ADB: Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,1% trong năm 2012

Văn Trường

TCTC Online – Đó là dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2012 tại buổi họp báo công bố Triển vọng Phát triển châu Á 2012.

Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2012 sẽ đạt 5,1% và 5,7% trong năm 2013 thay vì nhận định hồi tháng 4/2012 tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay có thể đạt mức 5,7% và sẽ tăng lên 6,2% trong năm 2013 trong bối cảnh thị trường tín dụng trong nước và nước ngoài yếu.

Sáp nhập ngân hàng yếu kém là tất yếu!

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Việt Nam cho biết: "Chính phủ Việt Nam đã phát đi những tín hiệu cam kết cải cách mạnh mẽ về hệ thống tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước  (DNNN) đã làm tăng thêm niềm tin của thị trường”.

Tuy nhiên, ADB nhận định, lạm phát từ nay đến cuối năm 2012 được dự báo  ở mức khoảng 7%, nâng tỷ lệ trung bình của năm lên 9,1%, thấp hơn so với dự báo trước đó, sau khi giá thực phẩm giảm mạnh và nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu. Dự báo đến cuối năm 2013, mức lạm phát tăng lên mức 9,4% do giá lương thực toàn cầu và lượng cầu trong nước tăng, trong khi chính sách tài khóa có thể được nới lỏng.

Theo ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ bị chi phổi bởi tiến độ giải quyết các vấn đề dễ bị tổn thương trong lĩnh vực tài chính sau chu kỳ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, sau đó là chính sách thắt chặt và suy giảm tăng trưởng kinh tế, cùng với sự suy yếu của thị trường bất động sản,… đã gia tăng áp lực cho ngành ngân hàng.

Các chuyên gia hàng đầu của ADB đã đánh giá cao nỗ lực cải cách cũng như ủng hộ các kế hoạch cải cách lĩnh vực tài chính và DNNN, đặc biệt động thái sáp nhập một số ngân hàng yếu kém không có thanh khoản trên thị trường.

Ngoài ra ADB cũng chỉ ra quy mô nợ xấu “không rõ ràng” và bảng cân đối rủi ro của một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng làm ăn với các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và làm ăn dàn trải, đặt ra những câu hỏi về sự an toàn vốn của họ. Triển vọng tăng trưởng phụ thuộc vào các rủi ro trong lĩnh vực tài chính, những rủi ro này có thể tăng cho đến khi vấn đề nợ xấu được giải quyết. 

Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng tăng nhẹ trong 7 tháng đầu năm nay lên 14%, cao hơn nhiều so với mức 9% do Ngân hàng nhà nước quy định.

Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đội ngũ chuyên gia có kiến thức chuyên môn vào các ngân hàng, Chính phủ đang xem xét tăng mức trần sở hữu nước ngoài tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các vấn đề trong hệ thống ngân hàng đã bị mất niềm tin và giảm hấp dẫn trên toàn thị trường, nên khó huy động cũng như thu hút đầu tư lớn từ nước ngoài.

Nhiều tín hiệu lạc quan…

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á cũng nêu, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thì đầu tư tư nhân sẽ vẫn “yên ắng”  do lo ngại về khả năng đối phó với nợ xấu của hệ thống ngân hàng, cộng với triển vọng từ những thị trường xuất khẩu lớn bị suy giảm trong năm 2012. Dự kiến hoạt động kinh tế trong những tháng cuối năm ở Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ các chính sách điều tiết kinh tế kịp thời của Chính phủ.

ADB cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2013 sẽ tăng lên ở mức 5,7%. Chính sách tài khóa sẽ được nới lỏng vào năm 2013 và các ngành công nghiệp xuất khẩu sẽ được củng cố nhờ sự phục hồi ban đầu của thương mại thế giới.  

Dự báo thâm hụt tài khoản vãng lai năm nay sẽ thấp hơn so với dự báo trong tháng 4/2012 vì hoạt động xuất khẩu tăng mạnh. Bên cạnh đó, thời gian tới sẽ có áp lực giảm tỷ giá hối đoái nếu lợi tức thực tế của các khoản tiền gửi VND không được duy trì. Dự trữ ngoại hối được cải thiện cho phép Ngân hàng nhà nước hỗ trợ tiền đồng ở phạm vi nhất định.

ADB dự báo, GDP của khu vực châu Á sẽ giảm xuống 6,1% trong năm 2012 và 6,7% trong năm 2013, thấp hơn đáng kể so với mức 7,2% trong năm 2011 và nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á sẽ chỉ tăng lên 5% trong năm 2012, Trung Quốc 7,7% và Ấn Độ 5,6%.

Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2012