Loạt bài: Điều hành giá linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát 2024

Bài 1: Áp lực kiểm soát lạm phát 2024 không quá lớn

Gia Hân

Năm 2024, lạm phát có thể giảm do kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn, trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, năm 2024, áp lực kiểm soát lạm phát không quá lớn.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Dự báo CPI ở mức 3,2-3,5%

Sáng 04/01/2023, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024”.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 có thể chia thành 2 giai đoạn. Trong nửa đầu năm 2023, lạm phát so với cùng kỳ năm trước giảm từ 4,9% vào tháng 1/2023 xuống còn 2,0% vào tháng 6/2023 do một số nguyên nhân: tổng cầu yếu, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới, đặc biệt là giá dầu giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng cung tiền thấp, còn lãi suất cho vay thực vẫn neo ở mức cao.

Trong nửa cuối năm 2023, lạm phát có xu hướng gia tăng chủ yếu do một loạt cú sốc từ phía cung như: Nhà nước điều chỉnh tăng học phí, khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,06% trong tháng 9/2023, giá dịch vụ y tế khiến chỉ số giá nhóm này tăng 2,9% trong tháng 11/2023 và 2,15% trong tháng 12/2023, giá gạo và giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại theo giá thế giới...

TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, điểm đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng đột biến trong các tháng 8-9/2023 (tăng 0,88% trong tháng 8 và 1,08% trong tháng 9). Kết quả, lạm phát so với cùng kỳ đã tăng từ mức 2,0% vào tháng 6/2023 lên mức 3,58% vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, do lạm phát giảm trong nửa đầu năm, nên lạm phát trung bình năm 2023 ở mức 3,25%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra khoảng 4,5%.

 

Theo dự báo của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2024 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 5,5%-6,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,2%-3,5%.

Dự báo về lạm phát, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết, năm 2024 lạm phát so với cùng kỳ nhiều khả năng sẽ có xu hướng giảm do kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, do yếu tố kỹ thuật (lạm phát so với cùng kỳ tháng 12/2023 ở mức khá cao – 3,58%), nên lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3,0% (+/- 0,5%).

Theo  PGS. TS. Nguyễn Bá Minh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), CPI  năm 2023 chỉ tăng ở 3,25%, mức tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra là 4-4,5%. Nguyên nhân chủ yếu là do tổng cầu nền kinh tế yếu. Trong bối cảnh kinh tế các nước lớn thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thì do Việt Nam là nước hội nhập sâu rộng với thương mại quốc tế, nên một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm (dệt may giảm 9,2%; thủy sản giảm 19%; da giày giảm 17%...).

PGS. TS. Nguyễn Bá Minh cho biết, trước khó khăn đó, ngay từ đầu năm 2023, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để kích cầu tăng trưởng kinh tế, đơn cử như chính sách tiền tệ thực hiện giảm lãi suất liên tục.

PGS. TS. Nguyễn Bá Minh chia sẻ, chưa bao giờ lãi suất ngân hàng lại giảm đến vậy, thấp nhất trong vòng 20 năm qua, trong khi tăng trưởng tín dụng hết tháng 12 lại tăng 11% do cung tiền nhiều. Điều này cho thấy, nền kinh tế hấp thụ kém, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay nên cung tiền thừa. PGS. TS. Nguyễn Bá Minh nhận định, mặc dù nửa cuối năm, CPI có tăng trở lại nhưng lại chủ yếu do điều chỉnh một số mặt hàng như dịch vụ y tế, giáo dục... Đây là nguyên nhân khiến cho CPI cả năm 2023 tăng trưởng thấp, chỉ ở mức 3,2%.

PGS. TS. Nguyễn Bá Minh đưa ra dự báo CPI của năm 2024 tăng từ 3,2-3,5% so với 2023. Kịch bản này được đưa ra trên cơ sở kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm lại, khiến tổng cầu yếu; cùng với đó giá dầu thấp chỉ ở mức 60-62 USD/thùng... tất cả sẽ tác động đến CPI của Việt Nam thấp.  Tuy nhiên, ông cho rằng, Việt Nam vẫn có 3 điểm sáng, đó là nhu cầu hàng hóa (da giày, dệt may), đầu tư công và tiêu dùng tư nhân đều đang tăng trở lại. Song song với đó, cả hệ thống chính trị tích cực triển khai các biện pháp ổn định giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Cần cẩn trọng, ứng phó với những yếu tố bất lợi bên ngoài

Phát biểu tại Hội thảo, theo PGS. TS. Ngô Trí Long, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực "nhập khẩu"; giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát năm 2023 cũng đã tạo đà cho việc giữ ổn định lạm phát trong năm 2024. Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.

Chủ toạ hội thảo.
Chủ toạ hội thảo.

Nêu một số khuyến nghị để kiểm soát lạm phát 2024, PGS. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh, kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên trong trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Chưa có nhiều yếu tố đáng ngại với mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4-4,5% trong năm 2024, song cần cẩn trọng và có kịch bản ứng phó với những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới.

PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giá, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, lạm phát năm 2023 đã được kiểm soát, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Đây là một dấu ấn trong chuỗi thành công trong công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ nhiều năm trở lại đây, nhất là trong bối cảnh hầu hết các nước đang phải đối mặt với mối đe dọa, thách thức của lạm phát tăng cao.

Năm 2024, Bộ Tài chính sẽ bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ, thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, biến động địa chính trị gia tăng, xu hướng bảo hộ kinh tế nội địa lan rộng.

Đối với Việt Nam, tốc độ phát triển kinh tế cũng đang gặp trở ngại do xuất khẩu giảm, trong khi kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu và có độ mở cao nên diễn biến giá trong nước gắn khá mật thiết với biến động giá thế giới đang vẫn ở mức cao và diễn biến khó lường.

Phát huy những thành công đạt được trong năm qua, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp, biện pháp để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý giá. Trong đó, tập trung các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt trong các thời điểm có biến động giá như lễ, Tết, điều chỉnh chính sách tiền lương... Đồng thời, điều hành chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 

Để đạt được mục tiêu CPI năm 2024, PGS. TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính khuyến nghị, tăng cường thực hiện đầu tư công theo dự toán năm 2024 Quốc hội đã phê duyệt, kết hợp với tăng cường kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào của các dự án đầu tư công làm cơ sở thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tiếp tục kiểm soát chặt về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh và gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân. Cùng với đó, bình ổn thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng...