Ai sẽ khuynh đảo thị trường dầu?

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Giá dầu ngày càng biến động khó lường trong giai đoạn gần đây, khi bị tác động quá nhiều bởi các yếu tố địa - chính trị. Đáng chú ý, Mỹ đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu dầu số một thế giới.

 Một cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia - Ảnh: AFP
Một cơ sở lọc dầu ở Saudi Arabia - Ảnh: AFP

Bờ vực chiến tranh thúc đẩy giá dầu

Giá dầu thế giới ngày 16/9/2019 tăng một mạch gần 20% ngay khi mở cửa, trước thông tin vụ tấn công vào các nhà máy sản xuất dầu tại Ả Rập Saudi vào cuối tuần qua khiến nhà đầu tư không chỉ lo ngại khủng hoảng nguồn cung, mà còn sợ hãi khi nghĩ đến kịch bản Ả Rập Saudi và Mỹ sẽ trả đũa bằng cách tấn công Iran.

Tuy nhiên, thị trường không thể giữ được mức cao và giảm mạnh trở lại trong phiên giao dịch sau đó. Sự chao đảo mạnh của giá năng lượng này trước những sự kiện địa - chính trị khiến rủi ro thị trường ngày càng gia tăng.

Hiện tại, Mỹ đang gửi thêm quân đội tới Ả Rập Saudi, để tăng cường phòng thủ tên lửa và sức mạnh cho không quân Ả Rập. Một nguồn tin cho biết, Mỹ đang thảo luận với Anh trong việc thành lập một liên minh nhằm tiến hành chiến dịch quân sự tấn công Iran. Về phần mình, Iran cũng đe dọa sẽ chiến tranh toàn diện, khiến vùng Vịnh một lần nữa đứng trước bờ vực chiến tranh, do đó sẽ ảnh hưởng lên giá dầu trong giai đoạn tới.

Trong khi đó, Tổng thống Trump cho biết ông không có kế hoạch gặp các quan chức Iran tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra trong tuần này.  Tuyên bố của Tổng thống Trump dập tắt hy vọng vào một cuộc gặp bất ngờ giữa lãnh đạo Mỹ và Iran trong bối cảnh căng thẳng hai nước đang gia tăng. 

Một tay khuynh đảo

Dù Tổng thống Trump luôn nói giữ giá dầu thấp sẽ tốt cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng những hành động của ông Trump từ khi đắc cử đến nay đều góp phần đẩy giá dầu tăng cao. Đầu tiên, ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran rồi cấm vận nước này, khiến hoạt động xuất khẩu dầu của Iran bị ngưng trệ.

Tiếp đó, chính quyền Trump can thiệp vào Venezuela, rồi cấm vận luôn nước này trong bối cảnh chính trị bất ổn tại quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu này, khiến nguồn cung dầu toàn cầu thêm bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt từ Venezuela.

Tuy nhiên, ông Trump lại nhiều lần đổ lỗi cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là nguyên nhân đẩy giá dầu tăng, dù OPEC đã ký những thỏa thuận cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu ổn định và đảm bảo các nhà sản xuất vẫn có lợi nhuận.

Thực tế là kịch bản giá dầu tăng đang mang lại lợi ích rất lớn cho Mỹ, khi nước này đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự bùng nổ dầu đá phiến giúp Mỹ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và có lúc vượt qua Ả Rập Saudi, để trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Cụ thể, xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng trên 3 triệu thùng/ngày, nâng tổng xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế của Mỹ lên gần 9 triệu thùng/ngày.

Ngược lại, Ả Rập Saudi đã cắt giảm cả xuất khẩu dầu thô lẫn sản phẩm tinh chế. Dù sau đó nước dẫn đầu OPEC này đã giành lại vị trí số một vào tháng 7 và 8/2019, vì sản xuất dầu tại Mỹ bị gián đoạn do ảnh hưởng của các cơn bão. Nhưng ngày mà nước Mỹ trở thành cường quốc số một về sản xuất dầu có lẽ không còn xa nữa, khi trong thập kỷ qua, Mỹ đã tăng gấp đôi sản lượng dầu lên 12,3 triệu thùng/ngày.

Điều này sẽ càng làm tăng khả năng khuynh đảo thị trường dầu của cường quốc số một kinh tế thế giới này. 

Kể từ khi thành công trong việc neo chặt đồng USD vào dầu mỏ, Mỹ đã tác động lên giá dầu thông qua giá trị đồng USD. Giờ đây, với việc thao túng được nguồn cung, Mỹ có thể “vẽ” giá dầu theo ý của mình dễ dàng hơn.

Ngược lại, những nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ như Trung Quốc sẽ gánh lấy thiệt hại khi giá dầu biến động mạnh. Do đó, dầu có thể trở thành một trong những vũ khí để Mỹ đánh vào nền kinh tế Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 7 năm nay, Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt một công ty dầu mỏ nhà nước Trung Quốc vì vi phạm các lệnh cấm vận dầu thô Iran.

Chính vì vậy, không có gì lạ khi Trung Quốc ngoài việc mở rộng đối tác nhập dầu thì đang tìm kiếm thêm các mỏ dầu mới ngoài Biển Đông và chủ động gây căng thẳng trong khu vực vì nguồn tài nguyên này. Cuộc chiến giữa hai cường quốc kinh tế lớn đang lan dần, từ thương mại, công nghệ, tiền tệ... và rồi dầu có thể sẽ trở thành một con cờ quyết định trong cuộc chiến khó lường này.