” với quy tắc này, thương hiệu có thể sử dụng nhiều loại công cụ, một trong số đó là hình thức marketing tương tác. Hiểu đơn giản, đây là hình thức marketing giúp thương hiệu có thể tương tác trực tiếp với người dùng, tạo ra sự đồng cảm, sự kết nối về mọi mặt, từ sản phẩm, chính sách, dịch vụ, đến đường hướng phát triển, triết lý kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp… thông qua những công cụ mạng xã hội.
Một ví dụ về sự thành công cho phương pháp này là Nike, với dòng sản phẩm Nike FuelBand (đo mức năng lượng được người dùng đốt cháy mỗi ngày). Để phát triển dòng sản phẩm này, Nike xây dựng mạng xã hội Nike+. Người dùng qua đó có thể cập nhật số năng lượng được đốt cháy hằng ngày lên tài khoản Nike+ của mình, theo dõi, so sánh vị trí của họ trên bảng xếp hạng với bạn bè, thần tượng, vận động viên chuyên nghiệp… Chiến dịch marketing này của FuelBand đã đoạt cùng lúc hai giải cao nhất tại Liên hoan Quảng cáo Cannes Lion và giúp Nike+ hiện có hơn 43 triệu người dùng trên toàn thế giới.
Quy tắc an ninh, cách để thương hiệu khẳng định giá trịTheo một khảo sát mới đây được Công ty IBM thực hiện bằng cách phỏng vấn 700 CEO đến từ 28 quốc gia về vấn đề bảo mật thông tin, có 68% cho rằng vấn đề an ninh mạng trong thời điểm này là vấn đề được họ quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Theo đó trung bình mỗi năm, các thương hiệu trên thế giới phải bỏ ra từ 400-500 tỉ USD để xây dựng hệ thống an ninh, tránh sự tấn công của hacker, virus phá hoại.
Sở dĩ vấn đề an ninh mạng ngày nay trở nên quan trọng như vậy là vì nó không chỉ giúp thương hiệu cũng như khách hàng bảo vệ tiền bạc, thông tin, mà còn giúp thương hiệu chiếm được lòng tin, tạo chỗ đứng trong lòng khách hàng. Bởi sẽ chẳng ai có thể tin tưởng và đánh giá cao một thương hiệu nếu nó quá dễ dàng bị… hack.
Vì vậy, không chỉ CEO mà các CMO (giám đốc marketing) ở nhiều thương hiệu ngày nay, khi xây dựng các chiến dịch marketing, cũng buộc phải kết hợp chặt chẽ với CIO (giám đốc công nghệ thông tin) để khai thác tối đa lợi ích, chức năng, vai trò của hệ thống bảo mật thông tin mà thương hiệu đang sở hữu.
Ví dụ, nếu thương hiệu thể hiện sự cố gắng trong việc phát triển các hệ thống bảo vệ an ninh mới, tối tân hơn, dù chưa biết có thành công hay không, thì cũng đã được khách hàng đánh giá rất cao. Cụ thể, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Công ty PSFK Lab và Công ty MasterCard, có đến 95% khách hàng được hỏi nói rằng họ mong đợi ngân hàng hay các định chế tài chính của họ sẽ phát triển những công nghệ mới, hiện đại hơn để giữ thông tin tài chính của họ an toàn và bảo mật, dù họ cũng không mấy quan tâm đến việc tìm hiểu xem công nghệ đó thực sự hoạt động ra sao, mức độ bảo mật cụ thể sẽ như thế nào.