2015 sẽ là một năm lạc quan với nền kinh tế Việt Nam

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Đây là nhận định của bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam khi trao đổi bên lề buổi tiếp xúc báo chí trước thềm Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2014 diễn ra ngày 2/12.

 2015 sẽ là một năm lạc quan với nền kinh tế Việt Nam - Ảnh 1

Bà Virginia Foote
Phóng viên: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam cũng như hoạt động của các doanh nghiệp (DN) Việt năm 2014?

Bà Virginia Foote: Năm 2014, bức tranh kinh tế chung của Việt Nam đã “sáng” hơn. Việt Nam đã cơ bản khắc phục thành công các vấn đề sau khủng hoảng và bắt đầu phục hồi.

Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được nhiều kết quả như: tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức tương đối cao và ổn định, đầu tư từ FDI vào Việt Nam tăng, xuất khẩu tăng, tỷ lệ lạm phát giữ ở mức thấp…

Cũng trong năm 2014, nhiều DN đã phải rời bỏ thị trường nhưng đồng thời cũng có nhiều DN phục hồi và hoạt động trở lại với một “sức khỏe” bền vững hơn. Riêng đối với DNNN, quá trình tái cơ cấu đang được thúc đẩy và cũng hứa hẹn những thành tựu cũng như sự “thay da đổi thịt” của  khối DN này.

Việt Nam đang đứng trước thềm một loạt các Hiệp định thương mại, bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội và thách thức của Việt Nam thời gian tới?

Việt Nam hiện đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) với khả năng kết thúc dự kiến vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Những sân chơi mới này có cơ hội và thách thức gì thì chúng ta đã nắm rõ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với một nền kinh tế tương đối nhỏ so với các nước cùng tham gia như Việt Nam. Vì vậy, cơ hội cho Việt Nam nắm được lợi ích trong Hiệp định là rất lớn.

Chính vì vậy, chính phủ cần phải xác định được những lĩnh vực gì cần tập trung trong thời gian tới để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định mang lại. Đó là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, cũng như đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo nghề và tháo gỡ những nút thắt về cơ sở hạ tầng.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2014 sẽ “chuẩn bị” gì cho DN Việt Nam trong thời gian tới, thưa bà?

Do đây là diễn đàn đối thoại giữa DN và Chính phủ Việt Nam cho nên chúng tôi cũng đã thiết kế những khuyến nghị rất tập trung và nhắm vào những lĩnh vực mà DN mong muốn và "cần”.

Theo đó, Chính phủ nên cải thiện nhiều nhất vào các vấn đề như: cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, giải quyết nợ xấu, cải cách thủ tục hành chính, cải cách DNNN, cải thiện năng suất lao động và đào tạo cho hệ thống lao động…

Tất cả những vấn đề nêu trên chúng tôi đều tập hợp để gửi đến Chính phủ.

Bà đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam 2015?

Quốc hội vừa thông qua một số luật mới, trong đó có Luật Đầu tư sửa đổi. Trong luật sửa đổi lần này có nhiều cải thiện quan trọng đối với DN. Điển hình là việc xác định rõ ràng những lĩnh vực nào DN có thể hoạt động một cách thoải mái và ít thủ tục hơn. Và quan trọng hơn nữa là bản thân DN cũng đã nhận thấy được sự đảm bảo minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh.

Mặc dù, có một điểm làm cho cộng đồng DN chúng tôi hơi lo ngại, đó là việc đưa ra những thủ tục phức tạp hơn về việc xin giấy phép đầu tư. Tuy nhiên, luật đã thực sự có rất nhiều điểm tiến bộ.

Về chuyển động kinh tế Việt Nam trong năm 2015, tôi rất lạc quan, kinh tế vĩ mô được cải thiện với tỷ lệ lạm phát giảm xuống, thị trường chứng khoán “ấm” lên…

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng Việt Nam đang phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn. Chính vì vậy, Việt Nam cần thận trọng trong việc thiết kế những bước đi của mình làm sao tăng được năng lực cạnh tranh và định vị được đúng hướng trong môi trường cạnh tranh.

Xin cảm ơn bà!