Anh - Mỹ cùng đối phó với nguy cơ sụp đổ ngân hàng

Theo TTXVN

Trước mắt, kế hoạch này sẽ được áp dụng đối với 12 "đại gia" ngân hàng của Anh và Mỹ, sau đó là 16 ngân hàng quan trọng nằm trong hệ thống toàn cầu (G-Sifis) có trụ sở ở các quốc gia khác.

Anh - Mỹ cùng đối phó với nguy cơ sụp đổ ngân hàng
Ngày 10/12, Anh và Mỹ đã công bố kế hoạch khẩn cấp nhằm chủ động đối phó với nguy cơ sụp đổ mang tính hệ thống của các ngân hàng lớn trên phạm vi toàn cầu. 
 
Kế hoạch hợp tác xuyên Đại Tây Dương này đưa ra nhiều giải pháp, buộc các cổ đông cũng như chủ nợ phải cùng gánh chịu thiệt hại, đồng thời duy trì một lượng vốn hợp lý tại "đại bản doanh" của mỗi ngân hàng đủ để bảo vệ người đóng thuế.
 
Trong một bài viết đăng trên tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ Martin Gruenberg và Phó Thống đốc Ngân hàng Anh Paul Tucker cho rằng đây là bước đi cụ thể đầu tiên nhằm chấm dứt tình trạng "quá lớn để có thể phá sản" đang tồn tại ở những ngân hàng tầm cỡ quốc tế.
 
Trước mắt, kế hoạch này sẽ được áp dụng đối với 12 "đại gia" ngân hàng của Anh và Mỹ, sau đó là 16 ngân hàng quan trọng nằm trong hệ thống toàn cầu (G-Sifis) có trụ sở ở các quốc gia khác.
 
Giới hoạch định chính sách tiền tệ của Anh và Mỹ cho rằng tất cả các nước trên thế giới đều có chung lợi ích trong nỗ lực tăng cường khả năng đối phó với nguy cơ sụp đổ của những thể chế tài chính toàn cầu theo cách thức tin cậy và hiệu quả nhất. 
 
Tuy nhiên, các ngân hàng lớn ở Anh và Mỹ hiện vẫn không duy trì một giá trị tài sản và nợ hợp lý tại những công ty cổ phần, buộc giới hoạch định chính sách phải vào cuộc.
 
Theo kế hoạch này, giới chức Mỹ sẽ yêu cầu các ngân hàng lớn phải duy trì một khối lượng nợ "vừa đủ" tại những công ty cổ phần. 
 
Trong khi đó, Anh sẽ cho phép "đại gia" ngân hàng lựa chọn giữa hai giải pháp, hoặc là tái cơ cấu, hoặc là chấp nhận những quy định về việc áp đặt mức thua lỗ đối với các khoản nợ.
 
Giới chức Anh và Mỹ tin rằng chiến lược mới này sẽ góp phần duy trì sự ổn định khi trách nhiệm được chia sẻ cho cổ đông, chủ nợ và cả các nhà quản lý.
 
Dự kiến, kế hoạch mới sẽ được chính thức triển khai từ năm 2013.