Ấn Độ hướng Đông
Sự suy giảm kinh tế hiện nay của Ấn Độ đang cho thấy một sự thật đơn giản: những cải cách của những năm 90 ở thập kỷ trước là không đủ. Mặc dù suy giảm hiện nay phần nào mang tính chu kỳ, nhưng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ không thể trở lại mức trên 8%/năm nếu không tiếp tục có hướng đi mới. Đông Á chính là cơ hội vàng của New Dehli. Có 3 lý do kinh tế và 3 lý do chính trị để Ấn Độ hướng Đông.
Thứ nhất, mức lương thực tế ngày càng cao và tỷ giá hối đoái tăng lên tại Trung Quốc đang tạo ra đột phá cho các ngành cần nhiều lao động của Ấn Độ. Xu hướng này là hậu quả tự nhiên của việc Trung Quốc phát triển nhanh chóng và đổi mới công nghệ. Sự phát triển của Trung Quốc thúc đẩy việc dịch chuyển các ngành cần nhiều lao động sang các quốc gia dư thừa lao động như Ấn Độ. New Dehli có thể được hưởng lợi từ xu hướng này nếu cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là khu vực bờ biển phía Đông. Thị trường nội địa lớn, mức độ công nghiệp hóa, các trung tâm đô thị và dịch vụ tài chính của Ấn Độ hiện tương đương với Trung Quốc trong những năm 90 của thế kỷ trước.
Thứ hai, làn sóng tự do hóa trong thương mại dịch vụ tại Đông Á tạo cho ngành du lịch hùng mạnh của Ấn Độ cơ hội tiến lên. Giống như thương mại, hàng chế tạo đã chi phối tăng trưởng tại Đông Á ba thập kỷ qua, thương mại dịch vụ dường như sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong ba thập kỷ tới. Các ngành dịch vụ tương đối kém phát triển tại hầu hết các nước Đông Á và đang chiếm một phần nhỏ của thương mại. Nhưng các ngành dịch vụ của Ấn Độ hiện chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu và đường vào thị trường lớn tại Đông Á đang rộng mở. Trung Quốc và ASEAN hiện có một hiệp định thương mại dịch vụ. Ấn Độ cũng đang thương thuyết một hiệp định tương tự với ASEAN.
Thứ ba, các hiệp định thương mại khu vực như Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang tạo điều kiện chính sách hướng Đông của Ấn Độ, nhất là khi thỏa thuận này sẽ bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ. RCEP sẽ mang lại cho Ấn Độ một động lực mạnh mẽ để thực hiện những cải cách thương mại cần thiết trong nước, khuyến khích quốc gia Nam Á này giảm bớt chi phí thương mại. Hiện nay, chi phí thương mại của Ấn Độ cao gấp đôi so với mức trung bình ở Đông Á. Điều quan trọng là với hiệp định này, lần đầu tiên các ngành dịch vụ của Ấn Độ có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với Australia, Nhật Bản và New Zealand.
Thứ tư, hậu quả từ những căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang buộc các nhà đầu tư Nhật Bản phải đa dạng hóa hướng đầu tư của mình. Trước đây, Nhật Bản thường lựa chọn Thái Lan khi muốn chuyển các hoạt động kinh doanh cần nhiều lao động ra khỏi Trung Quốc. Nhưng tình trạng bất ổn chính trị của Thái Lan gần đây khiến Ấn Độ trở thành lựa chọn thay thế nổi bật.
Thứ năm, Đông Nam Á cũng tìm kiếm các phương án lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Mặc dù mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc mang lại những mối lợi lớn cho các nước trong khu vực nhưng nó cũng hạn chế tính độc lập trong những lĩnh vực khác, đặc biệt là chính trị và ngoại giao. Do vậy, Đông Nam Á chào đón chiến lược chuyển hướng sang châu Á của Mỹ và Ấn Độ như một cơ hội để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Thứ sáu, việc Myanmar đang dần chuyển đổi từ chế độ tự cung tự cấp, hướng tới mở cửa với thế giới bên ngoài tạo ra những cơ hội mới cho Ấn Độ. Myanmar có thể trở thành cầu nối đường bộ giữa Ấn Độ với Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc. Ấn Độ vẫn duy trì quan hệ thương mại với Myanmar từ thời chính quyền quân sự. Ấn Độ đang có lợi thế nhưng phải hành động sớm trước khi quá muộn, nhất là trong bối cảnh Myanmar trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia.
Tất cả những xu hướng trên đang tạo ra một thời cơ hiếm có để Ấn Độ tăng cường liên kiết chặt chẽ hơn nữa với phía Đông. Mức tăng trưởng thương mại của Ấn Độ với Đông Nam Á đạt mức trung bình 20%/năm trong thập kỷ qua nhưng kim ngạch thương mại với Ấn Độ mới chiếm 3% tổng kim ngạch thương mại của Đông Nam Á. Các quan chức tài chính và kinh tế đều nhận định rằng, Đông Á đang tiến lên mạnh mẽ, Ấn Độ cần hướng tới phía Đông nếu không muốn tụt hậu.