6 thói quen chi tiêu của người giàu?
(Taichinh) - Bất kể bạn giàu hay nghèo, những thói quen chi tiêu "nghèo" sẽ rất nhanh chóng rút cạn cả tài khoản dồi dào nhất. Vì vậy, kể cả người giàu cũng rất chú ý đến việc chi tiêu hàng ngày.
"Giá tiền luôn là vấn đề. Tất cả mọi việc đều xoay quanh liệu bạn có chi tiền đúng hay không mà thôi", Amy Salinger - chuyên gia trang phục cá nhân cho các khách hàng triệu phú tiết lộ.
Rất nhiều người giàu không thực sự coi mình là người giàu có, theo Tom Corley - tác giả cuốn sách "Những thói quen giàu có" cho biết. Tâm lý đó đã giúp họ kiểm soát chi tiêu của mình. Theo số liệu ông có được, phần lớn người có tài sản 3,2-5 triệu USD không coi mình là người giàu. "Mối ưu tiên lớn hơn của họ là tích lũy và giữ tiền", ông nói.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể chi tiêu như người giàu và duy trì của cải của mình, kể cả khi không có tài sản 7 chữ số. Dưới đây là những thói quen tiêu tiền của người giàu do CNN thống kê.
Đừng phí tiền vào nhà ở
Sống trong một căn biệt thự xa xỉ quả là tuyệt vời, cho đến khi bạn nhận ra mình chẳng thể mua gì khác sau khi đã trừ khoản trả góp hàng tháng.
Corley cho biết, người giàu (có thu nhập hàng năm ít nhất 160.000 USD hoặc 3,2 triệu USD tài sản trở lên) không chi quá 25% thu nhập mỗi tháng cho nhà ở và thậm chí chi dưới 10% cho hoạt động giải trí. Nguyên tắc chung là luôn giữ chi phí nhà cửa dưới 30% thu nhập hàng tháng.
Đừng mua sắm khi đang cần gấp
Dù đó là bộ vest cho buổi phỏng vấn xin việc, hay chiếc xe hơi để thay thế cái cũ đã hỏng hóc, kiểu mua đồ này chính là kẻ thù lớn nhất của bạn, Salinger cho biết. Vì khi ấy, bạn căng thẳng về thời gian, ít so sánh được giữa các cửa hàng và thường khiến mình chi quá tay một cách không cần thiết.
Phô trương đúng cách
Tất cả mọi người đều thích mua sắm, nhưng hãy khiến công việc này giúp ích cho bạn nhiều nhất có thể. Hãy đảm bảo bạn mua hàng chất lượng, hữu dụng và bền.
"Đừng bao giờ chi phóng tay cho những đôi giày cao gót màu tím. Và hãy mua ở cửa hàng nào có chính sách đổi trả", Salinger cho biết.
So sánh giá cả và giá trị
Khi phải quyết định một món hàng nào đó có xứng đáng hay không, bạn nên chia giá của chúng theo số lần sử dụng, Salinger cho biết.
"Với trang phục chẳng hạn, hãy chia chúng cho số lần mặc. Một món đồ không đắt lắm, nhưng hiếm khi mặc cũng có thể chẳng phải món hời. Trong khi đó, món đắt đỏ nhưng được dùng thường xuyên sẽ có giá trị lớn hơn", cô nói.
Áp dụng phương pháp "cao-thấp"
Khi mua quần áo, hãy kết hợp các món đồ cao cấp với những đồ giá rẻ. Salinger từng quở trách một khách hàng vì chi tới 150 USD cho một chiếc áo trắng. "Cái giá ấy không đáng chút nào. Hãy đầu tư cho những món đồ chủ chốt trong tủ quần áo của bạn và tìm hàng giá rẻ cho những món không quan trọng lắm", cô nói.
Cô thường phải đi rất nhiều cửa hàng để chọn đồ cho khách. Rất nhiều quần áo Salinger mua ở khu cao cấp - Bergdorf Goodman được cô phối với hàng giảm giá ở Nordstrom Rack.
Hạn chế chi tiêu vào những đồ "tội lỗi"
Người giàu luôn giới hạn khoản chi cho rượu, thuốc lá và đánh bạc. Chỉ khoảng 6% người giàu chơi xổ số hàng tuần và 16% đặt cược vào thể thao, theo Corley.
Bên cạnh đó, chỉ khoảng 13% người giàu uống đến say xỉn trong tháng trước, so với 60% của người nghèo (thu nhập dưới 35.000 USD một tháng và có dưới 5.000 USD tài sản). Còn về thuốc lá, chỉ 21% người giàu hút thuốc thường xuyên, bằng một nửa người nghèo (47%).