8 lời khuyên tiền bạc hay nhất 2017
CNBC vừa tổng kết 8 lời khuyên về tiền bạc hay nhất năm 2017 của những người giàu tự thân mà ai cũng có thể tham khảo.
Có rất nhiều lời khuyên về tiền bạc mà bạn có thể đã đọc và nghe đâu đó trong suốt năm qua. Để tổng kết những kinh nghiệm hữu ích cho mọi người, CNBC Make It đã chọn ra 8 lời khuyên hay nhất về tiền bạc trong năm 2017. Đây là những quan điểm về đầu tư và tiết kiệm, được chia sẻ bởi các triệu phú và tỷ phú USD tự thân.
Suze Orman: Tìm niềm vui trong việc tiết kiệm
Theo chuyên gia tài chính cá nhân Suze Orman, chìa khóa của việc tiết kiệm thành công là bạn phải tìm được niềm vui trong dành dụm. Niềm vui đó cũng phải giống như cảm giác thích thú khi bạn được tiêu tiền. Bà Orman cho rằng bạn phải từ bỏ cảm giác tiết kiệm tức là ta đang sa sút, khó khăn. Thay vào đó, nó nên là một cách để thỏa mãn bản thân.
Ngoài ra, không nên đặt câu hỏi khi nào mình được sử dụng khoản tiền tiết kiệm. Thay vào đó, hãy tự hỏi bao giờ bạn bắt đầu thưởng thức được niềm vui khi hạn chế bớt được những chi tiêu không cần thiết. "Nếu làm được đều này, bạn sẽ cảm thấy không quan tâm đến việc tiêu tiền nữa”, bà Orman khuyến nghị.
Warren Buffett: Đầu tư tốt nhất là cho chính bản thân
“Cuối cùng, có một khoản đầu tư thay thế được cho tất cả những thứ khác. Đó là đầu tư cho chính bản thân bạn. Không ai có thể lấy đi những gì trong chính bạn và mọi người điều có những tiềm năng mà họ chưa từng sử dụng đến”, huyền thoại đầu tư, tỷ phú Warren Buffett chia sẻ trong buổi trò chuyện với tạp chí Forbes.
Kyle Taylor: Dùng quy tắc 50-30-20
Kyle Taylor - Nhà sáng lập kiêm CEO của The Penny Hoarder là một người không tiền và trở thành triệu phú tự thân chỉ trong một vài năm. Ông đã chia sẻ với CNBC Make It một công thứ đơn giản để tiết kiệm, đặc biệt là khi nhận được một lúc nhiều tiền mặt hay tiền thưởng.
Nó được gọi là “quy tắc 50-30-20”. Cụ thể, 50% số tiền được chuyển thẳng vào ngân hàng. Đó là phần gửi tiết kiệm dùng để phòng thân hay vì những mục tiêu dài hạn cần chi tiêu lớn. Trong khi đó, 30% được dành cho nhu cầu chi tiêu của cuộc sống hàng ngày. Cuối cùng 20% còn lại là dành để vui chơi, tự thưởng cho bản thân.
“Định ra tỷ lệ phần trăm từ trước sẽ giúp bạn vừa tự do nhưng cũng vừa kiểm soát tiền bạc, đảm bảo bản thân đang đưa ra một quyết định tài chính khôn ngoan", triệu phú Kyle Taylor nói.
Spike Lee: Đừng ngại xài tiền của người khác
“Tôi thấy không có vấn đề gì khi hỏi mượn tiền mọi người. Bởi vì tôi tin tài năng của mình, khả năng kể chuyện của mình và cả những người cùng hợp tác trong những dự án tôi thực hiện”, nhà đạo diễn nổi tiếng chia sẻ quan điểm với Wealthsimple hồi đầu năm.
Suy nghĩ của ông Lee không phải là cá biệt. Đơn cử như triệu phú tự thân Steve Siebold. Ông đã xuất bản quyển sách “How Rich People Think (Tạm dịch: Những người giàu suy nghĩ như thế nào)” sau khi phỏng vấn hơn 1.000 người giàu có. Ông kết luận một trong những điểm chung của họ là không ngại đầu tư cho tương lai bằng việc sử dụng tiền của người khác.
“Câu hỏi thực sự là ‘Điều này có đáng mua, đầu tư hay theo đuổi không?’ Nếu có, họ hiểu rằng tiền bạc luôn sẵn có bởi vì những người giàu khác lúc nào cũng tìm kiếm những phi vụ đầu tư tốt và những tài năng để số tiền đầu tư của họ sinh lời", Siebold viết.
Mark Cuban: Mua hàng sỉ và hàng giảm giá
“Thật khó để kiếm lời từ những khoản đầu tư thông thường… bạn tốt hơn nên mua kem đánh răng cho hai năm khi nó được giảm giá 50%. Có một khoản lợi nhuận ngay lập tức trong khoản tiền mà bạn chi ra này”, tỷ phú tự thân Mark Cuban tuyên bố trong cuộc trò chuyện với Vanity Fair vào năm 2017.
Không chỉ dừng lại với kem đánh răng. Cuban cho biết chiến lược này áp dụng cho bất kỳ món đồ tái sử dụng hoặc hàng tiêu dùng nào mà bạn buộc phải mua. “Khi chúng đang giảm giá nhiều trên Amazon, hãy mua chúng. Bởi vì đây là các cơ hội, giá của chúng sẽ tăng lên. Đây là khoản tiết kiệm thực tế mà bạn bỏ vào túi của bạn”, ông nói.
Grant Cardone: Tạo ra nhiều nguồn thu nhập
“Bạn sẽ không trở nên giàu có nếu không có nhiều nguồn thu nhập. Bắt đầu từ thu nhập hiện tại của bạn. Tăng thu nhập đó và tạo thêm nhiều nguồn mới", triệu phú tự thân Grant Cardone, người đã từng ngập sâu trong nợ nần trước khi giàu có cho biết.
Theo Grant Cardone, điều mọi người cần là phát triển được các nguồn thu nhập mới nhưng có liên quan lẫn nhau. Kiếm thêm tiền bằng cách làm thêm các công việc hoàn toàn khác biệt nhau không phải ý hay. Thay vào đó, hãy làm những công việc có liên quan đến công việc chính của bạn.
Chris Reining: Để tiết kiệm số tiền lớn, hãy bắt đầu từ số nhỏ
Chris Reining có các khoản đầu tư triệu đô khi bước vào tuổi 35 và quyết định nghỉ hưu 2 năm sau đó. Theo ông, chìa khóa để tiết kiệm được số tiền lớn thì phải bắt đầu từ những số tiền cỏn con.
“Tôi biết có một số nói rằng bạn không nên lo lắng về việc uống một ly latte chỉ có 5 USD. Nhưng tôi lại càng nghĩ về nó nhiều hơn. Việc giảm bớt một ly latte 5 USD là khởi điểm tốt để bắt đầu”, Reining chia sẻ với CNBC Make It.
Vị triệu phú lý giải rằng, nếu bạn tiết kiệm bằng cách cắt chi tiêu cho những khoản lớn thì sẽ tạo cảm giác quá áp lực và khó khăn. Khi ấy, bạn sẽ bỏ cuộc vì cảm thấy bất lực. “Những thay đổi nhỏ sẽ khiến bạn có khả năng thực hiện những thay đổi lớn", Chris Reining kết luận.
Grant Sabatier: Tiền bạc không phải là tất cả
“Tiền bạc không phải là tất cả. Nó không đáng để bạn hy sinh sức khỏe, gia đình, bạn bè hay những trải nghiệm khác vì nó”, Sabatier - một triệu phú tự thân làm giàu sau 5 năm chia sẻ.
“Tôi đã mất một vài người bạn và làm căng thẳng những mối quan hệ khác vì tôi đã dành quá nhiều thời gian ở lại văn phòng trễ hoặc bận rộn vào những ngày cuối tuần. Mặc dù tôi tin rằng có tiền sẽ có tự do nhưng tiền bạc thực sự chỉ là một công cụ để có thể thực hiện những trải nghiệm trong cuộc sống", vị triệu phú này nói thêm
Theo Grant Sabatier, thay vì chỉ tập trung vào làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn, bạn hãy đặt ra các mục đích sống. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi như bạn muốn làm gì với số tiền mình có? Bạn muốn làm việc bao nhiêu tiếng trong một tuần ? Bạn muốn đi du lịch bao nhiêu trong năm?
“Kiếm tiền và tiết kiệm được nhiều tiền chỉ hữu ích nếu bạn cần nó để thực hiện một điều gì đó đang ấp ủ”, Grant Sabatier kết luận.