6 bước để đứng dậy sau mỗi lần thất bại
Kiên quyết phủ nhận trách nhiệm của mình đồng nghĩa với việc từ chối học hỏi những kinh nghiệm đã trải qua.
Doanh nhân Neil Patel là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ marketing trực tuyến, với thành tích sáng lập nên các dịch vụ nổi tiếng như QuickSprout, CrazyEgg, KissMetrics và Hello Bar.
Mặc dù vậy, con đường đi đến thành công của Neil cũng không hề suôn sẻ. Sau 2 năm lập ra công ty đầu tiên của mình và bỏ ra hàng ngàn USD vào đó, Neil nhận ra rằng mình đã thất bại hoàn toàn. Vào thời điểm đó, Neil cảm thấy chán nản, suy sụp và mất hẳn niềm tin vào con đường kiếm tiền trực tuyến.
Tuy nhiên, 2 năm cố gắng đó không phải là lãng phí hoàn toàn. Neil đã học được một vài bài học quan trọng. Từ đó, ông áp dụng chúng vào công ty tiếp theo của mình và gặt hái được một số thành công. Sau đó, ông trải nghiệm nhiều thất bại hơn nữa, và sự thành công cũng đến nhiều hơn. Cứ mỗi lần thất bại, Neil lại thu được nhiều thành công hơn một chút.
Neil đã sáng lập khoảng mười doanh nghiệp, nhưng mọi người chỉ biết về một vài cái tên, vì đơn giản là tất cả những dự án còn lại đều thất bại. Sau nhiều lần trải nghiệm, Neil đã rút ra được một quá trình 6 bước cần làm để đứng dậy sau mỗi thất bại và tiếp tục bước tới.
1. Chấp nhận rằng thất bại là mẹ thành công
Neil Patel thành thật chia sẻ ông đã gặp khá nhiều rắc rối để học được bước đầu tiên này. Nỗi ám ảnh thất bại đầu tiên của ông phải mất đến 2 năm mới mất hẳn, trong khi lẽ ra nó không nên kéo dài quá hai tuần. Lúc đó, Neil vẫn chưa hiểu được phương châm "thất bại chóng vánh" (fail fast), kết quả là ông từ chối chấp nhận rằng mình đã thất bại và giữ nỗi ám ảnh đó quá lâu.
Bước đầu tiên trong bất kỳ quá trình gượng dậy nào cũng là phải thừa nhận sự thất bại. Điều này nghe có vẻ tiêu cực, nhưng không phải ngẫu nhiên mà Neil lại đặt nó là bước đầu tiên cần làm. Nếu bạn không xem thất bại của mình là một phần trên con đường dẫn tới thành công, bạn sẽ không bao giờ vượt qua nó. Thay vào đó, bạn có thể mắc phải sai lầm như Neil: cắm đầu cắm cổ rót thêm hàng ngàn USD vào một công ty đã chết từ lâu.
Trước hết bạn phải học cách chấp nhận những gì đã xảy ra. Có thể bạn không thích điều đó, nhưng phải biết thừa nhận rằng mình đâu thể thay đổi được những sai lầm trong quá khứ. Từ đó, hãy chuyển hướng suy nghĩ rằng bạn đã có thêm một thất bại nữa để đến gần hơn với thành công.
2. Cứ đau vì thất bại đi, nhưng đừng ôm nỗi đau đó quá lâu
Thay vì dồn nén hết cảm xúc và giả vờ rằng mọi chuyện vẫn ổn thỏa, bạn cần phải dành ra thời gian để chiêm nghiệm và gặm nhấm nỗi đau thất bại. Buồn bực và giận dữ là những cảm xúc tiêu cực đấy, nhưng chúng rồi sẽ mang lại cho bạn nguồn cảm hứng để đứng dậy và bắt đầu lại từ đầu.
Quá trình này có thể mất ba tháng, nhưng với vài người thì có thể chỉ mất 30 phút. Bất kể nó kéo dài bao lâu, hãy dành ra đủ thời gian mà bạn thấy cần thiết. Một khi khoảng thời gian đó đã hết thì bạn phải đứng dậy và đi tiếp.
3. Chấp nhận toàn bộ trách nhiệm
Một khi bạn thừa nhận những gì đã xảy ra và cho mình đủ thời gian để cảm nhận nỗi đau, thì bây giờ là lúc để chấp nhận trách nhiệm.
Điều này nghe có vẻ khắc nghiệt nhưng bạn phải nhớ rằng người chịu trách nhiệm cho sự thất bại là bạn. Không phải do đối tác kinh doanh, không phải do nhân viên của bạn, không phải do nhà đầu tư mà chính là bản thân bạn.
Bạn phải thực sự hiểu được chuyện này trước khi có thể đứng lên và phục hồi từ thất bại. Nó sẽ giúp cải thiện khả năng lãnh đạo, tăng cường tinh thần trách nhiệm và giúp bạn những vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới dễ dàng hơn.
Một yếu tố khác nữa là khi làm như vậy, bạn cho mình một cơ hội để học hỏi kinh nghiệm. Kiên quyết phủ nhận trách nhiệm của mình đồng nghĩa với việc từ chối học hỏi từ kinh nghiệm đã qua. Khi bạn nhận về mình 100% trách nhiệm, đó chính là lúc bạn có thể bắt đầu “tái xuất giang hồ”.
4. Liệt kê lại những điều đã làm sai
Hãy nhớ lại những lần bạn đi chệch hướng: tài chính, tuyển dụng, mâu thuẫn nội bộ, sai lầm marketing,… Có thể bạn đã chọn sai đối tác. Có lẽ bạn đã không đủ cẩn thận với các yếu tố pháp lý. Có thể bạn đã không đầu tư đủ thời gian để trau dồi kỹ năng marketing của mình.
Neil Patel đã vấp phải tất cả những sai lầm kể trên. Ông đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ về thất bại của mình, liệt kê lại những sai lầm và từ đó vẽ nên lộ trình để sửa chữa. Theo Neil, đây cũng là một bài tập cần thiết để tập tính khiêm tốn, vì không có gì ý nghĩa hơn việc tự mình nhìn thấy mình đã sai như thế nào.
5. Phác thảo kế hoạch khởi nghiệp mới
Lên kế hoạch là bước thứ năm để phục hồi từ thất bại và tiến bước trở lại trên con đường dẫn đến thành công. Hãy chắt lọc tất cả mọi thứ bạn học được từ thất bại và biến chúng thành một kế hoạch mới.
Lúc này, bạn đã biết những sai lầm đã mắc phải và biết phải làm gì để sửa chữa. Bạn đã đi qua được bốn bước kể trên để đến được thời điểm này. Tuy nhiên, việc tạo ra một kế hoạch chi tiết là việc cần khá nhiều chất xám và mất thời gian đáng kể.
Dù sao, hãy nhớ rằng bạn có một lợi thế mạnh mẽ: Bạn biết điều gì có thể đem tới rắc rối cho doanh nghiệp của mình, và bạn biết làm thế nào để tránh gặp phải chúng.
6. Dốc hết sức lực
Bước cuối cùng là gì? Đơn giản là hãy bắt đầu xây dựng doanh nghiệp tiếp theo của bạn. Không có gì mạnh mẽ bằng trải nghiệm thất bại trong việc kích thích bạn tăng tốc. Một khi bạn đạt được những thành công mới, bạn sẽ ngoái lại và mỉm cười với các thất bại trước đó của mình. Bạn sẽ cảm thấy biết ơn những bài học mà chúng đã dạy cho bạn.
Đó là lúc bạn thấy mình già dặn hơn một chút, khôn ngoan hơn một chút, và quan trọng nhất là đến gần chiến thắng hơn một chút. Steve Jobs, Bill Gates, J.K. Rowling là những bài học về việc trỗi dậy từ thất bại để nên mạnh mẽ hơn xưa rất nhiều. Và bạn cũng có thể trở thành như họ. Hãy ngẩng cao đầu và tiếp tục bước về phía trước.