Áp lực tái cấu trúc thổi sóng M&A ngân hàng

Theo Báo Đầu tư

Với chủ trương thực hiện đề án tái cấu trúc ngành đã được Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang trong quá trình tiến hành xử lý các ngân hàng yếu kém, trong đó nhóm ngân hàng cổ phần nhỏ sẽ là trọng tâm tái cơ cấu.

Áp lực tái cấu trúc thổi sóng M&A ngân hàng
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Mua bán, sáp nhập (M&A) là hình thức được sử dụng trong quá trình này, nhằm cải tổ sâu đậm lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng đang là vấn đề nóng, mà trọng tâm chính là ở những ngân hàng nhỏ, yếu kém nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, áp lực tái cơ cấu sẽ gia tăng.

PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cấu trúc các tổ chức tín dụng được xem là vấn đề trọng tâm, do đó vấn đề này cũng cần được triển khai nhanh theo tinh thần Đề án 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, theo PGS-TS. Ngân, cùng với quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng trong năm 2013, Chính phủ cần kiên quyết hợp nhất, sáp nhập, hoặc quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém, mất vốn điều lệ, nhằm lành mạnh hóa hệ thống tài chính - ngân hàng.

Hoạt động ngân hàng luôn là huyết mạch của nền kinh tế. Sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng giữ vai trò trọng yếu trong việc ổn định và phát triển nền kinh tế. Trong năm 2012, kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều diễn biến khó lường. Trong nước, kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thị trường bị thu hẹp. Những bất ổn của thị trường tác động trực tiếp đến nền kinh tế và tạo nên những thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng thương mại, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết trong cơ cấu lại hoạt động ngân hàng.

Nằm trong danh sách phải tái cơ cấu (GP.Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank) theo yêu cầu của Chính phủ, cũng như NHNN và nếu không đủ lực để có thể tự tái cấu trúc, các ngân hàng này buộc phải chọn hình thức M&A… Vì vậy, 4 ngân hàng trong diện tái cơ cấu nói trên đang chạy nước rút để thực hiện tái cấu trúc.

Trong số 4 ngân hàng nói trên, Navibank và TrustBank cho biết, đã có phương án tự tái cấu trúc gửi lên NHNN và Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ mới có TrustBank đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt phương án tái cấu trúc. Riêng với WesternBank vừa có thông tin sẽ hợp nhất với PVFC.

Cơ hội cho M&A

Tuy nhiên, không phải tất cả ngân hàng nằm trong diện tái cấu trúc đều có thể thực hiện được như TrustBank, nhất là trước bối cảnh thị trường khó khăn, thu hút vốn từ cổ đông chiến lược không dễ dàng. Vì thế, khả năng tự tái cấu trúc sẽ khó thành công, nên không dễ tránh được tình trạng M&A. Bởi quan niệm của NHNN được Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, việc tái cơ cấu là tự nguyện của các ngân hàng nhỏ có yếu kém, nhưng nếu các ngân hàng không có khả năng tự tái cấu trúc, NHNN sẽ can thiệp để cải tổ lại hệ thống. Do đó, khi các nhà băng không có khả năng tự tái cơ cấu, buộc phải tính đến phương án hợp nhất hoặc sáp nhập.

Hiện Navibank vẫn chưa hé lộ phương án tái cơ cấu mà chỉ cho biết, đã có phương án gửi NHNN, cũng như Chính phủ. Với WesternBank, khả năng tự tái cơ cấu là rất ít, nhất là khi mới đây trên thị trường xuất hiện thông tin sẽ sáp nhập với FVFC. Tuy nhiên, không chỉ các nhà băng nằm trong danh sách NHNN yêu cầu phải tái cấu trúc đứng trước áp lực M&A, mà những ngân hàng nằm ngoài danh sách cũng phải đối mặt với làn sóng này. Bởi trước những khó khăn của thị trường, ngân hàng nhỏ sẽ lộ dần yếu kém, nhất là yếu kém về thanh khoản và quản trị rủi ro nợ xấu.

Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy nhận đinh, M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tiếp tục nóng, nhất là khi NHNN đẩy mạnh việc tái cơ cấu ở các ngân hàng nhỏ, yếu kém.

Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng không chỉ là giảm số lượng nhà băng, mà tái cơ cấu ngân hàng thông qua hình thức M&A được xem là một cuộc cải tổ sâu đậm trong hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam, nên xu hướng này sẽ còn gia tăng mạnh trong thời gian tới.