7 xu hướng chuỗi cung ứng phổ biến năm 2018
Theo đánh giá vừa mới được công bố của Công ty tư vấn CEL Consulting, trong năm 2018 các xu hướng chuỗi cung ứng sẽ là sự tiếp diễn của năm 2017 với ảnh hưởng rõ rệt hơn đến thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam - với 7 xu hướng chính.
Robot sẽ phát triển linh hoạt hơn
Năm 2017 nhiều doanh nghiệp (DN) đã triển khai thành công robot và đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo. Robot được ứng dụng để thay thế con người trong các lĩnh vực như logistics, bán hàng, dịch vụ khách hàng… và xu hướng này sẽ tiếp tục được phát triển linh hoạt hơn trong năm 2018 để phục vụ nhu cầu đa dạng của DN. Đơn cử, nhà máy Apple, Samsung và Foxconn tại Trung Quốc cắt giảm 60 ngàn lao động nhờ ứng dụng robot.
Xu hướng “robot hóa" có thể sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhanh hơn khi mà chính phủ Trung Quốc đã triển khai "kế hoạch robot 5 năm" với định hướng đưa quốc gia này thành một cường quốc ứng dụng và sản xuất robot hàng đầu thế giới.
Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 1/3 tổng số robot được sử dụng trên toàn thế giới và tăng trưởng mỗi năm khoảng 30%. Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tiêu thụ khoảng 40% sản lượng robot toàn cầu vào năm 2019.
Xu hướng đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Nam Á.
Văn Phòng Kinh tế công Nghiệp (OIE) của Thái Lan cho biết chính phủ nước này sẽ đầu tư 6 tỷ USD trong 5 năm tiếp theo để phát triển công nghệ robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Quỹ Nghiên cứu quốc gia Singapore (NRF) sẽ đầu tư 100 triệu USD để tài trợ cho các dự án phát triển AI. Các ngân hàng tại Philippines và Malaysia như Bank of the Philippine Islands (BPI), BDO Unibank Inc., Al Rajhi Bank, đang tiến hành đầu tư vào AI cho phép nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tư vấn tài chính và chống rửa tiền. Có thể thấy rằng "làn sóng trí tuệ nhân tạo" sẽ tiếp tục lan đến khu vực Đông Nam Á rất nhanh chóng.
Bài toán an ninh mạng sẽ tiếp tục đòi hỏi lời giải đáp
Tại Việt Nam và thế giới, virus Wanna Cry cũng đã gây điêu đứng cho nhiều DN khi không chỉ làm tốn kém tiền của mà còn hủy hoại hệ thống dữ liệu thông tin vô giá. Tuy nhiên, những rủi ro về an ninh mạng vẫn không thể ngăn được xu hướng đưa hệ thống ERP lên "đám mây" (cloud).
Việc đưa ERP lên đám mây cho phép DN loại bỏ thời gian chờ đợi cập nhật cơ sở dữ liệu, quản lý toàn diện các hệ thống IT trên cùng một nền tảng, và giảm chi phí duy trì một bộ phận IT. Vì vậy việc cải thiện an ninh mạng để giảm mối lo cho các DN sử dụng ERP là một trong những điểm nhấn của năm 2018.
Crowdsourcing là một trong những xu hướng mới trong ngành sản xuất
Đây là hình thức giao công việc cho một cộng đồng hoặc một nhóm người thông qua một "lời kêu gọi" để tất cả có thể cùng đóng góp thực hiện công việc đó. Một ví dụ điển hình là công ty GE Appliances, trước kia vốn là một chi nhánh của General Electrics (GE), nay đã được bán lại cho tập đoàn Haier.
Công ty này có một trung tâm phát triển sản phẩm mới nơi mà ý tưởng được xây dựng bằng phương pháp crowdsourcing và những ý tưởng được bình chọn cao nhất bởi các thành viên tham gia sẽ được đưa vào sản suất và thử nghiệm trên thị trường. Những thành viên tham gia "phát minh" ra sản phẩm mới sẽ được thưởng từ 500- 2.500 USD cho mỗi ý tưởng được chọn kèm thêm 0,5% hoa hồng trên doanh số. Những sản phẩm có doanh số cao sẽ được đưa vào doanh mục sản phẩm chính thức của GE.
Rút ngắn dòng đời sản phẩm
Việc rút ngắn dòng đời của sản phẩm cho phép DN thường xuyên đưa ra những sản phẩm mới bắt kịp với thị hiếu của người tiêu dùng. Theo Bloomberg, công ty Volkswagen sẽ giảm dòng đời trung bình của sản phẩm từ 5 năm xuống còn 2 năm. Công ty cho biết điều này sẽ giúp họ bán được khoảng 800 ngàn xe tại thị trường Mỹ vào năm 2018, gấp đôi so với 2017.
Xu hướng sản suất "xanh" thân thiện với môi trường
Trong năm 2017 đã trở thành một trong những mục tiêu chiến lược của các tập đoàn trên thế giới. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2018 cho dù có sự tham gia của Hoa Kỳ hay không. Trung Quốc cũng nhìn thấy cơ hội trở thành một cường quốc cung cấp năng lượng sạch và dự kiến sẽ đầu tư khoảng 360 tỷ USD từ nay cho đến năm 2020 cho năng lượng sạch.
Quan tâm hơn đến giải pháp đa kênh (Omni- channel)
Với đặc điểm cho phép phối hợp các kênh bán hàng một cách thống nhất, tăng độ phủ sóng thương hiệu và nâng cao dịch vụ khách hàng, các DN hiện đang quan tâm đầu tư thử nghiệm mô hình đa kênh (omni- channel).
Không kể đến Walmart và Amazon, vốn là những ví dụ điển hình của mô hình này, tại Việt Nam, một số DN sản xuất lẫn bán lẻ lớn cũng đang từng bước thử nghiệm đa kênh với các trang thương mại điện tử của riêng mình.
Một số tên tuổi lớn có thể kể đến như Vinamilk, Lotte Mart, Saigon Co.op. Xu hướng này sản sinh ra một cơ hội cũng như thách thức đối với các DN cung cấp dịch vụ logistics trong năm 2018, đó là khả năng cung cấp giải pháp logistics đa kênh.