2015: hậu QE
(Tài chính) Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chính thức chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng, còn gọi là QE3. Động thái này được đánh giá sẽ các gợn sóng trong nền kinh tế toàn cầu vào năm 2015.
Với tổng cộng ba gói cứu trợ, trong sáu năm qua FED đã tung vào thị trường khoảng 4.400 tỷ USD để mua lại các trái phiếu dài hạn có liên quan tới thế chấp để giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp nhằm thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế.
Để đi tới chấm dứt toàn bộ chương trình này, trong vòng một năm qua FED đã từng bước cắt giảm gói QE3 từ mức 85 tỷ USD/tháng xuống 15 tỷ USD trong tháng 10 vừa qua. Việc triển khai QE3 từng gây nhiều tranh cãi khi một số ý kiến cho rằng nó làm gia tăng nguy cơ bong bóng trên thị trường tài chính Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh tế lại tin rằng QE3 đã giúp vực dậy kinh tế Mỹ.
Theo đánh giá, QE3 và giữ lãi suất ở mức siêu thấp, gần bằng 0%, rõ ràng đã tác động tích cực lên nền kinh tế Mỹ: giúp tăng lượng tiền trong lưu thông, lãi suất giảm siêu thấp tới mức gần 0%, từ đó giúp các tập đoàn và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng. Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng ngoài dự kiến. Ngoài việc tăng cường thanh khoản, sự nới lỏng định lượng cũng đã làm giảm lãi suất của Mỹ xuống tới các mức thấp kỷ lục. Nhưng thay vì gây ra một sự tăng đột biến về lạm phát như nhiều người đã lo sợ, một số nguồn tiền này đã bắt đầu tuôn vào các quốc gia có mức lời cao. Bà Catherine Mann, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển cho rằng các thị trường mới nổi được hưởng lợi của sự tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư. Trong số các quốc gia hưởng lợi có các nước thuộc khối BRICS - gồm có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Ở cấp độ quốc tế, QE3 đã làm nức lòng giới đầu tư toàn cầu, khiến họ không ngần ngại đổ tiền ra mua tài sản, tạo ra một đợt sóng mới trên các thị trường từ hàng hóa cho tới chứng khoán, làm dấy lên hy vọng và củng cố niềm tin vào tương lai kinh tế Mỹ. Từ châu Âu đến châu Á đều chứng kiến xu hướng đi lên trên các sàn giao dịch.
Vì thế, việc Nhà Trắng chấm dứt các gói hỗ trợ này sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới hệ thống tài chính toàn cầu vốn phụ thuộc vào nguồn cung USD dồi dào với giá rẻ. Chấm dứt QE3 đồng nghĩa với lãi suất tăng, đe dọa các doanh nghiệp cần tiền và tác động mạnh đến thị trường giao dịch vàng, dầu thô, chứng khoán toàn cầu và thị trường các nước đang phát triển.
Trong khi hầu hết các chuyên gia nói rằng chương trình mua cổ phiếu hàng loạt đã giúp ổn định nền kinh tế Mỹ, việc này cũng đã đưa hàng tỷ USD vào các nền kinh tế mới nổi. Nhưng vào lúc năm 2014 sắp khép lại, khi lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ tăng cao trong năm tới, một số nguồn tiền này sẽ bắt đầu quay trở lại Mỹ.
Chia sẻ quan điểm này, bà Mann nhận định, một đồng USD mạnh hơn sẽ làm cho các mặt hàng xuất khẩu của nước ngoài rẻ hơn. Mặt khác, nó dường như cũng sẽ tạo ra độ bất ổn định tăng cao, sự lên xuống trong các thị trường tài chính. Ông Mahamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính Allianz cho biết, sự bất ổn định lại trở lại thị trường ngoại hối vì nền kinh tế đang đi từ một thế giới của dịch vụ ngân hàng trung ương đa tốc độ sang dịch vụ Ngân hàng Trung ương đa nhánh. Trước đây mọi người cùng làm giống nhau, chỉ là ở mức độ khác nhau. Giờ đây có 2 ngân hàng trung ương đang giảm tốc độ: đó là ngân hàng trung ương của Anh - BoE - và FED, và chúng ta có 2 ngân hàng trung ương khác đang tăng tốc: đó là Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Các chuyên gia lo ngại việc chấm dứt gói QE có thể gây ra các hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế thế giới, đặc biệt là thị trường của các nước đang phát triển. Thực tế này chỉ ra mặt trái của sự tương hỗ lẫn nhau giữa các nền kinh tế trên thế giới. Rõ ràng, trong một thế giới toàn cầu hóa, khi các nước ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau, thì đi kèm với đó là sự phụ thuộc về chính sách và những hệ lụy. Ở trường hợp cụ thể này, các hệ lụy sẽ lộ diện vào năm sau.