Âm hưởng của "tháng cô hồn" vẫn chưa buông tha vàng
(Tài chính) Tháng 7 đúng là "tháng cô hồn" của vàng khi nó đã để mất hơn 43 USD/oz (tương đương 3,26% giá trị). Trong đó riêng hai tuần cuối tháng, giá vàng đã mất gần 1,8% giá trị. Âm hưởng của "tháng cô hồn" vẫn còn đeo đẳng kim loại quý này trong tuần tới.
Diễn biến thị trường vàng tuần qua khá giống với tuần trước đó khi giá vàng giảm liên tục trong suốt cả tuần, song lại phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần. Chỉ có điều mức lao dốc trong tuần qua mạnh hơn nhiều.
Theo đó, khởi đầu tuần ở mức 1.308,3 USD/oz, giá vàng giao ngay thế giới giảm liên tục xuống tới 1.280,5 USD/oz trong phiên giao dịch ngày 31/7. Tuy nhiên, sự chững lại của thị trường việc làm tại Mỹ trong tháng 7 đã khiến vàng hồi phục trở lại, tăng tới 12 USD trong phiên giao dịch ngày 1/8 để rồi đóng cửa tuần qua ở mức 1.294,2 USD/oz.
Mặc dù vậy, tính chung tuần qua, giá vàng giao ngay vẫn để mất 14,1 USD/oz. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng để mất 10,5 USD, đóng cửa ở mức 1.294,8 USD/oz.
Diễn biến giá vàng thế giới tuần qua
Trên thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC cũng biến động theo sát với diễn biến của giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng SJC trong nước cũng giảm liên tục trong những ngày đầu tuần để rồi đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (1/8) ở sát 36,6 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, rạng sáng nay, sự phục hồi của giá vàng thế giới cũng kéo giá vàng SJC trong nước tăng nhẹ lên quanh 36,7 triệu đồng/lượng. Mặc dù vậy, tính chung tuần qua, giá vàng SJC trong nước vẫn giảm hơn 100.000 đồng/lượng.
Do giảm chậm hơn nên chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước với giá vàng thế giới hiện lên tới 3,5 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng SJC trong nước tuần qua
Dường như âm hưởng của "tháng cô hồn" vẫn chưa buông tha vàng khi có tới 50% các nhà phân tích dự báo kim loại quý này sẽ tiếp tục giảm giá trong tuần tới. Cụ thể, cuộc khảo sát của Kitco với 37 thành viên của thị trường về xu hướng giá vàng tuần tới cho thấy, trong số 24 ý kiến phản hồi có tới 12 ý kiến (50%) dự báo vàng sẽ tiếp tục giảm. Trong khi chỉ có 8 ý kiến nhận định vàng sẽ tăng và 4 ý kiến cho rằng vàng đi ngang.
Theo Phillip Streible, Chiến lược gia thị trường cao cấp của RJO Futures, vàng vẫn chịu nhiều áp lực trong tuần tới cho dù căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp tục leo thang, cộng thêm cuộc khủng hoảng nợ tại Argentina. "Áp lực chính lên giá vàng vẫn là sự phục hồi vững chắc của kinh tế Mỹ thể hiện qua sự cải thiện của thị trường nhà ở và lao động", ông nói.
Cũng có cái nhìn như vậy, Richard Baker - Biên tập viên của Bản tin thị trường Eureka Miner cho rằng, vàng đang chịu nhiều áp lực giảm giá trong tuần này.
Trong khi ở chiều ngược lại, những ý kiến nhận định vàng sẽ tăng trong tuần tới cho rằng, sự chững lại của thị trường lao động Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho kim loại quý này như trong phiên cuối tuần, bên cạnh các yếu tổ rủi ro địa chính trị. Theo Bộ Lao động cho biết, trong tháng 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo được 209.000 việc làm mới, thấp hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế là 230.000 việc làm. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 6,2% từ mức 6,1% do số người gia nhập thị trường lao động tăng.