5 sai lầm có thể khiến sổ tiết kiệm "bốc hơi"
(Tài chính) Nếu không mở sổ tại quầy, bạn có thể bị nhân viên ngân hàng mạo danh để chiếm đoạt. Tương tự, vội vàng ký sẵn chứng từ, bạn có thể bỗng dưng thành con nợ thay vì chủ sổ.
Ngân hàng là nơi đáng tin cậy để gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, nhiều vụ việc gần đây cho thấy cán bộ nhà băng có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn để huy động vốn nhưng không đưa vào kho quỹ ngân hàng. Điển hình nhất là trường hợp Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên cán bộ Vietinbank đã huy động và chiếm đoạt hàng nghìn tỷ của các cá nhân, doanh nghiệp.
Do đó, ngoài vấn đề rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng, bạn cũng nên tránh những sai lầm dưới đây để cuốn sổ tiết kiệm không bị "bốc hơi" đáng tiếc.
1. Ký sẵn chứng từ
Gần đây nhất xảy ra vụ việc một Việt kiều đang làm việc và sinh sống tại Pháp gửi tiết kiệm 400.000 euro ở một ngân hàng Việt Nam nhưng không thể rút ra. Theo khách hàng này, ông được nhà băng thông báo trên hệ thống có 2 sổ tiết kiệm cùng 400.000 euro, cùng chủ tài khoản, cùng ngày gửi. Tuy nhiên, một trong hai sổ lại đang được thế chấp vay hơn chục tỷ đồng trong khi ông không hề hay biết.
Cũng theo vị khách này, vì quá tin tưởng nguyên phó giám đốc phòng giao dịch của ngân hàng sau nhiều lần hợp tác nên đã có lần ông ký sẵn vào các tờ giấy trắng. Khi ấy, cán bộ ngân hàng lý giải việc này nhằm thuận tiện, đỡ mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền lần sau.
Trên thực tế, nhiều giao dịch viên ngân hàng cho biết số khách hàng đồng ý ký sẵn một tập chứng từ kiểu này không ít. Đôi khi họ đi công tác, lại đến dịp đáo hạn hoặc đảo sổ tiết kiệm nên muốn làm vậy cho tiện. Tuy nhiên, bạn đừng quên, cách làm này lại tiềm ẩn vô cùng nhiều rủi ro cho khách gửi tiền.
2. Không mở sổ tiết kiệm tại quầy
Khách càng có nhiều tiền, càng dễ mắc sai lầm này. Vì họ là khách VIP, thân quen nên thường được nhân viên ngân hàng ưu ái đến tận nhà, nơi làm việc, sân golf hay thậm chí bất cứ chỗ nào để làm sổ tiết kiệm. Trường hợp này, rủi ro có thể phát sinh khi nhân viên ngân hàng giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống. Trên thực tế, các nhân viên ngân hàng đều nói rằng họ làm việc này vì khách hàng thân thiết và mọi giao dịch đều an toàn để lấy chữ tín.
3. Gửi tiền trước, nhận sổ hoặc chứng từ sau
Ngược lại, vì đã làm việc lâu năm với một số nhân viên ngân hàng thân thiết nên không ít khách gửi tiền chủ quan cho "nợ sổ" hoặc "nợ chứng từ". Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp nhân viên thân quen bị đuổi hoặc bỏ trốn và cuỗm theo toàn bộ số tiền tiết kiệm của khách hàng. Vì thế, bạn đừng quên, trước khi vi phạm lời hứa, ai cũng là những người giữ chữ tín.
Ngay cả khi nhận sổ tiết kiệm, bạn cũng nên kiểm tra thật kỹ các chứng từ, đủ dấu của ngân hàng và chữ ký của những người có trách nhiệm liên quan. Đây sẽ là bằng chứng để bạn trưng ra với ngân hàng khi sự việc xảy ra, họ lập luậ "tiền chưa thực sự vào hệ thống".
4. Không làm đúng thủ tục, quy trình tất toán sổ
Cách đây không lâu cũng xảy ra tranh cãi, kiện tụng giữa một khách gửi 70.000 USD (gần 1,5 tỷ đồng) và một ngân hàng ở TP HCM. Phía thì khách khẳng định có 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 70.000 USD nhưng ngân hàng lại cho rằng bản chất khách chỉ có một sổ. Theo nhà băng, do sai sót, giao dịch viên đã không làm thủ tục tất toán đầy đủ (có chữ ký của khách hàng) trước khi chuyển khoản số tiền từ sổ cũ sang sổ mới để hưởng chương trình khuyến mại.
Mặc dù ở vụ việc này, tòa án đã xử phía khách hàng thắng kiện nhưng bạn vẫn đừng quên theo dõi sát sao quy trình mở sổ, tất toán sổ của nhân viên ngân hàng để tránh rủi ro cho mình.
5. Thay đổi chữ ký liên tục
Dù không đến nỗi bị vô hiệu hóa sổ tiết kiệm nhưng đây lại là sai lầm phổ biến và gây phiền toái nhiều nhất cho không ít người. Hãy nhớ khi giao dịch với ngân hàng, từng nét chữ, bút tích bạn để lại đều có giá trị. Do đó, cũng không nên thấy làm quá phiền lòng khi bạn bị nhân viên ngân hàng yêu cầu ký đi ký lại chữ ký nhiều lần để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.