4 điểm vượt trội để tiêu thụ trong nước thúc đẩy tăng trưởng

Theo Chinhphu.vn

Trong điều kiện cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động tiêu cực và chưa có sự phục hồi hoàn toàn, thì tiêu thụ trong nước trở thành "cứu cánh” và động lực của tăng trưởng.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng, đồng thời cũng là một trong những bài học kinh nghiệm thành công của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Sự vượt trội của tiêu thụ trong nước được thể hiện trên 4 điểm.

Thứ nhất, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) - bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất của tiêu thụ trong nước- đạt quy mô khá. Bắt đầu từ năm 2008, TMBL lần đầu tiêu vượt qua mốc 1 triệu tỷ đồng, năm 2009 vượt qua mốc 1,2 triệu tỷ đồng, 11 tháng 2010 đạt gần 1,43 triệu tỷ đồng, khả năng cả năm sẽ vượt qua mốc 1,57 triệu tỷ đồng. Nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái, thì TMBL của Việt Nam năm 2010 đạt cao nhất từ trước tới nay.

TMBL TÍNH BẰNG USD THEO TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI QUA MỘT SỐ NĂM (tỷ USD):

 

4 điểm vượt trội để tiêu thụ trong nước thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

“Dung lượng” thị trường tiêu dùng có quy mô lớn lên nhanh chóng như trên đã góp phần biến Việt Nam thành thị trường đáng mơ ước của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, của các thương nhân nước ngoài; cũng là thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức coi trọng để hướng tới, tránh để bị thu hẹp bởi hàng ngoại nhập.

Sự lớn lên của quy mô TMBL còn được biểu hiện ở tỷ lệ TMBL so với tổng tiêu dùng cuối cùng và so với GDP. Tỷ lệ TMBL so với tổng tiêu dùng cuối cùng nếu năm 1995 còn ở dưới 65%, thì từ năm 2007 đã vượt qua mốc 90%, khả năng năm 2010 vượt qua mốc 95%!

Tỷ lệ TMBL so với GDP nếu năm 2000 còn ở dưới mức 50%, từ năm 2009 đã vượt qua mốc 70%!

Điều này thể hiện tính sản xuất hàng hóa, tính thị trường của sản xuất, tiêu dùng tăng lên nhanh, tính tự cấp, tự túc giảm đi nhanh, là kết quả của việc chuyển đổi cơ chế từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường.

Thứ hai, tốc độ tăng TMBL qua các năm thuộc loại khá cao. Nếu loại trừ tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm, thì TMBL từ năm 2001 đến năm 2007 đã tăng liên tục với tốc độ tăng hai chữ số; năm 2008 nhịp tăng cao này đã bị co lại và bị “ngắt quãng” (chỉ còn 9,8%), do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2009, “phong độ” tăng đã cao trở lại (12,8%) và năm 2010 có khả năng tăng trên 14,5%.

Tính chung 10 năm qua TMBL đã tăng 12,7%/năm, cao hơn tốc độ tăng của GDP trong thời gian tương ứng (7,25%/năm)- hệ số giữa tốc độ tăng TMBL và tốc độ tăng GDP đạt 1,75 lần.

Như vậy, xét cả về tỷ lệ so với GDP và cả về tốc độ tăng so với GDP, TMBL đã trở thành “cứu cánh” và động lực của tăng trưởng kinh tế. Nói “cứu cánh” là nói năm 2009, chính tiêu thụ trong nước (thể hiện ở TMBL) năm 2009 tăng khá đã góp phần làm cho Việt Nam không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng, kinh tế không bị suy thoái mà chỉ bị sút giảm tăng trưởng, đã nhanh chóng thoát đáy vượt dốc đi lên; nói “động lực” là nói năm 2010, đã góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước và cả năm vừa cao hơn năm trước, vừa cao hơn mục tiêu và đang trên đường tiến tới phục hồi.

4 điểm vượt trội để tiêu thụ trong nước thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 2

TMBL của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức hai chữ số.

Thứ ba, xét cơ cấu TMBL theo ngành hoạt động, nếu những năm từ 2001 trở về trước, tỷ trọng của nhóm ngành thương mại thuần túy (hàng hóa) còn chiếm trên 80%, của nhóm ngành dịch vụ mới chiếm dưới 20%, thì từ năm 2002, nhóm hàng hóa đã xuống dưới 80%, của nhóm dịch vụ lên trên 20% (11 tháng 2010 đạt 21%).

Điều đó chứng tỏ, cơ cấu tiêu dùng đã có sự chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng chi tiêu cho mua hàng hóa thuần túy giảm, tỷ trọng chi tiêu cho dịch vụ tăng lên.

Tuy nhiên, tỷ trọng chi tiêu cho dịch vụ mấy năm nay lại giảm xuống (năm 2007 là 23%, năm 2008 còn 22,4%, năm 2009 còn 21,6%, 11 tháng 2010 còn 21%). Điều đó được lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Mặc dù đã tăng khá, nhưng GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng còn ở mức 1.160 USD và TMBL bình quân đầu người cũng chỉ ở mức 916 USD; với mức còn thấp này thì tỷ trọng chi tiêu cho hàng hóa còn lớn là tất yếu. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới cũng làm cho tiêu dùng bị co lại. Gần đây, do lạm phát cao trở lại, nên nhu cầu tiêu dùng cũng được thắt chặt hơn.

Thứ tư, cơ cấu TMBL theo loại hình kinh tế có sự chuyển dịch đáng lưu ý.

Tỷ trọng của kinh tế nhà nước giảm trong các năm trước (từ 24,2% năm 1992 xuống 9,7% năm 2009). Xu hướng này được coi là bình thường, bởi trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng, khu vực kinh tế ngoài nhà nước làm tốt hơn. Trong 11 tháng năm 2010, kinh tế nhà nước đã tăng nhanh hơn tốc độ chung (36,4% so với 25%), do các doanh nghiệp nhà nước đã “quay về” khai thác thị trường trong nước.

Tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân trong TMBL từ chỗ không đáng kể, chỉ mới xuất hiện trong mươi năm gần đây đã tăng nhanh lên đạt 34,7%. Đây là xu hướng tích cực và sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Tỷ trọng kinh tế cá thể tuy có giảm xuống qua các năm, nhưng hiện vẫn chiếm lớn nhất trong các loại hình kinh tế (11 tháng 2010 chiếm 50,8%). Điều đó chứng tỏ việc mua bán của người tiêu dùng trên thị trường vẫn còn chủ yếu diễn ra ở các chợ, ở các cửa hàng nhỏ lẻ, do thói quen mua bán lâu nay của một nước xuất phát từ nông nghiệp đi lên, tỷ lệ dân số nông  thôn và những người có thu nhập thấp còn lớn.

Tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện còn thấp (chiếm trên dưới 3%) song sẽ có xu hướng cao lên bởi Việt Nam đã mở cửa hội nhập sâu rộng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Vấn đề đặt ra là các thành phần kinh tế trong nước cần có sự liên kết chặt chẽ, tăng tích luỹ vốn, nâng cao trình độ quản trị, nghiệp vụ bán hàng, văn minh thương mại,... để tránh tình trạng thị trường dần dần rơi vào tay các thương nhân nước ngoài.

Bất chấp tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng trên thế giới đối với tăng trưởng kinh tế, thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán của dân cư,... TMBL của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức hai chữ số và nằm trong nhóm 6 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới.