5 dấu hiệu báo động của kinh tế Nga
(Tài chính) Các nhà băng Nga đang thiếu ngoại tệ, ngân sách thì thâm hụt, còn lệnh trừng phạt của phương Tây được dự báo kéo dài 3 năm nữa.
Tình hình tại Nga đang chuyển biến theo hướng tiêu cực. Tác động kép từ giá dầu giảm và lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến lạm phát tại đây tăng tốc, nội tệ mất giá, kinh tế suy giảm và nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào thị trường.
Hôm qua, Ngân hàng trung ương Nga dự báo nước này sẽ không tăng trưởng năm 2015 và sẽ cải thiện rất ít năm sau đó. Việc này càng khẳng định những dự đoán của giới chức và nhà kinh tế học nước ngoài trong nhiều tháng nay.
Theo CNN, dưới đây là những lý do kinh tế Nga sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai.
1. Ngân hàng thiếu ngoại tệ
Các nhà băng Nga đang có 192 tỷ USD nợ nước ngoài, nhưng có rất ít tài sản bằng đôla Mỹ có giá trị tương ứng. Trong khi đó, đồng rouble lại ngày càng mất giá và nguồn thu ngoại tệ giảm mạnh, càng khiến các ngân hàng khó trả nợ. Nếu đồng rouble duy trì ở tỷ giá hiện tại, các ngân hàng sẽ phải trả thêm 22 tỷ USD, Capital Economics ước tính. Số này tương đương hơn 1% GDP Nga.
2. Ngân sách thâm hụt
Số liệu của Chính phủ Nga cho thấy ngân sách giai đoạn 2015-2017 được tính toán dựa trên giá dầu 100 USD một thùng. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương dự đoán nền kinh tế sẽ không tăng trưởng năm tới dựa trên giá 95 USD một thùng. Còn giá dầu hiện tại thì chỉ là 84 USD một thùng.
Bộ trưởng Tài chính Nga - Anton Siluanov đã kêu gọi giới chức nhận thức lại hiện thực kinh tế. Ông cảnh báo Chính phủ cần giảm chi 10% để bù đắp thâm hụt. Hiện dầu mỏ và khí đốt vẫn đóng góp hơn nửa doanh thu ngân sách Nga.
3. Lệnh trừng phạt
Căng thẳng trong khu vực này lại đang tăng nhanh, khi Ukraine kết tội Nga lại gửi quân đội sang nước này, còn Donetsk vừa chứng kiến đợt bùng phát bạo lực mạnh nhất hơn một tháng. Nga cũng vừa công nhận kết quả cuộc bầu cử được phe ly khai tổ chức tại miền Đông Ukraine tuần trước.
Tất cả đang làm tăng lo ngại phương Tây sẽ gia tăng trừng phạt lên Nga, trong khi nền kinh tế này đang lao dốc. Ngân hàng trung ương Nga hôm qua cho biết các lệnh trừng phạt có thể kéo dài đến năm 2017.
Cơ quan này dự báo dòng vốn ngoại rút khỏi nước này sẽ đạt 128 tỷ USD năm nay, tăng 38 tỷ USD so với dự đoán trước đó. Năm tới, con số này có thể tăng thêm 100 tỷ USD.
4. Lạm phát
Cuộc chiến trả đũa trừng phạt giữa Nga và các nước khác đang phản tác dụng khi lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây đang khiến giá cả tại Nga tăng tốc. Ngân hàng trung ương Nga dự tính lạm phát sẽ vượt 8% năm nay, cao hơn nhiều mục tiêu 5%.
Vì vậy, mục tiêu 4% năm 2016 với Nga hiện là không tưởng. Ngân hàng trung ương cho biết họ hy vọng có thể đạt tốc độ này năm 2017, nếu không có thêm thảm kịch kinh tế nào nữa.
5. Putin phủ nhận tình trạng của kinh tế Nga
Dù vậy, bất chấp các lời cảnh báo từ chính giới chức nước này, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn phủ nhận tình hình của nền kinh tế. "Diễn biến trên thị trường tiền tệ hiện nay không hề liên quan đến các yếu tố kinh tế nền tảng", ông cho biết.