3 bí quyết để startup thành công với thương mại điện tử ở Đông Nam Á
Với sự phát triển của mạng Internet cùng các ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử (e-commerce) đang là kênh mua bán thu hút nhiều sự quan tâm từ khách hàng lẫn giới kinh doanh.
Hàng loạt những cái tên nổi tiếng và hái ra tiền tỷ trên thị trường như Alibaba, Lazada, Amazon, và eBay đều là những công ty thành công với thương mại điện tử. Dầu các công ty chuyên về e-commerce đều tuân theo một số quy tắc cơ bản để xây dựng nên đế chế của mình, song đối với riêng thị trường Đông Nam Á, các startup mong muốn theo đuổi mỏ vàng thương mại điện tử nhất thiết phải nằm lòng những nguyên tắc dưới đây:
Thích ứng với thị trường địa phương
Có một sự thật là: “Bất kỳ gã khổng lồ thương mại điện tử nào cũng đều có những bước đi vô cùng táo bạo, thậm chí là trái ngược hoàn toàn với quan niệm cố hữu, để có thể thích ứng phù hợp với thị trường mới. Dù thuộc sở hữu của cùng một công ty, song, 2 chi nhánh nằm ở 2 thị trường khác nhau có thể khác biệt như trời với đất.
Chẳng hạn như việc Amazon Ấn Độ có dịch vụ bán hàng, chính sách hoa hồng và chi phí vận chuyển được thiết kế hoàn toàn khác so với Amazon tại Mỹ. Một người bán hàng trên Amazon ở Mỹ phải trả 8% hoa hồng với mỗi chiếc điện thoại bán được (không bao gồm phí hàng năm là 40 USD). Song, tại Ấn Độ, người bán hàng chỉ phải trả 5% (không phải chịu phí hằng năm). Nguyên do là vì giữa Amazon và Flipkart tại Ấn Độ có sự cạnh tranh quyết liệt về số lượng người bán hàng mới.
Lazada ở Philippines và Singapore giống như hai thái cực hoàn toàn khác nhau, cụ thể trong chi phí giao hàng và chính sách đổi trả. Khách hàng ở Philippines phải trả phí vận chuyển nhưng có thể trả lại hàng nếu muốn, trong khi khách hàng ở Singapore được miễn phí vận chuyển nhưng không thể trả lại kiện hàng nếu đổi ý.
Sao chép công ty thành công sẽ thất bại
Kinh doanh là quá trình học hỏi và tiếp nhận kinh nghiệm cũng như lời khuyên từ nhiều phía, song, cần phải biết rõ rằng nguồn lực của mỗi cá nhân là khác nhau. Nếu sao chép y nguyên mô hình thành công của người khác, mà cụ thể ở đây là các công ty thương mại điện tử lớn, thì startup chắc chắn sẽ thất bại. Đây là 3 lý do chính:
1. Thị trường bùng nổ thu hút rất nhiều đối thủ lớn
Tại khu vực Đông Nam Á, từ nay cho đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 8 lần. Đây là mức phát triển vượt bậc mà chưa từng có thị trường nào trên thế giới đạt được. Theo dự đoán, thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á sẽ phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đến nay, trong đó có cả Trung Quốc, vốn là quốc gia chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều ông lớn e-commerce như Alibaba và WeChat.
Thương mại điện tử Đông Nam Á ước đạt 88 tỷ USD trong năm 2025. Nguồn: Tech in Asia |
Điều này có ý nghĩa gì? Trước sự bùng nổ thần kỳ kể trên, thị trường thương mại điện tử nghiễm nhiên trở thành miếng bánh vô cùng béo bở cho kinh doanh. Kéo theo đó, tất cả những “đại gia” e-commerce đều sẽ đổ xô đến Đông Nam Á với đầy đủ các chính sách về giá cả và vận chuyển để có thể nhanh chóng giành được thị phần cho riêng mình. Cho nên, nếu chỉ sao chép cách làm mà thiếu sự đột phá và thích nghi với đặc thù khu vực thì chắc chắn cơ hội cạnh tranh dành cho startup là vô cùng nhỏ bé.
2. Cách thức tiếp cận với Internet của tầng lớp trung lưu
Tại các quốc gia đang phát triển, cách mà tầng lớp trung lưu sử dụng công nghệ trong mua sắm qua mạng và thể hiện quyền lực của người tiêu dùng thông qua nó hoàn toàn khác so với các nước đã phát triển. Và, điều này đã gây ra trở ngại cho các doanh nhân từ những quốc gia đã phát triển đến đầu tư tại các nước đang phát triển
Có thể thấy, ngay cả doanh nhân đến từ những nền kinh tế đã phát triển cũng gặp phải khó khăn trong việc xâm nhập vào các thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á và cần thiết sự điều chỉnh cũng như thích ứng với đặc thù của thị trường
3. Thiếu nhân lực vì người giỏi đã đầu quân cho công ty lớn
Các công ty lớn và đã có tên tuổi như Lazada hay Alibaba đều có một lượng lớn nhân tài mong muốn đầu quân. Các công ty này tăng trưởng theo từng ngày và với nguồn tài lực dồi dào, họ có thể trả lương hậu hĩnh cho nhân viên. Điều này khiến cho các startup, vốn yếu về tài lực, phải chật vật trong việc thu hút và giữ chân người tài.
Đổi mới và nắm bắt xu hướng khu vực sẽ sống sót
Để có thể tìm ra chiến lược đúng đắn và xây dựng mô hình thương mại điện tử mang tính cạnh tranh tại một thị trường đang phát triển như tại Đông Nam Á, các startup có thể chú ý vào 2 điều sau:
1. Cạnh tranh giữa những công ty lớn là vô cùng gắt gao
Những công ty lớn luôn rủng rỉnh tiền để có thể cạnh tranh một cách gắt gao với đối thủ, từ chi phí vận chuyển, loại hàng đến giá cả. Song, có một sự thật là, họ luôn tìm kiếm và đầu tư vào những công ty có thể giúp cải thiện dịch vụ của mình. Thế nên, nếu như startup có thể cung cấp dịch vụ hay sản phẩm được thị trường ưa thích thì xác suất nhận đầu tư và thoái lui khỏi cuộc chơi sau thời gian ngắn là khá cao.
2. Những cá nhân có tầm ảnh hưởng là ngôi sao trong thời đại số
Những cá nhân có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội sở hữu lượng người theo dõi đông đảo và biết chính xác fan của họ muốn gì. Họ đại diện ho một trong những kênh marketing hoàn toàn mới, rất phổ biến trong thời đại số hiện nay. Tuy nhiên, các công ty lớn lại chưa nhận thức được cách vận hành của những kênh marketing này là như thế nào. Các startup hoàn toàn thu hút lượng đầu tư lớn nếu nắm rõ các kênh marketing mới này.