6 sai lầm thường gặp về tiền bạc
Trên thực tế, ngay cả khi không đánh bạc, tiền vẫn có thể “chuyển” từ túi người này sang túi người khác nếu bạn thiếu kiểm soát chặt chẽ.
Theo Forbes, dưới đây là 6 sai lầm về tiền bạc mà những người thông minh nhất cũng thường mắc phải.
Mua đồ giảm giá
Đây không phải cách tiêu tiền thông minh bởi giá trị của món hàng giảm đến đâu hay bạn tiết kiệm được bao nhiêu khi mua nó cũng là vô ích nếu bạn không dùng đến hoặc không có nhu cầu dùng nó. Đây là một thói quen của phụ nữ. Tuy nhiên, nên cân nhắc trước một món đồ “on sale”: “Bạn có thực sự thích món đồ này không? Và bạn sẽ dùng nó vào việc gì?”.
Mua những thứ không cần thiết
Bạn đã từng bỏ ra hàng nghìn đô la để mua một cây cảnh bonsai đặt trong nhà? Bạn vừa mua một chiếc xe thể thao mui trần sang trọng để xứng tầm với bạn bè nhưng lại đổi một chiếc sedan lớn hơn vào ngày hôm sau?...
Do chăm sóc không cẩn thận, cây bonsai chết. Chiếc sedan bị lỗi thời vì có nhiều mẫu xe mới ra hiện đại hơn … Kết quả, dường như bạn đang mang tiền đi làm từ thiện cho các nhà sản xuất. Mẹo giữ tiền tốt nhất là bạn nên cất chúng vào trong ví và hạn chế chi tiêu những thứ không thực sự cần thiết.
Dùng tiền cho những vấn đề “không thể giải quyết bằng tiền”
Để có được làn da trắng sáng, bạn chi cả đống tiền vào các loại mỹ phẩm, kem dưỡng da, spa tắm trắng… Nhưng có những cách đơn giản đem lại hiệu quả bất ngờ mà không tốn một xu chẳng hạn như tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc...
Hoặc khi mệt mỏi, bạn cho rằng đi ăn uống hay đến những trung tâm mua sắm sang trọng mới có thể xả stress. Trên thực tế có những cách đơn giản hơn mà bạn không hề hay biết như đi dạo cùng bạn bè hoặc ngồi tâm sự với chú cún cưng của bạn. Không nên vung tiền cho những vấn đề “không cần tiền để giải quyết”.
Không chi tiền cho những việc quan trọng
Mục đích bạn kiếm tiền là gì? Có đơn giản là bạn chỉ khư khư cất tiền và không dám chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu của mình. Đôi khi, bạn cần phải chấp nhận chi tiền cho những việc thực sự quan trọng đối với cuộc sống của mình. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được giá trị của việc kiếm tiền và dùng nó để thỏa mãn ước mơ.
Không tiết kiệm
Bạn đã từng thanh toán hóa đơn điện thoại, hóa đơn tiền nhà, tiền điện… sau đó phần còn lại mới tiết kiệm hoặc chi tiêu cho bản thân. Tuy nhiên, lời khuyên tài chính khôn ngoan là hãy dành mỗi khoản để chi cho bản thân trước, sau đó là tiết kiệm.
Hàng tháng bạn nên để dành một khoản tiền nhất định trong “vùng an toàn”, không sử dụng số tiền này trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trường hợp khẩn cấp.
Không dám mua đồ đắt tiền
Bạn sống cạnh một con sông khá đẹp và bạn muốn mua một cái ống nhòm để hàng ngày ngắm cảnh. Tuy nhiên bạn lại đắn đo lựa chọn giữa loại ống nhòm đắt tiền và một chiếc khác rẻ hơn. Khi mua chiếc ống nhòm giá rẻ, bạn nghĩ đã có một khoản tiết kiệm hợp lý, nhưng chất lượng lại không như bạn mong muốn.
Chiếc ống nhóm bạn đã mua không được sắc nét, không nhìn được quá xa như bạn mong đợi. Kết quả là khoản tiền tiết kiệm không có được như mong muốn, thậm chí bạn còn mất thêm tiền.