61% người dùng ngại mua hàng trực tuyến vì lý do bảo mật

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Có đến 26% người dùng rời bỏ đơn hàng đã đặt khi phải khai thông tin cá nhân. Đây là một trong những trở ngại cho việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một cuộc khảo sát và đánh giá về tình hình an toàn thông tin của các website thương mại điện tử đã được VECOM tiến hành trên một số website thương mại điện tử là thành viên của VECOM hoạt động trong hai lĩnh vực bán lẻ và thanh toán với mức độ nhận diện thương hiệu cao và lượng người truy cập lớn đã cho thấy tại Việt Nam, vẫn còn tới 33% hệ thống website thương mại điện tử đang hoạt động trên thị trường gặp lỗi nghiêm trọng. Đây là tỷ lệ lớn và tương ứng với hàng ngàn người tiêu dùng đang gặp rủi ro đối với dữ liệu của họ.

Một đại diện của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng các website chúng ta dùng hiện nay chỉ cần sử dụng mật khẩu nên vẫn có nguy cơ về bảo mật lớn vì mật khẩu tài khoản không an toàn. Trong khi đó, việc đảm bảo thông tin cá nhân rất được người dùng quan tâm. Vị này cho biết có đến 86% người dùng sẽ rời website khi được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Đáng chú ý là 17% website trong khảo sát tại Việt Nam mắc rủi ro nghiêm trọng về việc thông tin người dùng bị xem trái phép bởi có những người dùng khác. Điều này có nghĩa là một khách hàng khi sử dụng dịch vụ thương mại điện tử tại các website này có khả năng mất các thông tin cá nhân của mình như: tên, email, mật khẩu (dạng mã hóa) hoặc các thông tin ngân hàng.

Các website thương mại điện tử bán lẻ thường có số lượng lớn khách hàng nên dữ liệu này trở thành tài sản quý giá đối với những kẻ có mục đích xấu. Thông tin đó có thể được dùng để xâm nhập trái phép thông tin của khách hàng.

Ngoài ra, cũng qua khảo sát, các rủi ro nghiêm trọng khác có thể gặp phải là: thông tin người dùng bị sửa trái phép, thông tin giao dịch bị xem trái phép và dữ liệu trên máy chủ bị xem/sửa đổi trái phép. Các rủi ro này theo khảo sát có tỷ lệ 8%. Tức là khi khách hàng cung cấp thông tin, giao dịch qua website đó có thể bị xem trộm dữ liệu giao dịch, đặc biệt, máy chủ có thể bị tấn công và lợi dụng lỗ hổng máy chủ để kiểm soát thông tin.

Thậm chí, qua khảo sát phát hiện có website thương mại điện tử chiếm thị phần hàng đầu thị trường tồn tại đồng thời trên một lỗi nghiêm trọng.

Vấn đề an toàn thông tin khi giao dịch trực tuyến đóng vai trò quan trọng. Một trong nhiều nguyên nhân là tỷ lệ các giao dịch trực tuyến ngày càng tăng. Ngành thương mại điện tử thể hiện rõ nhất điều này khi doanh số thương mại điện tử đạt hơn 4 tỷ USD và tăng trưởng tới 37% trong năm 2015 (theo báo cáo thương mại điện tử của Bộ Công Thương).

Mới đây,  ông Pine Kyaw, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cũng cho biết tâm lý người tiêu dùng Việt cảm thấy rất thiếu an toàn khi mua sắm trực tuyến, dẫn đến không chịu thanh toán online cũng như không mua các mặt hàng giá trị lớn qua kênh trực tuyến.

Cụ thể là tỷ lệ lựa chọn thanh toán khi giao hàng của người dân Việt Nam là gần 65%, gấp hơn 8 lần so với mức trung bình trên thế giới (chỉ khoảng 8%), trong khi đó, tỷ lệ thanh toán bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng gần như không đáng kể.