Áp dụng IFRS và vấn đề đặt ra với doanh nghiệp

Nguyễn Tấm

Hiện nay, trên thế giới, áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) ngày càng phổ biến. Áp dụng IFRS giúp tăng cường khả năng so sánh và tính minh bạch của báo cáo tài chính, giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí vốn, gia tăng niềm tin với nhà đầu tư, thúc đẩy các khoản đầu tư xuyên biên giới. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng IFRS lần đầu chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn đối với DN. Vậy DN phải làm gì là vấn đề đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó khăn trong việc áp dụng IFRS tại Việt Nam

 Thứ nhất, vướng mắc về hệ thống. Hệ thống phần mềm kế toán tại các DN hiện nay chưa hoàn toàn đồng bộ và chưa có tính năng để nhập các bút toán chuyển đổi theo IFRS, do vậy việc chuyển đổi theo IFRS đều phải tiến hành thủ công dẫn đến mất nhiều công sức và có thể mắc phải những nhầm lẫn trong quá trình tính toán.

Đặc biệt, đối với các tập đoàn thì lượng dữ liệu tại một số công ty con tương đối lớn và phức tạp nên khá khó khăn và mất thời gian trong việc thu thập và xử lý cho nhu cầu sử dụng trong chuyển đổi IFRS. Nên việc cần triển khai đầu tư nâng cấp và đồng bộ hóa hệ thống phần mềm kế toán nhằm hỗ trợ công tác kế toán tài chính nói chung và công tác chuyển đổi báo cáo tài chính theo IFRS nói riêng.            

Thứ hai, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường. Thông tin đầu vào từ thị trường (chứng khoán, nhà đất) để phục vụ cho công tác định giá còn rất hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng, thiếu minh bạch và không cập nhật, gây khó khăn trong quá trình làm việc và ảnh hưởng tới mức độ tin cậy của các đánh giá về giá trị hợp lý.

Thứ ba, các quy định và chuẩn mực. Các quy định về hạch toán kế toán, thuế và luật khác trong Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) cũng như các chuẩn mực của IFRS thường xuyên được sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới, trong khi ở Việt Nam nguồn tài liệu phân tích và hướng dẫn về chuyển đổi theo IFRS rất ít (gần như không có), nên việc cập nhật áp dụng cũng khá khó khăn.

Thứ tư, khó khăn về nguồn lực.

Chi phí cho việc lập Báo cáo tài chính theo IFRS là rất lớn, từ thuê kiểm toán, tư vấn, thuê tổ chức định giá, đến đào tạo nhân viên nên có một số phần doanh nghiệp chưa có điều kiện để thuê tổ chức định giá, do chi phí này hiện tại ở Việt Nam là khá lớn và có ít đơn vị có thể thực hiện được. Việc tuyển dụng được cán bộ có kinh nghiệm về IFRS tại Việt Nam không hề dễ dàng, do vậy đội ngũ cán bộ làm Báo cáo tài chính theo IFRS còn chưa nhiều cả về kinh nghiệm và kiến thức.

Thứ năm, sự phối kết hợp giữa các bộ phận trong DN. Sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp chưa đáp ứng ngay khi áp dụng IFRS. Khác biệt giữa VAS và IFRS có liên quan đến quy trình kinh doanh, vì thế doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ. Ví dụ, phòng kế toán cần xác định những thông tin nào cần phải có để kế toán theo IFRS mà hiện thời hệ thống báo cáo theo VAS chưa có và phối hợp với phòng bán hàng, pháp chế rà soát và sửa đổi các điều khoản của hợp đồng bán hàng, mua hàng, hợp đồng vay, thuê tài sản…

Thứ sáu, sự hỗ trợ của bên ngoài doanh nghiệp.

Sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các công ty kiểm toán, trường đại học đối với doanh nghiệp trong thời gian tới có ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai áp dụng IFRS. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chưa biết rõ cơ chế phối hợp như thế nào, mức độ hỗ trợ ra sao.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để áp dụng IFRS?

Việc áp dụng IFRS là một thách thức về trình độ năng lực chuyên môn, ngoại ngữ đối với nhân viên kế toán, kiểm toán, của các nhà đầu tư và cả các nhà quản lý. Nó đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ từ phía các DN và những người làm công tác kế toán, cũng như cần sự phối hợp đồng bộ của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, nhằm điều chỉnh môi trường kinh tế, pháp luật đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc áp dụng IFRS không chỉ trong một sớm một chiều, do đó doanh nghiệp cần phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng và chuẩn bị.

DN, nhất là DN niêm yết, cần thiết lập hệ thống và quy trình lập báo cáo tài chính theo IFRS cho riêng DN của mình và tiến hành cập nhật thường xuyên để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng, tránh vi phạm các yêu cầu của chuẩn mực và quy định của pháp luật. Đây không chỉ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự minh bạch của Báo cáo tài chính mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng của các DN niêm yết trên thị trường. DN cũng cần nâng cấp, điều chỉnh hệ thống phần mềm kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu hạch toán theo IFRS.

Vấn đề quan trọng tiếp theo chính là nguồn nhân lực: DN cần nâng cao năng lực, trình độ, sự hiểu biết và nhận thức của những cán bộ trực tiếp cũng như gián tiếp tham gia vào quá trình lập báo cáo IFRS. Cần tạo điều kiện và có kế hoạch kinh phí hàng năm để cử cán bộ kế toán tham gia các khóa học, đào tạo trong nước và quốc tế với giảng viên là các chuyên gia giàu kinh nghiệm về IFRS, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo nội bộ, đào tạo cũng như chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm lập báo cáo tài chính theo IFRS giữa Công ty mẹ và các công ty thành viên, hoặc giữa trụ sở chính và các chi nhánh.

Cùng với đó, DN nên khuyến khích bản thân kế toán viên cần không ngừng cố gắng tự trau dồi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức về IFRS bằng cách tham dự các buổi hội thảo cập nhật kiến thức IFRS của Bộ Tài chính, các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, hiệp hội ACCA; tham gia học và thi lấy các chứng chỉ kế toán quốc tế.

Một khía cạnh quan trọng nữa là phải có sự theo sát một cách thường xuyên, liên tục của Ban lãnh đạo xuyên suốt trong quá trình triển khai, để đưa ra các định hướng, cũng như nâng cao sự phối hợp của các cán bộ, phòng, ban trong doanh nghiệp, phục vụ cho công tác lập báo cáo IFRS.

DN cần chủ động tìm kiếm và lựa chọn đội ngũ tư vấn đủ năng lực hỗ trợ DN trong việc triển khai áp dụng IFRS, giúp DN “làm đúng ngay từ đầu” các yêu cầu cần thiết khi áp dụng IFRS. Thuê kiểm toán độc lập có chuyên môn, kinh nghiệm để tiến hành rà soát số liệu, quy trình chuyển đổi sang IFRS nhằm chấn chỉnh các bất cập và rút kinh nghiệm cho các kỳ sau cũng là một việc làm cần thiết.

DN cũng cần chuẩn bị về kinh phí, nguồn lực khi áp dụng lập báo cáo theo chuẩn mực IFRS.

Từ những phân tích trên đây và từ những kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công từ các chuẩn mực kế toán trong nước sang IFRS, các DN cần chú ý đến một số điểm cơ bản như sau:

Bắt đầu sớm: Các DN cần lên lộ trình chuyển đổi sang IFRS ngay khi có quyết định chuyển đổi để có thể đề ra những kế hoạch thay đổi về quy trình kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và nguồn lực tài chính cho việc chuyển đổi IFRS thay vì đợi đến năm lập báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên;

Cần thiết lập một đội dự án chuyển đổi sang IFRS trong đó người lãnh đạo dự án phải là một trong những thành viên của ban lãnh đạo DN, và có sự tham gia của các phòng ban chính trong DN, như kế toán, kinh doanh, pháp chế, công nghệ thông tin v.v.

Đối với các tập đoàn thì cần thực hiện đánh giá tác động của việc chuyển đổi sang IFRS ở tất cả các đơn vị trong tập đoàn có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ để có thể có kế hoạch đào tạo kế toán của các công ty này lập bộ báo cáo tài chính theo IFRS phục vụ cho mục đích hợp nhất báo cáo của công ty mẹ;

Tổ chức đào tạo một đội ngũ kế toán có kiến thức về IFRS ở cả công ty mẹ và các công ty con trọng yếu trong tập đoàn;

Làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán có nhiều kinh nghiệm về kiểm toán báo cáo tài chính hoàn thiện theo IFRS để có được sự hỗ trợ kịp thời đối với những vấn đề kỹ thuật trọng yếu khi lập báo cáo tài chính theo IFRS.