5 bài học về chuyển giao quyền lực từ Starbucks
Sau nhiều năm không ngừng xông xáo, CEO Howard Schultz đã xây dựng Starbucks thành một thương hiệu 85 tỷ USD. Vấn đề bây giờ là làm sao chuyển giao quyền lực?
CEO thường được xem là bộ mặt của một thương hiệu. Với Howard Schultz, tính tình ôn hòa và nhã nhặn của ông đã trở thành một phần không thể thiếu của thương hiệu cà phê Starbucks, hiện đã có 25.000 cửa hàng tại 75 quốc gia trên toàn cầu.
Và giờ đây, vị CEO huyền thoại này đang có kế hoạch “truyền ngôi”. Starbucks đã công bố rằng Schultz sẽ từ từ chuyển sang vị trí Chủ tịch Điều hành (Executive Chairman) trong lúc ông tìm cách phát triển dòng sản phẩm cao cấp của công ty. Schultz đã đích thân lựa chọn COO Kevin Johnson để thay thế vị trí CEO kể từ ngày 3/4/2017.
Tờ New York Times cho biết Johnson một người bạn thân của Schultz, đã tham gia hội đồng quản trị được 7 năm, và làm lãnh đạo cấp cao kể từ 2015. Tuy vậy, Johnson vẫn cần phải nỗ lực để vượt qua cái bóng rất lớn của người tiền nhiệm. Không chỉ là một doanh nhân giỏi, Schultz còn là người không bao giờ né tránh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hoặc các chế độ phúc lợi cho nhân viên của mình - đó là lý do tại sao ông được FastCompany vinh danh là một trong những nhà lãnh đạo tốt nhất của năm 2015.
Đây là 5 bài học về việc chuyển giao quyền lực từ Howard Schultz và Starbucks:
Niềm tin vào người kế nhiệm
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với New York Times, Schultz cho biết ông khá tự tin về khả năng của Johnson. Ông cho rằng vị CEO mới này “được trang bị tốt hơn tôi cho việc điều hành công ty”.
Thái độ ủng hộ nhiệt tình của Schultz với năng lực của Johnson là một thông điệp rất quan trọng, bởi vì cách mà doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực sẽ có tác động rất lớn đến tình hình tài chính. Với một công ty thường xuyên nằm trong tốp đầu thị trường chứng khoán như Starbucks, cái giá phải trả nếu có lựa chọn sai lầm là rất lớn.
Dave Ulrich, giáo sư tại Đại học Michigan’s Ross School of Business, lý giải về áp lực đặt lên vai một nhà lãnh đạo mới: “Để việc chuyển giao được thuận lợi, nhà lãnh đạo phải chứng tỏ được năng lực đem lại kết quả tốt trong những thời điểm bất định. Vào những lúc có nhiều hoài nghi, CEO phải biết trấn an mọi người rằng mình đang có kế hoạch vượt qua như thế nào.”
Dành thời gian “thử việc”
Tin tốt lành cho Starbucks là Johnson đã được phép điều hành các hoạt động của Starbucks hơn 1 năm qua, bên cạnh Schultz. Một nghiên cứu của DDI về các quá trình chuyển giao chỉ ra rằng trong số hơn 600 nhà lãnh đạo được khảo sát, gần một nửa (42%) trong số đó cho biết họ muốn cấp trên đưa ra một chương trình phát triển năng lực hoàn chỉnh cũng như nhận được sự huấn luyện.
Theo Patty Azzarello, CEO của hãng tư vấn Azzarello Group, một phần quan trọng của việc chuyển giao là biết trao quyền lực dần dần. “Bạn cần phải cho họ cơ hội để làm quen với những thách thức và rắc rối mà bạn gặp phải hàng ngày”. Điều này khá là quan trọng, vì “họ cần phải được trải qua những gì bạn đã trải qua. Hãy giao cho họ làm những việc lớn. Hãy giúp họ tiếp cận vào mạng lưới quan hệ của bạn cũng như các đối tác lớn. Họ cần có cơ hội để làm một điều gì đó sáng tạo và đủ lớn lao."
Dĩ nhiên, việc Schultz tiếp tục điều hành Starbucks cùng Johnson cho tới đầu năm sau vẫn chưa chấm dứt. DDI chỉ ra rằng có rất nhiều trường hợp “nhà lãnh đạo cũ buông tay quá sớm, trong khi nhà lãnh đạo mới chưa kịp đánh giá đúng mức những thách thức phải đối mặt trong quá trình chuyển giao.”
Thừa nhận sự thay đổi, đặt kỳ vọng hợp lý
Beth Bechky, giáo sư trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, cho biết các tập thể hay có thói quen nghĩ rằng sẽ chẳng có thay đổi gì khi có một cá nhân được thăng chức. Bà khuyên các nhà lãnh đạo trong quá trình chuyển giao nên nhận thức tầm quan trọng của sự thay đổi, và truyền đạt lại những kỳ vọng mới.
Làm quen với quy trình ra quyết định mới
Nhà lãnh đạo mới có thể thay đổi kỳ vọng thông qua các cách thức mới để đưa ra quyết định. Azzarello khuyên: “Hãy suy nghĩ về những quyết định mà bạn muốn đưa ra trong thời gian tới, chẳng hạn như đầu tư vào đâu, ưu tiên những gì, quan hệ với đối tác, lộ trình phát triển, chiến lược tiếp thị.. Hãy giao việc cho những nhân sự chủ chốt và cho họ toàn quyền chủ động.”
Biết thể hiện sự cảm thông
Trước mắt, Johnson đã thể hiện được rằng ông là người có khả năng biết đồng cảm và thể hiện cảm xúc thực của mình. Theo DDI, đây là những yếu tố góp phần mang lại thành công cho một nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ New York Times, Johnson thừa nhận rằng động lực khiến trở lại thương trường sau khi chiến thắng căn bệnh ung thư da là niềm tin rằng Starbucks sẽ cho mình cơ hội để làm nên điều gì đó có ý nghĩa. Ông cũng thừa nhận rằng chính ông cũng có hoài nghi về năng lực của mình trong vai trò mới, và thể hiện sự kính trọng với người tiền nhiệm. Johnson phát biểu “Tôi không cố gắng để trở thành Howard, chúng tôi là hai người khác nhau.”
Khả năng trí tuệ cảm xúc (EQ) và sự thể hiện cá tính như vậy là tín hiệu tốt cho tương lai của vị CEO mới. Theo hãng tư vấn KRW International, một vị CEO được đánh giá cao và tôn trọng bởi các nhân viên thường sẽ đạt tỷ lệ ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) bình quân 9,35% trong vòng 2 năm, gấp 5 lần so với mức 1,93% của các CEO có điểm số thấp hơn.