5 sai lầm khiến thực phẩm chức năng trở nên có hại
(Tài chính) Nhiều người coi thực phẩm chức năng là "thần dược" chữa bệnh mà không biết đến những hậu quả nghiêm trọng từ sự thiếu kiến thức khi sử dụng sản phẩm này. Dưới đây là 5 sai lầm thường gặp khi sử dụng thực phẩm chức năng.
Không cần biết đến thể trạng sức khỏe
Đông y phân bệnh thành 4 loại khí hư, huyết hư, dương hư, âm hư. Tùy theo tình hình cụ thể của từng bệnh nhân mà dùng các loại thuốc bổ khí, bổ huyết, bổ dương, bổ âm. Ví dụ người bị khí hư: cơ thể suy nhược, ăn không ngon, phân lỏng…nên dùng các vị thuốc bổ khí như tây dương sâm, đảng sâm, thái tử sâm…
Người huyết hư: sắc mặt vàng vọt, hoa mắt chóng mặt, kinh nguyệt không đều… nên dùng thuốc bổ huyết như đương quy, thủ ô, a giao…
Người bị dương hư: sợ lạnh, liệt dương, đổ mồ hôi… nên dùng thuốc bổ dương như nhân sâm, nhung hươu, nhục thung dung…Người âm hư: cơ thể gầy đi, ngủ không ngon, ù tai, mồ hôi trộm…nên dùng thuốc bổ âm như thục địa hoàng, khởi tử, củ mài…
Việc dùng thực phẩm chức năng không chỉ phụ thuộc vào từng người, còn tùy từng bệnh, từng thời điểm. Sử dụng thực phẩm chức năng một cách vô tội vạ sẽ dẫn đến mất cân bằng âm dương, khí trệ huyết ứ, không những không có lợi mà còn có hại. Ví như người mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, mỡ máu cao mà bồi bổ bằng các loại nhung hươu có thể bị chóng mặt, mắt đỏ, nôn ra máu, tiểu tiện ra máu. Hay như những người bị dương hư sợ lạnh, tiêu chảy mà dùng Lục Vị Địa Hoàng Hoàn thì chỉ có thể là “họa càng thêm họa”.
Dùng nhiều thực phẩm chức năng mà coi nhẹ ăn uốngThực phẩm chức năng không giúp con người ta sống lâu mà phải nhờ vào một lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân đối. 6 chất dinh dưỡng chính của cơ thể con người bao gồm đường, mỡ, đạm, muối, vitamin và nước đều chủ yếu được hấp thụ từ thực phẩm ăn hằng ngày. Chỉ trong thực phẩm các chất dinh dưỡng mới ở trạng thái cân bằng và vô hại. Các quan điểm cho rằng dùng nhiều loại vitamin rồi thì có thể ít ăn rau củ quả, hay thuốc bổ sung canxi có thể thay thế cho sữa đậu nành, sữa đều là sai lầm. Trẻ em thiếu sắt nên bổ sung bằng cách ăn nhiều rong biển, mộc nhĩ, gan động vật…, không nên phụ thuộc vào các sản phẩm bổ sung sắt.
Dùng nhiều trong thời gian dài
Rất nhiều thực phẩm chức năng có thành phần giống thuốc, do đó khi sử dụng cơ thể cũng sẽ phản ứng lại giống như khi uống thuốc. Những người yếu cần phải bồi bổ, nhưng nên bổ sung từ từ, dung nạp quá nhiều trong thời gian ngắn không chỉ gây áp lực lên đường ruột, mà còn có thể gây ra các phản ứng không tốt. Ví dụ mỗi ngày dùng 6g nhân sâm có thể gây nóng, xuất huyết, phát ban, bực bội, tăng huyết áp... Một số thực phẩm chức năng nên dùng theo liêu trình điều trị, có chừng mực, tránh gây thừa dinh dưỡng hay các tác dụng phụ. Ví dụ, trẻ em dùng sữa ong chúa trong một thời gian dài dễ dẫn đến thừa cân, dậy thì sớm, hay dùng vitamin C trong thời gian dài có thể làm tăng hàm lượng axit trong nước tiểu, thúc đẩy sự hình thành sỏi thận và sỏi bàng quang.
Dùng khi mắc các bệnh cấp tính
Khi mắc các bệnh cấp tính như cúm, sốt, viêm dạ dày cấp tính nên dừng việc sử dụng thực phẩm chức năng, đợi khỏi bệnh rồi mới dùng tiếp. Lúc này cơ thể đang yếu, dùng thực phẩm chức năng sẽ không có lợi cho việc hấp thụ và tiêu hóa. Ngoài ra, việc điều trị các bệnh cấp tính thường phải dùng đến thuốc kháng sinh, thuốc giải nhiệt, giảm đau, nhưng thực phẩm chức năng lại có chứa các thành phần như tannin, ion sắt, canxi, magie có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc.
Dùng sản phẩm càng đắt thì các tốt
Giá của các loại thực phẩm chức năng chịu sự chi phối của nhiều nhân tố như giá thành sản xuất, quá trình tiêu thụ, quảng cáo khiến giá bị đẩy lên cao. Vì vậy không phải cứ đắt là tốt, thuốc tốt là thuốc phù hợp với cơ thể mình. Ví dụ, bột protein hay dùng cho những người mắc các bệnh nặng về đường ruột hay ung thư giai đoạn cuối có giá khá đắt, nhưng người có chức năng tiêu hóa còn tốt, còn ăn được các thứ từ đậu, thịt, trứng thì không cần thiết sử dụng.