6 cách chi tiêu tiết kiệm
(Tài chính) "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", nếu biết chi tiêu tiết kiệm thì bạn sẽ không bị quá đau đầu mỗi khi thị trường tăng giá.
1. Dùng bóng đèn compact
Theo TS. Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện và Dung dịch hoạt hóa điện hóa, các chuyên gia ngành điện tính toán, bóng đèn tròn công suất hàng trăm w thì các loại bóng đèn compact chỉ khoảng 20w trở xuống, dùng điện 3 giờ/ngày thì 1 bóng đèn compact 1 năm tiết kiệm được 50kwh. Đèn ống phi 26 còn giảm tiêu thụ điện 10% so với đèn phi 32, tuổi thọ cao, tiết kiệm điện, bảo vệ mắt, đáp ứng mọi nhu cầu về chiếu sáng. Vì vậy, nên sử dụng bóng đèn compact trong gia đình để làm nhẹ hoá đơn tiền điện.
2. Phát huy tài tề gia nội trợ
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB tiêu dùng nữ Hà Nội khuyên những người nội trợ không nên ham rẻ hoặc muốn đi chợ ít lần nên mua thực phẩm về chất đầy tủ lạnh, vừa tốn điện, vừa không tươi ngon. Có thể tiết kiệm thêm bằng cách ăn bữa sáng ở nhà, việc tiết kiệm vừa an toàn cho sức khỏe.
Về vấn đề trang phục thì không nên chạy theo mốt và hạn chế mua sắm quần áo. Theo bà Quỳnh Chi, vải may quần áo bây giờ rất rẻ, nhưng công may thì đắt gấp đôi, gấp ba và cứ thêm một đường may, đường nhún là phải trả thêm tiền. Chị em hãy phát huy tối đa kinh nghiệm tề gia nội trợ. Quá trình may vá, nấu nướng cũng tạo cho chị em nhiều niềm vui.
3. Thuê nhà gần cơ quan
Nếu cơ quan ở trung tâm thành phố thì giá thuê nhà sẽ không rẻ. Tuy nhiên, nếu tính tổng chi phí như: Xăng, thời gian, công sức... sẽ thấp hơn nhiều so với việc phải đi làm xa. Ở thành phố, nên đi xe buýt thay taxi, xe máy để tiết kiệm xăng. Hãy rửa xe tại nhà, tự gói quà, làm quà tặng, thiệp... sẽ bớt tốn tiền. Nếu muốn xem phim, hãy chọn những giờ có giá vé rẻ hơn (như buổi trưa, chiều). Nên dạo bộ ở công viên, gạt những thông báo hàng mới về trong email để tránh phải tiêu tiền. Đi mua sắm nên tận dụng các thẻ giảm giá. Ra chợ đừng ngại mặc cả vì có thể giảm được đến 1/2 giá bán. Nếu mua quần áo, nên mua loại ít phải là bởi bàn là rất tốn điện.
4. Tập trung vào vật dụng cần thiết
Nhiều gia đình mua lò vi sóng, nhưng chỉ dùng mỗi chức năng hâm nóng, rã đông thực phẩm. Hay mua cả cái lò nướng nhưng chỉ nướng vào mỗi mùa đông... Bà Quỳnh Chi cho rằng, không có công thức chung cho chi tiêu bởi mỗi nhà, nhưng mua sắm gì cũng nên tính đến nhu cầu thực sự sử dụng. Hãy tập trung vào các vật dụng thiết yếu, rồi hãy sắm dần khi có điều kiện.
5. Lập sổ chi tiêu
Anh Trung Kiên (Trung tâm tư vấn gia đình, Trường Cán bộ Phụ nữ TƯ- Hà Nội) khuyến cáo, cuốn sổ ghi thu chi hàng ngày rất cần thiết. Nhìn vào đó sẽ thấy hôm trước chi tiêu quá tay thì hôm sau sẽ hãm lại. Như thế, cuối tháng sẽ không gặp khó khăn về tiền bạc. Nếu vay tiêu dùng, mua hàng trả góp cần suy nghĩ kỹ bởi sau đó sẽ phải "cày" trả nợ nhiều năm. Sau khi tính tổng thu nhập, hãy để riêng các khoản cố định như tiền học của con, tiền điện, gas hàng tháng.... rồi mới cân đối chi tiêu. Nên trích khoản dự phòng gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Nếu có một khoản tiền tạm thời, hãy tìm cơ hội đầu tư để thử cơ may, nhưng đừng dùng khoản tiền "phòng bất trắc" để đầu tư.
6. Tìm việc làm thêm
Bà Quỳnh Chi khuyên, mọi người nên tìm việc làm thêm để tăng thu nhập. Các cụ đã dạy rằng phi thương bất phú, vì vậy mọi người đừng ngại ngần khi phải "chường mặt ra đường". Sau giờ làm việc hãy tìm chỗ để kinh doanh nhỏ, tăng thu nhập.