5 quan niệm sai lầm về phá giá VND
(Tài chính) Bài học rút ra là muốn không phá giá thì đừng để áp lực phá giá gia tăng, và khi đã để áp lực phá giá gia tăng đủ lớn thì tốt nhất là hãy phá giá ở thế chủ động.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải phá giá thêm 1% đồng Việt Nam trong một động thái, cũng giống như những lần trước, xem ra mang tính miễn cưỡng. Điều này có nguyên nhân do phá giá cho đến nay trong con mắt nhiều người vẫn là một điều hết sức có hại, cần tránh và tránh được bao lâu thì tốt bấy lâu, bất chấp áp lực phá giá đã dồn nén, làm cho tỷ giá chợ đen có mức chênh lệch lớn với tỷ giá chính thức.
Trước khi điểm lại một số sai lầm phổ biến về chuyện phá giá, cần lưu ý rằng sự phá giá nêu trong bài này không phải là sự phá giá (tăng tỷ giá chính thức) theo kiểu hủy diệt, tuyệt vọng, vài chục điểm phần trăm một lần, mà là sự điều chỉnh tăng tỷ giá ở mức độ chừng mực, một vài điểm phần trăm một lần (và mỗi lần, nếu có, cách nhau một thời gian tính bằng tháng). Mục đích của việc phá giá theo từng bước nhỏ này chủ yếu là để không gây ra sốc, hoảng loạn.
Sai lầm thứ nhất: phá giá làm gia tăng nợ nước ngoài
Điều này là sai vì nợ nước ngoài trước và sau phá giá (giả sử không vay thêm hay trả bớt đi) không thay đổi. Giả sử nếu Việt Nam vay 1 tỷ USD của các chủ nợ nước ngoài, sau khi phá giá VND, gánh nặng nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn chỉ là 1 tỷ USD, không hơn, không kém một xu. Chính xác hơn, chỉ có thể nói rằng nợ nước ngoài sẽ tăng lên sau phá giá nếu quy 1 tỷ USD này ra VND, và khi đó thì quả thật gánh nặng trả nợ tính bằng VND sẽ tăng lên tương ứng với mức độ phá giá.
Dẫu vậy, xét từ góc độ quốc gia, giả sử NHNN kiên quyết không phá giá khi áp lực phá giá đã gia tăng mạnh, để bảo vệ lợi ích (tức không làm tăng gánh nợ bằng VND) của chính phủ, doanh nghiệp, và cá nhân có vay nợ bằng USD, việc bảo vệ tỷ giá như thế này sẽ không phải là không có phí tổn, và khi đó cần phải cân nhắc thiệt hơn nếu không chịu phá giá. Nói cách khác, cho đến nay, trường phái phản đối phá giá dường như nghiễm nhiên cho rằng NHNN nếu muốn ổn định tỷ giá thì chỉ cần tuyên bố vậy là xong, là được, mà không cần phải làm gì, không phải chịu thiệt hại gì.
Để bảo vệ tỷ giá, NHNN chỉ có mấy lựa chọn chính: (1) dùng biện pháp hành chính để buộc tỷ giá phải ở mức hiện tại; (2) nâng lãi suất (giống như Nga đã và đang làm); (3) tung dự trữ ngoại hối ra để bình ổn thị trường; (4) bóp cầu USD (hạn chế nhập khẩu, không cho mang ngoại tệ ra nước ngoài v.v...); (5) ép tăng cung USD (buộc các doanh nghiệp và cá nhân có nguồn thu USD phải kết hối v.v...); (6) vay nợ thêm nước ngoài để tăng cung USD; (7) phối hợp tất cả các biện pháp này.
Dễ thấy tất cả các biện pháp trên đã từng và đang được thực hiện ở Việt Nam (và mọi nơi trên thế giới), và đều hoặc là để lại hậu quả tiêu cực (ví dụ, nâng lãi suất thì làm khó cho doanh nghiệp, bán ra USD thì làm hao hụt dự trữ ngoại hối, vay nợ thêm thì như là uống thuốc độc để chữa bệnh v.v...), hoặc là không có hiệu quả (ví dụ, dùng biện pháp hành chính sẽ dẫn đến phát triển thị trường đen, bắt kết hối thì không khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu thì vướng với các thỏa thuận tự do thương mại v.v...)
Do đó, nỗi lo lắng về tăng gánh nặng nợ quốc gia (nhưng cần nhắc lại, chỉ là tính bằng VND) tuy có thể là nỗi lo chính đáng nhưng không thể vì đó mà phải hy sinh và trả giá bằng những phí tổn khác còn lớn hơn như nói ở trên. Và ngược lại, dù có muốn can thiệp thì hãy nghĩ rằng việc dùng một phần trong số ngoại tệ mà NHNN lẽ ra phải tung ra từ quỹ dự trữ ngoại hối của mình để bình ổn tỷ giá để bán trực tiếp cho một số doanh nghiệp lựa chọn với tỷ giá ưu đãi (như cách mà Nga đang làm) giúp họ trả nợ sẽ còn có lợi hơn là NHNN bình ổn tỷ giá cho cả nền kinh tế, vì việc này, ngoài những phí tổn nói trên, còn tương tự như việc NHNN “trợ cấp”, bảo lãnh về tỷ giá cho cả nền kinh tế, xui khiến các chủ thể đi vay nước ngoài ào ào mà không cần đếm xỉa đến rủi ro tỷ giá.
Sai lầm thứ hai: phá giá không có lợi cho xuất khẩu Việt Nam vì tỷ trọng đầu vào nhập khẩu lớn.
Tương tự như sai lầm về gánh nặng nợ nước ngoài, tuy tỷ trọng đầu vào nhập khẩu trong hàng xuất khẩu của Việt Nam có lớn, nhưng cho dù có phá giá thì giá thành đầu vào nhập khẩu này vẫn không thay đổi nếu tính bằng USD; nó chỉ tăng lên khi quy ra VND. Trong khi đó, giá bán hàng xuất khẩu lại vẫn được tính bằng USD. Bởi thế chênh lệch đầu vào nhập khẩu (tính bằng USD) và giá bán đầu ra xuất khẩu (bằng USD) là không thay đổi. Ngoài ra và quan trọng hơn, khi đã phá giá, mọi chi phí phi nhập khẩu (phát sinh trong nước, ví dụ, tiền lương, điện, nước v.v...) tính theo USD lại giảm đi. Rốt cuộc, nhà sản xuất và xuất khẩu lại được lợi thêm nhờ phá giá. Đây là một kiến thức cơ bản trong ngoại thương mà không hiểu sao vẫn bị nhầm lẫn một cách hết sức phổ biến ở Việt Nam, kể cả các chuyên gia.
Sai lầm thứ ba: phá giá làm tăng lạm phát vì cái gọi là “nhập khẩu lạm phát”.
Phá giá quả thật sẽ làm tăng lạm phát nếu khối lượng nhập khẩu không suy giảm, và, do đó, tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu (với giá quy ra VND cao hơn trước khi phá giá) trong rổ hàng hóa tính CPI không thay đổi. Nhưng phá giá lại có một tác dụng tích cực mà những người phản đổi phá giá thường “quên” mất, đó là hạn chế nhập khẩu.
Hãy xem người Nga hiện đang chật vật thế nào với cuộc sống vì đồng ruble mất giá mạnh đã làm mọi thứ hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ quá tầm với của họ, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu và/hoặc chuyển sang dùng hàng hóa trong nước. Vì thế, khi VND bị phá giá, khối lượng nhập khẩu thường bị sụt giảm ở mức tương ứng (phá giá ít thì sụt giảm ít), do đó tỷ trọng hàng nhập khẩu trong rổ hàng hóa tính CPI cũng giảm theo, bởi vậy không nhất thiết làm tăng CPI (tức lạm phát).
Như vậy, việc phá giá VND thường không dẫn đến gia tăng áp lực lạm phát như người ta lo ngại. Ngược lại, phá giá VND rõ ràng sẽ có tác dụng cải thiện cán cân thương mại cho Việt Nam vì đã góp phần hạn chế nhập khẩu.
Sai lầm thứ tư: ổn định tỷ giá (VND lên giá thực) không làm tăng nhập siêu, do đó không cần phá giá.
Bất chấp lý thuyết và thực tế về ngoại thương liên quan đến phá giá chỉ ra lợi ích phá giá như nói ở trên, nhiều người lại chứng minh một cách ngụy biện rằng dù tỷ giá VND khá ổn định trong 2 năm qua (mặc dù VND lên giá thực so với USD do chênh lệch lạm phát lớn giữa Mỹ và Việt Nam, và, do đó, theo lý thuyết, sẽ dẫn đến nhập siêu) nhưng Việt Nam vẫn xuất siêu; điều đó chứng tỏ ổn định tỷ giá mới là tốt, hoặc không cần phá giá.
Quả là có nhiều tháng trong 2 năm qua Việt Nam đã có xuất siêu. Nhưng phải đặt ngược lại vấn đề rằng, nếu Việt Nam duy trì một tỷ giá cao hơn (VND yếu hơn) thì xuất siêu sẽ ở mức lớn hơn nữa. Trên hết, những người lập luận như trên sẽ giải thích thế nào trước hiện tượng Việt Nam quay trở lại trạng thái nhập siêu từ quý 4 năm 2014 (mặc dù VND chỉ bị phá giá nhẹ trong cả năm 2014 và không bị phá giá trong quý 4), và nhập siêu được dự tính ở mức lớn nhiều tỷ USD trong năm 2015 này? Quan trọn g hơn, người ta sẽ giải thích thế nào với thực tế rằng các nước nào có nhập siêu đều tìm cách phá giá bản tệ của mình để cải thiện tình trạng này?
Sai lầm thứ năm: phá giá làm suy giảm lòng tin nhà đầu tư nước ngoài.
Như đã nói, khi đã có áp lực phá giá VND mà NHNN không muốn phá giá thì buộc phải thực thi một số biện pháp ở trên, mà đều là những biện pháp gây ra tác dụng phụ hoặc không có hiệu quả. Vậy, cho dù có muốn cưỡng lại thì việc phá giá chỉ còn là vấn đề thời gian. Hơn nữa, NHNN có tiềm lực đến đâu để cưỡng lại được thị trường? Có tiềm lực mạnh như Nga với trên 500 tỷ USD dự trữ ngoại hối và các doanh nghiệp xuất khẩu đẻ trứng vàng với nguồn ngoại tệ dồi dào mà rốt cuộc vẫn phải đứng nhìn đồng ruble mất giá nặng nề. Cho dù không có sự trừng phạt và cấm vận của phương Tây, chỉ riêng việc dùng quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp vào tỷ giá đã làm nước này tổn hại hơn 100 tỷ USD chỉ trong vài tuần, để rồi vẫn buộc phải buông tay cho tỷ giá tăng vọt.
Do đó, nhà đầu tư nước ngoài hiểu được điều này, hiểu được tính ngắn hạn của những biện pháp can thiệp bình ổn tỷ giá, nếu có, của NHNN, và biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trong bối cảnh đó, việc NHNN khăng khăng tuyên bố không phá giá, không cần phá giá, có đủ nguồn lực để ổn định tỷ giá v.v... để rồi cuối cùng cũng phải phá giá sẽ chỉ càng làm cho uy tín của NHNN và niềm tin của nhà đầu tư bị sứt mẻ.
Tóm lại, về tỷ giá, bài học rút ra là muốn không phá giá thì đừng để áp lực phá giá gia tăng (do, ví dụ, thi hành một chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức, làm lạm phát tăng, VND lên giá thực lớn); và khi đã để áp lực phá giá đã gia tăng đủ lớn thì tốt nhất là hãy phá giá ở thế chủ động, với những bước nhỏ và ở thời điểm bất ngờ, chứ đừng “quyết liệt” nói không với phá giá để đến lúc tình thế tuột khỏi tầm kiểm soát, buộc phải buông tay để VND rơi tự do.