5 năm một chặng đường hàng Việt
(Tài chính) Theo kết quả điều tra của Ban Tuyên giáo Trung ương, sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, có 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến Cuộc vận động; 63% số người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Thành công là vậy, nhưng để hàng Việt ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, cần sự chủ động hơn nữa của doanh nghiệp.
Không thể phủ nhận, sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động, hệ thống phân phối hàng Việt từng bước tạo lập ở các địa phương, hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến với người tiêu dùng ở thị trường nội địa, làm thay đổi diện mạo hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế và tác động đến thói quen mua sắm hàng của người tiêu dùng Việt, xây dựng nền văn minh thương mại hiện đại.
Hàng Việt xuất hiện nhiều, nhưng tỷ trọng bán hàng vẫn chưa như mong muốn, ở một số siêu thị chỉ chiếm 10% trong tổng 90-95% lượng hàng Việt bày bán. Tại sao người dân chưa dành mọi cảm tình cho hàng Việt? Thực tế cho thấy, doanh nghiệp khi đưa hàng ra thị trường vẫn theo cảm tính, chưa nghiên cứu kỹ thị hiếu, chiến lược giá cả. Ngay cả khi nền kinh tế hội nhập, các dòng thuế cắt giảm còn từ 0-5%, trước sức ép của hàng ngoại tràn vào thị trường trong nước không nhỏ, doanh nghiệp Việt phải có chiến lược dài hơi hơn, nếu không sẽ khó cạnh tranh, khi trong năm nay nước ta sẽ thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều nước trên thế giới.
Mặt khác, theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, cái cần thay đổi đầu tiên khi hàng Việt Nam hội nhập chính là mở rộng hệ thống phân phối. Thực tế, các siêu thị tích cực khai thác và giới thiệu hàng Việt, thậm chí là liên kết với nhà cung ứng để tạo chuỗi cung ứng sản phẩm khép kín, đưa ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá bán phù hợp với thu nhập của người dân. Nhưng điều này chủ yếu mới được thực hiện ở các khu vực đô thị, thậm chí là tập trung ở các thành phố lớn, chưa đến nhiều với khu vực nông thôn, và càng vắng mặt tại vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, về nguyên tắc, hàng hóa chỉ có thể chiếm lĩnh thị trường nếu như mạng phân phối phủ rộng trên khắp các địa bàn.
Trong xu thế hội nhập, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã vươn ra thị trường nước ngoài. Nhưng để hàng Việt chinh phục được người tiêu dùng nước ngoài, thì các doanh nghiệp Việt phải khẳng định được niềm tin về chất lượng sản phẩm. Và nếu chất lượng hàng Việt không giữ được như lần đầu tiên giao hàng, thì doanh nghiệp sẽ tự loại mình ra khỏi thị trường hàng hóa tiềm năng. Theo Tham tán thương mại tại khu vực châu Âu Vũ Bá Phú, doanh nghiệp trong nước phải bố trí thời gian và nguồn lực của mình để tham dự hội chợ tại thị trường dự định xuất khẩu đều đặn, thường xuyên hơn nữa. Bởi tập quán kinh doanh tại khu vực này là phải tham dự ít nhất 3 lần hội chợ thì mới tạo ra một khái niệm về sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường.
Có một thực tế đáng buồn là, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, hàng Việt trong hệ thống siêu thị, nhất là mặt hàng bánh kẹo đang bị hàng ngoại áp đảo, vì đánh trúng tâm lý và thị hiếu của khách hàng Việt. Đây chính là bài học kinh nghiệm nếu doanh nghiệp Việt không sớm nhận ra thì chặng đường 5 năm lần thứ hai của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sẽ khó trụ nổi ngay trên thị trường sân nhà.