9 lỗi sự nghiệp cần loại bỏ trong năm 2017
Nếu đã sẵn sàng đón nhận một sự nghiệp thành công hơn trong năm 2017, hãy tránh xa một số lỗi có thể ngăn cản sự tiến bộ của bạn.
Dưới đây là những lỗi nghề nghiệp mà những người khao khát thành công cần tránh, theo lời khuyên từ các CEO doanh nghiệp, triệu phú tự thân và những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực nghề nghiệp:
1. Duy trì hiện trạng vì sợ thay đổi
Theo Jenny Blake - cựu huấn luyện viên nghề nghiệp (career coach) của Google, người từng tư vấn cho hơn 1.000 cá nhân, lỗi sự nghiệp lớn nhất nhiều người thường mắc phải là hành động dựa trên nỗi sợ hãi hoặc những điều tự cho là “nên làm”.
Khi bị định hướng bởi những yếu tố đó, chúng ta sẽ không thể tiến đến một con đường sự nghiệp toàn vẹn, chiến lược gia nghề nghiệp Jenny Blake - tác giả cuốn Pivot cho biết.
2. Tập trung quá nhiều vào việc tìm kiếm “niềm đam mê”
Áp lực của việc tìm kiếm “tiếng nói thực sự từ bên trong” có thể chẳng dẫn bạn đi đến đâu. Jenny Blake cho rằng mọi người nên cất gánh nặng này khỏi vai mình.
“Đối với một số người, áp lực từ việc xác định một mục đích hoặc một tuyên bố mang tính sứ mệnh có thể gây ra sự lo lắng không cần thiết”, bà viết trong cuốn Pivot.
Jenny Blake cho rằng, hãy tạm gác cái “tư duy đam mê” đó qua một bên và bắt đầu thực hiện những dự án nhỏ hơn để khám phá ra những điều bạn thích làm.
3. Viết những bức thư điện tử tệ hại
Những nhân viên viết email súc tích thường được đánh giá cao, Julie Sweet - CEO Hãng tư vấn công nghệ Accenture khu vực Bắc Mỹ cho biết. Vị CEO doanh nghiệp trị giá 16 tỷ USD này nhận định, cách viết email có thể giúp sự nghiệp của một cá nhân phất lên hoặc lụi tàn.
Do đó, Julie Sweet đưa ra lời khuyên: mỗi người nên phát triển kỹ năng giao tiếp sao cho thật thuần thục và chuyên nghiệp, và đặc biệt là đầu tư đúng mức cho kỹ năng viết email.
4. Chỉ quan tâm đến tiền bạc
Dù đang đàm phán để có một công việc mới hay đề xuất tăng lương, đừng chỉ quan tâm đến vấn đề tiền bạc, chiến lược gia Keld Jensen cho biết trên CNBC.
“Hầu hết mọi người đều chỉ tập trung vào những con số. Thay vào đó, hãy xem xét tới những yếu tố khác, chẳng hạn như gia tăng thời gian nghỉ phép hoặc thêm các giờ làm linh hoạt. Hãy cho người đang đàm phán với bạn một cơ hội để nói Có”, Jensen gợi ý.
5. Để người khác quyết định sự lựa chọn của mình
Mọi người từng khuyên Carla Harris đừng nộp đơn vào các trường thuộc hệ thống Ivy League (gồm 8 trường đại học uy tín hàng đầu Hoa Kỳ). Sau đó, bà cũng nhận được lời khuyên là nên “tránh xa” Hãng dịch vụ tài chính Morgan Stanley.
Thực tế là Carla Harris đã bỏ ngoài tai tất cả, để rồi sở hữu tấm bằng tốt nghiệp loại ưu đại học Harvard, sau đó trở thành Phó chủ tịch Morgan Stanley và là một trong những phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất Phố Wall.
“Đừng để bị phân tâm bởi bất kỳ điều gì người khác nói với bạn, hãy duy trì sự tập trung tối đa”, Phó chủ tịch Morgan Stanley khẳng định.
6. Bỏ qua các sai lầm
Jay Leno - diễn viên hài, người từng dẫn dắt chương trình "The Tonight Show" trên kênh NBC nhận định, những sai lầm trong sự nghiệp của chúng ta (hoặc thậm chí của người khác) đều là những bài học hữu ích.
Đồng quan điểm, tỷ phú Richard Branson cũng cho rằng sai lầm chính là những cơ hội học tập tuyệt vời.
7. Mang chuyện cá nhân vào văn phòng
Brian Wong - CEO 25 tuổi của Hãng ứng dụng quảng cáo di động Kiip cho biết, nhiều người không nhận ra tầm quan trọng của việc “để lại” những vấn đề cá nhân của mình bên ngoài văn phòng làm việc.
“Nếu bị thất tình, hay bị ai đó lấy cắp thẻ tín dụng… hãy vẫn làm việc như thể những việc đó chưa hề xảy ra”, Brian Wong viết trong cuốn The Cheat Code.
8. Nói dối trong hồ sơ xin việc
Sự cường điệu hoặc những lời nói dối có vẻ như “vô hại” trong hồ sơ xin việc có thể trở nên phản tác dụng, nhiều chuyên gia nghề nghiệp cho biết trên CNBC.
9. Nghĩ rằng mình đã bỏ lỡ mất cơ hội thành công
Trên thực tế, không phải mọi doanh nghiệp thành công đều được sáng lập bởi những doanh nhân trẻ đang ở độ tuổi đôi mươi. Vì thế, nếu nghĩ rằng cơ hội duy nhất để tạo nên một điều gì đó tuyệt vời đã “ở lại phía sau”, bạn đang phạm sai lầm lớn.
“Nhiều người cứ nghĩ rằng nếu họ không bỏ học và khởi nghiệp hồi năm 19 tuổi thì có nghĩa là họ không thể nào phát triển hơn được nữa. Họ không hiểu rằng tuổi tác chưa bao giờ là yếu tố quyết định thành công”, CEO Lloyd Blankfein của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nói.