3 cấu phần của Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh

Theo Đình Đại/diendandoanhnghiep.vn

Mô hình Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh sẽ bao gồm 3 cấu phần: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại Hội thảo "Đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính quốc tế", bà Lê Hồng Thủy Tiên - TGĐ tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, Đề án Trung tâm tài chính (TTTC) mà IPPG đề xuất do Công ty Tư vấn Tài chính Sherman, các công ty tư vấn trong nước, đặc biệt có sự tham gia ý kiến của các nhà đầu tư, công ty tài chính của Mỹ trong Top Fortune 500. Đề án mong muốn phát triển theo mô hình TTTC mới, đúng nghĩa về tài chính và các dịch vụ tài chính bao gồm ngân hàng, ngoại hối, chứng khoán, môi giới, bảo hiểm…

Đồng thời với việc thành lập TTTC đúng nghĩa sẽ cho  phép nhà đầu tư chiến lược được phát triển các dịch vụ bổ trợ khác (được qui hoạch khu vực riêng biệt với TTTC) như du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, khu phi thuế quan, công viên giải trí, khách sạn, nhà hát, casino, … để tạo sức hấp dẫn nhằm thu hút các định chế tài chính hàng đầu thế giới và các nhà đầu tư, qua đó gia tăng khả năng cạnh với các TTTC quốc tế khu vực.

CEO IPPG Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn TTTC Việt Nam hướng đến việc tái định vị Việt Nam như một cửa ngõ cho các nhà đầu tư toàn cầu trong thị trường khu vực ASEAN và cạnh tranh được với Singapore và Hồng Kông. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có các yếu tố cạnh tranh khác biệt cũng như thiết lập được một khung khổ pháp lý cho phép TTTC Việt Nam có câu trả lời rõ ràng với các nhà đầu tư quốc tế, rằng “Tại sao lại lựa chọn Việt Nam để đầu tư, Tại sao phải đưa dòng tiền vào Việt Nam?”.

Bà cũng cho rằng, thời gian là vàng và lộ trình đưa ra sẽ có tính khả thi nếu thỏa được hai yếu tố tiên quyết. Đó là, Việt Nam có quyết tâm mở TTTC Quốc tế hay không và vai trò của nhà đầu tư chiến lược. Cần phải thu hút được nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, có danh tiếng, uy tín, tầm ảnh hưởng Quốc tế để làm “Đại bàng đầu đàn”, có thể thu hút được các định chế tài chính hàng đầu, nằm trong Top Fortune 500 đến TTTC Việt Nam, tăng cường các hoạt động, giao dịch tài chính,…Nếu chậm thì Việt Nam sẽ mất cơ hội đẩy nhanh quá trình trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị Quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

“Trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính trong khu vực, các nước Đông Nam Á cũng đang quyết liệt chạy đua mời gọi, để Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội ngàn năm có một thì chính sách cần phải có sự đột phá và có nhiều điểm vượt trội hơn so với khung pháp lý hiện hành. Nếu làm Đề án có tính an toàn thì chúng ta sẽ rơi vào vị thế “tụt hậu” khó cạnh tranh với quốc tế”, CEO IPPG Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ thêm.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, mô hình Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh sẽ bao gồm 3 cấu phần: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. 

Cùng với đó là 4 chương trình hành động để Thành phố có thể triển khai ngay đến năm 2025 gồm ưu tiên phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số tại trung tâm tài chính; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực cho Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố; phát triển khu tài chính thương mại Thủ Thiêm và cuối cùng là phát triển thị trường hàng hóa tại Trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh.

"Chúng ta có thế mạnh Fintech và ngân hàng số thì đưa nó thành một phần quan trọng. Chúng ta cần mạnh dạn thúc đẩy mô hình tập đoàn tài chính nhưng theo mô hình công ty mẹ - con. TP. Hồ Chí Minh cũng có lợi thế hình thành thị trường hàng hóa phát sinh vì nằm gần Đông Nam Bộ, là trung tâm logistics", TS Nguyễn Xuân Thành giải thích.

Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ đồng tình về 3 trụ cột chính của TTTC theo phác thảo trên, bởi đây là những trụ cột để một TTTC có thể phát triển và định hình. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần làm rõ đề xuất chính sách với các dịch vụ phụ trợ và tiện ích. Thành phố cần xác định phát triển TTTC chính là ưu tiên "chọn" tài chính và các dịch vụ hỗ trợ, chứ không thể để các dịch vụ hỗ trợ "chọn" ra TTTC. 

"Hãy để Trung tâm tài chính quốc tế hình thành rồi mới tính đến các dịch vụ vui chơi, giải trí khác. Thành phố cần xác định từ đây đến năm 2025 có kịch bản hành động cụ thể như chuẩn mực hóa các dịch vụ tài chính để có sự cạnh tranh với các nước, tăng tính giám sát", ông Nghĩa nêu ý kiến.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng góp ý đề án của TP. Hồ Chí Minh còn thiếu phần đánh giá tác động với kinh tế về mặt định lượng; thiếu nội dung và quan điểm về việc sửa các luật liên quan. Về chọn nhà đầu tư chiến lược, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, đề án đi từ đầu tư bất động sản, đặt vào bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngân hàng số, Fintech (tài chính công nghệ).

"Đặt tư duy vào bối cảnh AI, Big Data thì việc xây dựng một khu hạ tầng đồ sộ cần cân nhắc, thay vào đó là lập lộ trình hỗ trợ cho những hạt giống sẵn có như các Fintech. Những vấn đề về tài chính kết hợp với công nghệ thì sẽ có đột phát rất mạnh", TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Hội thảo về "Đề án Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế" được UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Tại sự kiện, theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết, sẽ lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện dự thảo đề án. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành trung ương trước khi chính thức trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất là xây dựng được TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh.