2015 kinh tế nước ta hội nhập thế nào
(Tài chính) Năm 2015 nền kinh tế nước ta sẽ hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Những nỗ lực đàm phán, hội nhập sẽ mở ra các thị trường xuất khẩu rộng lớn cho hàng hóa do nhiều dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống 0%. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị như thế nào để khai thác các cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu?
Thế nhưng, đi kèm với cơ hội luôn là thách thức. Bởi Hiệp định thương mại tự do ký kết với EU và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược Thái Bình Dương đều yêu cầu quy định xuất xứ từ vải, có nghĩa là các sản phẩm Việt xuất khẩu vào những thị trường này muốn được hưởng thuế suất 0%, thì phải có vải sản xuất từ nước ta hoặc là các quốc gia thành viên trong TPP. Và điều mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nhất là hàng rào kỹ thuật với những quy định khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; các biện pháp phòng vệ thương mại như chống trợ cấp, chống bán phá giá… Doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường các quốc gia này, không có cách nào khác là phải vượt qua.
Để khắc phục khó khăn và tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định này, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhận Nguyễn Xuân Hàn cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thuật của những hàng rào được quốc gia nhập khẩu đưa ra và xác định phương hướng hoạt động phù hợp. Sự cạnh tranh luôn tồn tại khi ra thị trường thế giới, nên doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng đối mặt, sản xuất những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để tránh các hàng rào đã được lập ra - ông Nguyễn Xuân Hàn nhấn mạnh.
Đúc kết kinh nghiệm sau 8 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chuẩn bị đón nhận các FTA, TPP với những khu vực thị trường quan trọng sắp được ký kết, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các doanh nghiệp cần hiểu, bản chất của sự hội nhập không phải là mở cửa thị trường vô điều kiện. Thực tế, dù các quốc gia này mở cửa thị trường bằng việc giảm thuế nhập khẩu, nhưng nếu doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường quá tỷ lệ nhất định (thông thường là 8%), thì họ sẽ bắt đầu báo động. Các doanh nghiệp trong nước họ cảm thấy đối thủ Việt Nam cạnh tranh, đe dọa, thì sẽ bắt đầu dùng các biện pháp kỹ thuật, như đóng gói bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe. Nói cách khác, doanh nghiệp trong nước không nên ảo tưởng về sân chơi bình đẳng. Và nếu doanh nghiệp không biết rào cản, không biết luật, không làm theo, khôn khéo, thì sẽ vướng mắc. Đặc điểm này đòi hỏi doanh nghiệp phải liên kết trong hiệp hội, biết luật pháp để làm theo đúng chuẩn mực, đừng rơi vào bẫy.
Sau 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã xuất khẩu đến 220 nền kinh tế trên thế giới. Trong thời gian này, kinh tế thế giới trải qua khủng hoảng trầm trọng, nhưng xuất khẩu của nước ta liên tục tăng và đã tăng 13 bậc, theo xếp hạng của WTO, xuất khẩu chiếm tới 68% GDP. Năm 2014 tiếp tục là một năm thắng lợi về xuất khẩu với tổng kim ngạch đạt 150 tỷ USD và xuất siêu 2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh mới khi bước vào hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, Việt Nam có trở thành công xưởng của thế giới không, hay chấp nhận trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa của các nước khác, tất cả phụ thuộc bản lĩnh của các doanh nghiệp.